An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Để công cuộc giảm nghèo thiết thực và hiệu quả
02:14 PM 15/05/2023
(LĐXH) - Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022- 2025 cũng tho thấy, cả nước còn hơn 1,9 triệu hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều, chiếm 7,52% với tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 1.972.767 hộ.
Hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu
Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất cả nước, chiếm 21,92% với 701.461 hộ; Đồng bằng sông Hồng là 2,45% với 169.566 hộ; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là 10,04% với 571.251 hộ; Tây Nguyên là 15,39% với 236.766 hộ; Đông Nam Bộ là 0,34% với 15.787 hộ. Đồng bằng sông Cửu Long là 5,73% với 277.936 hộ.
Tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước là 4,03% với 1.057.374 hộ phân theo các khu vực như sau: Trung du và miền núi phía Bắc là 14,23% với 455.271 hộ; Đồng bằng sông Hồng là 1,00% với 69.239 hộ; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là 4,99% với 284.137 hộ; Tây Nguyên là 8,39% với 129.160 hộ; Đông Nam Bộ là 0,21% với 9.710 hộ; Đồng bằng sông Cửu Long là 2,26% với 109.767 hộ.
Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc giảm nghèo
Tỷ lệ hộ cận nghèo chung cả nước là 3,49% với tổng số 915.274 hộ phân theo khu vực như sau: Trung du và miền núi phía Bắc là 7,69% với 246.190 hộ; Đồng bằng sông Hồng là 1,45% với 100.237 hộ; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là 5,05% với 287.114 hộ; Tây Nguyên là 6,99% với 107.487 hộ; Đông Nam Bộ là 0,13% với 6.077 hộ; Đồng bằng sông Cửu Long là 3,46% với 168.169 hộ.
Theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở khu vực này là 55,45%, tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo là 538.737 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo là 38,62% với tổng số 375.141 hộ. Tỷ lệ hộ cận nghèo là 16,84% với tổng số 163.596 hộ.
Chỉ riêng trong năm 2022, ngân sách nhà nước đã ưu tiên bố trí 23.000 tỷ đồng để thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung như: Hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm; về giáo dục và đào tạo; về y tế; về nhà ở; về trợ giúp pháp lý; về văn hóa, thông tin. Bên cạnh đó, các địa phương cũng chú trọng việc huy động vốn từ doanh nghiệp, cá nhân và nguồn huy động khác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Năm 2022 có trên 1.200 công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế và công trình khác được xây dựng trên địa bàn các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; trên 500 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hơn 500 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp được triển khai thực hiện; khoảng 65.000 người nghèo, người lao động trên địa bàn huyện nghèo được đào tạo kỹ năng nghề...
Tuy nhiên, thực tế công tác giảm nghèo hiện nay vẫn còn rất nhiều thách thức. Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định; thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, vệ sinh, thông tin; thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm. Việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 ở một số địa phương còn chậm. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hoá, già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Trước thực trạng trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách "cho không", phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Đặc biệt là chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021- 2025 với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Theo Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021- 2025 cho các địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các văn bản có liên quan, dự kiến ngân sách trung ương bố trí thực hiện năm 2023 cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là 11.402,066 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển là 5.400,066 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 6.002 tỷ đồng) chưa bao gồm 1.700 tỷ đồng vốn sự nghiệp thực hiện nội dung “cải thiện dinh dưỡng” và “hỗ trợ nhà ở” cho người nghèo…
Giảm nghèo là chủ trương nhất quán, xuyên suốt
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra "tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5 %/năm". Đây là quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước, cùng sự nỗ lực không ngừng và tinh thần tự chủ, khát vọng vươn lên thoát nghèo của mỗi cá nhân, cộng đồng dân cư.
Cần ít nhất 75 nghìn tỷ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025
Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định công tác giảm nghèo luôn được Đảng ưu tiên, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời nhất quán tập trung các nguồn lực cho giảm nghèo. Hơn 2 năm qua, hàng triệu hộ dân không chỉ thoát nghèo mà còn có tích lũy.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Nửa nhiệm kỳ qua, các cấp uỷ, tổ chức Đảng luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn dân, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Nhiều địa phương đã thành công trong công tác giảm nghèo.
Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm khoảng 1,2%, đạt mục tiêu được Quốc hội giao. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm hơn 3%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.
Hơn 2 năm qua, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40 theo kết luận số 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, ngân sách các địa phương đã dành trên 34 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay giảm nghèo; gần 590.000 tỷ đồng đã được cho vay cho gần 18,3 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, tạo việc làm cho gần 3,3 triệu lao động.
Các nguồn lực, vốn chính sách cho giảm nghèo được cụ thể hóa bằng với 3 chương trình mục tiêu quốc gia; Chính sách giảm nghèo đã chuyển mạnh từ xóa "cho không sang cho vay", cho "cần câu chứ không cho con cá".
Đặc biệt, năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó đã có 5 vùng khó khăn là Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Các nghị quyết định hướng giảm nghèo và tăng trưởng của từng vùng, gắn liền với liên kết vùng để phát triển kinh tế.
Theo ông Phí Mạnh Thắng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, để hoàn thành mục tiêu Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1-1,5%/năm, tỷ lệ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm… Thời gian tới, cần tập trung đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững, tạo sự thống nhất trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và toàn xã hội, nhất là cấp cơ sở; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc ta đối với người nghèo; đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua vì người nghèo, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội của người dân theo tinh thần “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”.
Thực hiện đầy đủ chính sách giảm nghèo, đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững, hỗ trợ có điều kiện; tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững; nghiên cứu, ban hành chuẩn nghèo đa chiều bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.
Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Tiến hành sơ kết giữa kỳ, đánh giá khách quan, trung thực kết quả tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, xây dựng định hướng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026-2030; trong đó tập trung vào giải quyết thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng sản xuất, thiếu việc làm và thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.
Tiếp tục ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình, đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế; thực hiện hiệu quả việc lồng ghép việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn cả nước, nhất là ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo. Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước cho các đối tượng trực tiếp tham gia thực hiện các dự án của Chương trình. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý các vi phạm. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình.
Khánh Quyên
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa