An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Đẩy mạnh tín dụng chính sách trong thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
12:16 PM 21/05/2022
Ngày 20/5/2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), UBND tỉnh Quảng Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức Hội thảo “Thực trạng, hiệu quả tín dụng CSXH trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2021 và kế hoạch, giải pháp triển khai giai đoạn 2022 - 2025 tại khu vực miền núi các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên”. Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh; Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đồng chủ trì Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh phát biểu kết luận tại Hội thảo
Trong những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ để phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả của tín dụng CSXH. Sau hơn 7 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tín dụng chính sách đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, đặc biệt, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH ngày càng tăng. Đến nay, nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH tăng 23.978 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của các địa phương đến cuối tháng 5.2022 đạt 27.785 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 10% trong tổng nguồn vốn tín dụng của NHCSXH. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, ngân sách địa phương đã ủy thác sang NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay với tổng số tiền là 3.083 tỷ đồng.
Tín dụng CSXH giai đoạn 2016 - 2021 đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn tập trung ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS, đã trở thành một chủ công hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt hiệu quả cao về kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2021 của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu tại Hội thảo
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, NHCSXH đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai kịp thời cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương cho người lao động khi ngừng việc và sau khi phục hồi sản xuất. Từ khi triển khai thực hiện đến kết thúc đợt giải ngân (ngày 31/3/2022), 63 chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố đã thực hiện giải ngân cho 1.548 người sử dụng lao động với số tiền 4.787 tỷ đồng để trả lương cho 1.218.948 lượt người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn cả nước.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết: Tín dụng CSXH được đánh giá là “điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt tại miền núi, tín dụng CSXH đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, nhất là hộ đồng bào DTTS. Từ mặc cảm, tự ti, sợ vay, không dám vay, nay đã mạnh dạn vay vốn và làm ăn có hiệu quả; đồng thời đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống, giảm bệnh tật, thất học và các tệ nạn xã hội, tiếp cận cách thức sản xuất hàng hóa, phát huy sự chủ động, sáng tạo để vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam, các CSXH, trong đó có chính sách giảm nghèo luôn được chính quyền tỉnh Quảng Trị quan tâm. Qua quá trình triển khai, tín dụng CSXH đã góp phần hỗ trợ phát triển, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Quảng Trị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn chia sẻ: Giảm nghèo bền vững ở vùng DTTS là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng các dân tộc. Vì vậy, Chính phủ phải ưu tiên tập trung nguồn vốn cho các địa phương nơi có nhiều đồng bào DTTS, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập, mức sống của đồng bào giữa các vùng miền trong cả nước. Các sở, ngành ở địa phương cần tiếp tục, quan tâm đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất...
Tại Hội thảo, lãnh đạo các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã đóng góp nhiều ý kiến phát biểu đánh giá kết quả thực hiện, rút ra tồn tại, bài học kinh nghiệm trong công tác triển khai thực hiện tín dụng CSXH tại khu vực miền núi giai đoạn 2016 - 2021 ở mỗi địa phương liên quan; xác định được vai trò ý nghĩa, tầm quan trọng của tín dụng CSXH, nhất là việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
Lắng nghe ý kiến các đại biểu, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cũng nêu ra những vấn đề cần quan tâm giải quyết tốt trong thời gian tới, như đa dạng hóa phương thức huy động nguồn lực để NHCSXH đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững./.

Thu Hương
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương