Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Đẩy nhanh quá trình xác minh hài cốt liệt sĩ
10:43 AM 30/07/2018
(LĐXH)-Cả nước hiện có hơn 500.000 hài cốt liệt sĩ chưa được xác minh thông tin. Thân nhân của họ mong mỏi quá trình này được thúc đẩy nhanh hơn nữa.

Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hai đề án liên quan việc quy tập và xác minh hài cốt, danh tính liệt sĩ, đó là: Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo (Đề án 1237), do Bộ Quốc phòng triển khai; Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) triển khai.

Đề án 150 được thực hiện chủ yếu với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai trên gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.

Các em nhỏ chăm sóc phần mộ liệt sĩ

Thông qua phương pháp thực chứng và sự phối hợp với nhiều cơ quan chức năng, thông tin đồng đội, đơn vị, thân nhân liệt sĩ và nơi quy tập hài cốt liệt sĩ, kết quả đã khớp nối thông tin được 2.044 liệt sĩ và báo tin về cho thân nhân.

Các bộ, ngành đã thống nhất coi phương pháp xác định ADN là phương pháp chủ đạo xác định danh tính liệt sĩ. Theo quy định, việc ghi tên liệt sĩ trên bia mộ chưa xác định được tên chỉ được thực hiện khi đơn vị hoặc đồng đội cùng trực tiếp chiến đấu với liệt sĩ xác định và có xác nhận của đơn vị nơi liệt sĩ trước khi hy sinh chiến đấu công nhận hoặc kết quả giám định ADN. Đồng thời, không công nhận danh tính liệt sĩ tìm kiếm bằng phương pháp ngoại cảm. Như vậy, nếu hài cốt liệt sĩ chưa được xác định danh tính bằng phương pháp khoa học sẽ không được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ.

Tuy nhiên, vẫn đang tồn tại tình trạng, thân nhân các gia đình liệt sĩ phải chờ đợi kết quả giám định ADN từ các cơ sở được Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) chấp nhận rất lâu.

Gia đình ông Hoàng Quân (ở Phú Thọ) đang tìm kiếm thông tin của liệt sĩ Hà Văn Chúc (mã hồ sơ 1790), hy sinh tại chiến trường Campuchia là một thí dụ. Sau nhiều cố gắng lấy mẫu với hy vọng tìm lại được hài cốt người thân, ông Quân cho biết gia đình đã chờ đợi rất lâu, từ trước Tết Nguyên đán 2016 cho tới hơn sáu tháng sau mới có kết quả. “Gia đình sẵn sàng trả chi phí làm giám định ADN ở các cơ sở khác để đẩy nhanh tốc độ xử lý, nhưng theo quy định, chúng tôi buộc phải gửi mẫu về Phòng Thông tin Liệt sĩ ở Cục Người có công và chờ đợi kết quả giám định. Hiện đơn vị này chỉ liên kết và chấp nhận kết quả từ năm cơ sở giám định, nên việc chờ đợi rất lâu”, ông Quân cho hay.

Đoàn thanh niên thả hoa đăng dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ

Bà Nguyễn Kim Oanh, Trưởng phòng Thông tin Liệt sĩ (Cục Người có công) cho biết, hiện nay, quy trình “chuẩn” để giám định ADN hài cốt liệt sĩ là thân nhân liệt sĩ lấy mẫu hài cốt theo hướng dẫn, gửi về phòng để Phòng gửi tới các cơ sở giám định. Mặc dù có nhiều cơ sở giám định ADN trong cả nước, song Phòng hiện chỉ chấp nhận kết quả giám định từ năm cơ sở là: Viện Pháp y Quân đội (Bộ Quốc phòng); Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); Viện Kỹ thuật Hóa học, Sinh học và Tài liệu nghiệp vụ (Bộ Công an); Viện Pháp y Quốc gia (Bộ Y tế); Công ty cổ phần Công nghệ cao Gene Việt. Sau khi tiếp nhận mẫu, việc phân chia các mẫu tới cơ sở giám định nào là do phòng quyết định.

Về việc để xảy ra tình trạng chờ đợi rất lâu mới có kết quả giám định ADN từ các cơ sở được Cục chấp nhận, bà Oanh cho biết, khó khăn nhất hiện nay là mẫu hài cốt liệt sĩ đã chôn cất nhiều năm, sự phân hủy rất lớn, nên khó khăn trong việc phân tích ADN. Mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ, đặc biệt là đối tượng lấy mẫu theo dòng mẹ khi người mẹ đã già yếu, cá biệt có một số trường hợp không còn thân nhân để lấy mẫu đối chiếu.

Năng lực của các đơn vị giám định còn hạn chế, do việc đầu tư, nâng cấp chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, việc quản lý, lưu trữ hồ sơ, thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ không đầy đủ.Chúng ta cũng chưa ban hành được quy trình xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Trong khi đó, công suất phân tích ADN của các đơn vị giám định vẫn thấp.

Để tăng tốc độ xử lý giám định ADN các mẫu hài cốt liệt sĩ, đại diện Cục Người có công cho rằng, cần thiết phải tăng số lượng cơ sở giám định, cũng như tăng hiệu quả, công suất giám định của mỗi cơ sở đang được giao nhiệm vụ. Ở các địa phương cần nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xác định hài cốt liệt sĩ để thúc đẩy khâu xác định thông tin tại khu vực mình. Lãnh đạo địa phương phải tổ chức thực hiện một cách quyết tâm, đưa ra các giải pháp tích cực hơn nữa. Cùng với đó, sự phối hợp của các ngành, các địa phương cần đồng bộ, chặt chẽ./.

Thế Phong

TAG:
Tin khác
Kình ngư Ánh Viên đối thoại tại Diễn đàn “Trẻ em gái làm chủ tương lai”
Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả ở huyện Đồng Văn
Huyện Xín Mần: Nỗ lực cải thiện nhà ở cho hộ nghèo
TPHCM: Hơn 120 đại biểu dự tập huấn công tác tiếp nhận và nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội
Xúc động nghĩa cử của Công ty Hoa quả Phương Toản với gia đình thương binh ở Thanh Hóa
Đề xuất xây dựng kế hoạch truyền thông về giảm nghèo đa chiều năm 2025
77,5% trẻ em từng chứng kiến bạo lực học đường
Hòa Bình: Nhiều hộ thoát nghèo bền vững nhờ các mô hình hỗ trợ sinh kế thiết thực
Chương trình “Kết nối những vòng tay” với chủ đề “Tết cho trẻ em nghèo” trao tặng hơn 400 triệu đồng cho đồng bào và trẻ em bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại Yên Bái