Hiệu quả công tác dạy nghề cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Quảng Ninh
(LĐXH)- Cùng với các nội dung về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, hoạt động trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được học nghề ở Quảng Ninh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Toàn tỉnh hhiện có 2.712 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có 918 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi, 1.610 trẻ em khuyết tật, tàn tật, 162 trẻ em nhiễm HIV/AIDS, 7 trẻ em bị xâm hại tình dục, 9 trẻ em vi phạm pháp luật. Toàn tỉnh cũng còn 32.981 trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, gồm: 2.511 trẻ em có cha mẹ ly hôn và HIV, 17.352 trẻ em con hộ nghèo, 12.859 trẻ em con hộ cận nghèo, 76 trẻ bị tai nạn thương tích...
Tham gia mô hình này, trẻ em được học nghề trong thời gian 3 tháng, mỗi trẻ được học một nghề phù hợp khả năng của mình và sau khi học có thể được nhận vào chính tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh để làm việc. Các cơ sở dạy nghề tham gia mô hình được hỗ trợ 3 triệu đồng khi dạy nghề cho một trẻ. Để thực hiện mô hình, Trung tâm đã phối hợp lựa chọn trẻ và tổ chức dạy nghề cho các em. Riêng trong năm 2016, Trung tâm khảo sát thu thập thông tin nhu cầu học nghề qua hình thức bảng hỏi và phiếu phỏng vấn sau đối với trên 300 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có độ tuổi từ 13 đến dưới 16 tuổi tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả Uông Bí và thị xã Quảng Yên, huyện Vân Đồn. Đồng thời, khảo sát 40 cơ sở dạy nghề, 85 cơ sở sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp có đào tạo nghề nhằm đánh giá năng lực dạy nghề và nhu cầu tuyển dụng lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương; đánh giá nhu cầu lao động để so sánh với nguyện vọng, mong muốn của trẻ em để tư vấn, kết nối nhằm đảm bảo các em sau khi học tập, ra nghề tìm việc làm đạt mức khả quan nhất đối với nghề đã học. Căn cứ kết quả đã phân tích về nhu cầu, nguyện vọng của trẻ và nhu cầu, năng lực đáp ứng của cơ sở dạy nghề, nhân viên công tác xã hội lập hồ sơ quản lý với trên 30 trường hợp để tham vấn, tư vấn hơn 90 lượt đối với trẻ và gia đình về việc chọn nghề sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng trẻ, phù hợp với cơ sở dạy nghề gần nhất và nhu cầu tìm được việc làm sau khi học nghề tối ưu nhất.
Để triển khai tốt mô hình này, nhân viên công tác xã hội thực hiện hoạt động thuyết phục, vận động đối với các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp có đào tạo nghề để họ nhận và dạy nghề đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để vận động, kết nối cho trẻ học nghề, nhân viên công tác xã hội của Trung tâm ngoài những lần thực hiện tham vấn, tư vấn chính thức, nhiều khi còn phải thực hiện rất nhiều lần vãng gia đến gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và cơ sở dạy nghề để tư vấn, vận động; đôi lúc còn phải dùng uy tín của bản thân, bạn bè, người thân để đảm bảo với cơ sở cho trẻ được học nghề. Trong năm qua, đơn vị đã kết nối 30 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến các cơ sở dạy nghề theo hình thức “cầm tay, chỉ việc” như: chụp ảnh, photo shop, trang điểm cô dâu; sửa chữa điện dân dụng; sửa chữa điện lạnh; may mặc, vẽ móng, làm đẹp; chăn nuôi, trồng trọt; nấu ăn… Sau thời gian học tập, hiện đã có 10 em đã học xong nghề, tự làm riêng hoặc đi làm tại các cơ sở khác với mức lương từ 3 - 5 triệu đồng/tháng và còn gần 20 em, do tính chất của nghề đang học cần đầu tư nhiều thời gian, công sức nên các em vẫn đang theo học tại cơ sở dạy nghề.
Trong quá trình học nghề và tạo việc làm, Trung tâm cũng thường xuyên phối hợp với địa phương và cơ sở dạy nghề nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tư vấn, động viên kịp thời với các em. Song trên thực tế, trong số các cơ sở dạy nghề theo hình thức “cầm tay, chỉ việc” thì chỉ có một vài cơ sở dạy các nghề như: đan lưới, đóng tàu vỏ gỗ, đánh cá... không có nhu cầu thu học phí và cũng cam kết với người học là sau khóa học cơ sở dạy nghề sẵn sàng bố trí công việc có mức lương từ 4 đến 6 triệu đồng nhưng đó cũng là nghề trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ít hoặc không có nguyện vọng, nhu cầu đăng ký theo học. Đối với các nghề như: chụp ảnh, photo shop; trang điểm cô dâu; cắt tóc; nấu ăn... cơ sở dạy nghề thường thu kinh phí đào tạo đối với người học với mức thu khoảng từ 10 đến 15 triệu đồng/người/khóa học. Các nghề: sửa chữa điện dân dụng; sửa chữa điện lạnh; sửa chữa xe máy, trang trí xe máy... cơ sở thường thu với mức từ 5 đến 10 triệu/khóa học. Để dạy thành nghề cho một trẻ thời gian có thể nhiều hơn 3 tháng, tùy thuộc vào khả năng của trẻ và đặc điểm của nghề.
Trong khi đó, theo quy định các cơ sở trong mô hình chỉ được hỗ trợ 3 triệu đồng; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn phần lớn ở trong các gia đình thuộc diện hộ nghèo, không có thu nhập ổn định và không có điều kiện chi trả khoản kinh phí học nghề đó. Tuy nhiên, với sự vận động, thuyết phục của nhân viên công tác xã hội các cơ sở dạy nghề đã đồng ý truyền nghề cho các em; nhiều cơ sở còn hỗ trợ để người học mua xe đạp đi học hoặc mua quần áo, đồ dùng sinh hoạt. Cũng trong hoạt động vận động, kết nối đối với các cơ sở dạy nghề, hiện Trung tâm đã xây dựng được một “quỹ” trên 60 cơ sở trong tỉnh sẵn sàng nhận dạy nghề đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng và đối tượng yếu thế nói chung.
Minh Thắng
TAG: