Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Để không còn những vụ đuối nước thương tâm ở Tiền Giang
10:43 PM 23/07/2021
Tiền Giang là một trong những tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sông ngòi, kinh rạch chằng chịt. Hầu như năm nào tỉnh ta cũng xảy ra tình trạng trẻ em bị đuối nước thương tâm. Tình trạng đuối nước ở trẻ em không chỉ để lại nhiều nỗi đau, mất mát cho gia đình, mà còn là nỗi đau chung của toàn xã hội. Cần có giải pháp căn cơ, quyết liệt và mang tính dài hơi để cùng nhau giải quyết triệt để vấn nạn đuối nước ở trẻ em.
THƯƠNG TÂM
Đã hơn một tuần trôi qua, thế nhưng nhiều người dân ở huyện Gò Công Đông vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ đuối nước thương tâm xảy ra trên địa bàn xã Phước Trung, làm 3 học sinh thiệt mạng. Theo đó, vào trưa 24-4, 3 học sinh: Đ.L.T.V. (10 tuổi), Đ.L.T.T. (8 tuổi) và L.T.N.V. (10 tuổi), cùng ngụ ấp Nghĩa Chí, xã Phước Trung, xin phép gia đình đi chơi. Cho đến tận chiều cùng ngày không thấy các em trở về, gia đình tức tốc tỏa ra đi tìm, phát hiện 3 em đã tử vong dưới ao nước trên phần ruộng của một người dân trong xã.
Trang bị cho trẻ em kỹ năng bơi lội là vấn đề cần thiết để các em ứng phó ở môi trường sông nước (Trong ảnh: Học sinh học bơi tại Trường Tiểu học Bình Ninh, huyện Chợ Gạo).
Cũng tại xã Phước Trung, vào cuối tháng 10-2020 năm ngoái, cũng đã xảy ra tình trạng đuối nước, làm 2 học sinh của Trường Trung học cơ sở Võ Văn Dánh tử vong. Sự việc đau lòng trên xảy ra vào ngày 30-10-2020, 2 em L.M.P. và T.H.P., sau khi đi học về, đã đến cống Long Uông, thuộc địa phận xã Phước Trung tắm, không may trượt chân, bị đuối nước thương tâm.
Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, 2 năm liên tục, trên địa bàn huyện xảy ra tình trạng học sinh bị đuối nước rất thương tâm và đáng báo động đối với xã hội. Đa số các em bị đuối nước từ 6 đến 10 tuổi. Ở lứa tuổi này, các em còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm xử lý tình huống bị đuối nước...
Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang thực trạng tai nạn thương tích do đuối nước nói chung và đuối nước ở trẻ em nói riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hầu như năm nào cũng có. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh có gần 100 học sinh tử vong do đuối nước. Đã đến lúc thực trạng đuối nước ở trẻ em cần gióng lên hồi chuông báo động thật mạnh.
GIẢI PHÁP
Giải pháp để ngăn chặn triệt để thực trạng trên là việc làm cấp bách hơn bao giờ hết, vì các em sắp bước vào kỳ nghỉ hè. Từ những vụ tai nạn đuối nước đáng tiếc xảy ra vừa qua, có thể thấy, trách nhiệm không riêng của bất kỳ ngành nào, mà là của toàn xã hội.
Nhìn trên bình diện tổng thể, có thể thấy, điểm chung của những vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em là sự chủ quan, thiếu quan tâm, giám sát của người lớn và gia đình, để trẻ tự do vui chơi tại các khu vực nguy hiểm (sông, suối, ao, hồ, kinh , rạch). Ngoài ra, môi trường sống xung quanh cũng luôn tiềm ẩn những yếu tố nguy hiểm gây tai nạn đuối nước cho trẻ. Tại một số công trình xây dựng thủy lợi và những vùng ao, hồ, sông, rạch nguy hiểm chưa có rào chắn hay gắn biển cảnh báo, biển cấm kịp thời…
Có thể thấy, một nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng, đó là trẻ em còn kém về kỹ năng an toàn trong phòng, chống đuối nước. Đa số trẻ em chưa được dạy các kỹ năng an toàn trong môi trường sống, an toàn trong môi trường dưới nước, cách xử lý tình huống khi rơi ngã dưới nước; chính vì vậy, khi sự việc xảy ra, các em bị lung túng, không biết cách xử trí.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn cho biết, một trong những giải pháp thiết thực để phòng tránh đuối nước được ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm là phổ cập bơi cho học sinh. Theo đó, toàn ngành đang đầu tư xây dựng bể bơi ở các trường học, với mục tiêu hướng đến là làm sao tất cả học sinh đều biết bơi, đều biết xử lý các tình huống phòng tránh đuối nước một cách cơ bản nhất.
“Toàn tỉnh có 52 hồ bơi quy mô nhỏ, trong đó có 16 hồ bơi cố định trong các trường tiểu học, trung học cơ sở; 36 hồ bơi di động đáp ứng yêu cầu phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho các em học sinh trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng có 14 trường trung học phổ thông có bể bơi. Đánh giá bước đầu cho thấy, tuy còn một vài khó khăn trong việc khai thác, sử dụng, thế nhưng các hồ bơi đã đáp ứng nhu cầu học bơi của học sinh tỉnh nhà” - đồng chí Nguyễn Phương Toàn thông tin thêm.
“Có những chi tiết dường như rất nhỏ, thế nhưng người lớn cần phải để tâm, đó là, không nên cho trẻ nhỏ một mình trong nhà tắm, không nên cho trẻ tự chơi với xô nước, thau nước, bể bơi và trẻ phải trong tầm mắt người lớn. Trong gia đình, không nên chứa nước vào lu, chậu, nếu không cần thiết; nếu chứa thì phải có nắp đậy” - Thạc sĩ Nguyễn Giang Lam, giảng viên Tâm lý học Trường Đại học Tiền Giang lưu ý./.

Đ.Phi


TAG:
Tin khác
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương
Dùng thuốc mua trên mạng, tiền mất mà tật còn nguyên
Người hâm mộ đổ ra đường, hô vang “Việt Nam vô địch!”
CSGT Diễn Châu kịp thời giúp bé 4 tuổi thoát cơn nguy kịch