An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Đẩy mạnh thực hiện chính sách trợ giúp xã hội
04:24 PM 22/08/2022
(LĐXH)- Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách trợ giúp xã hội đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân, nhất là những đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn.
Thăm hỏi, tặng quà người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai
Thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ, theo báo cáo của các địa phương, hiện nay, cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng cho 3.226.505 đối tượng, trong đó 1.870.224 người cao tuổi, 1.102.368 người khuyết tật, 49.378 trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, 204.535 đối tượng khác, và 283.064 đối tượng nhận kinh phí hỗ trợ chăm sóc đối tượng hằng tháng. Kinh phí thực hiện trợ cấp xã hội trong 6 tháng đầu năm khoảng 11.000 tỷ đồng
Thực hiện Quyết định số 488/QĐ-TTg ngày 14/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ vào điều kiện cụ thể, tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, đến nay đã có các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện mở rộng đối tượng hưởng chính sách và nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hàng tháng cao hơn mức chuẩn quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP như: Hà Giang (380.000đ), Quảng Ninh (350.000đ), Hà Nội (440.000đ), Đà Nẵng (400.000đ), Bình Dương (400.000đ), Đồng Nai (300.000đ), Hồ Chí Minh (480.000đ), Hải Dương (380.000đ), Bắc Ninh (440.000đ), Vĩnh Phúc (1/3 mức lương cơ sở theo từng thời kỳ), Hải phòng (500.000đ) các tỉnh điều chỉnh mức trợ cấp xã hội đồng thời một số tỉnh mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội, góp phần bảo đảm đời sống cho đối tượng thụ hưởng chính sách.
Trong công tác trợ giúp đột xuất, hỗ trợ sau thiên tai, dịch bệnh, kinh phí thực hiện cả năm 2022 là 1.500 triệu đồng, trong đó: Thăm hỏi đối tượng: 1.100 triệu đồng. Tổ chức cứu trợ và kiểm tra công tác trợ giúp đột xuất tại các địa phương nghiên cứu, đánh giá đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện công tác bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài và các hoạt động.
Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Lao động - TBXH đã triển khai 09 đoàn công tác đi cứu trợ, kiểm tra trợ giúp đột xuất và công tác phòng, chống thiên tai năm 2022 theo sự phân công của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tại 11 tỉnh, thành phố; thăm hỏi, tặng quà cho khoảng 550 đối tượng bảo trợ xã hội và hộ gia đình gặp khó khăn đột xuất do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; tổng kinh phí thực hiện khoảng 800 triệu đồng. Trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tổng số 21.574,665 tấn gạo cứu đói cho 423.168 hộ với 1.438.311 nhân khẩu, trong đó: Hỗ trợ gạo cứu đói trong dịp tết Nguyên đán: 13.959,585 tấn gạo cho 291.723 hộ với 930.639 nhân khẩu; Hỗ trợ gạo cứu đói dịp giáp hạt: 7.615,08 tấn gạo cho 131.445 hộ với 507.672 nhân khẩu.
Thực hiện Luật Người cao tuổi, Bộ đã chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện chế độ chính sách kịp thời đối với người cao tuổi; hướng dẫn; triển khai Luật Người cao tuổi bằng nhiều hình thức phong phú, tác động tích cực đến nhận thức của cộng đồng về chăm sóc, phụng dưỡng cũng như phát huy tốt vai trò người cao tuổi. Cả nước có hơn 733 nghìn người cao tuổi tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể, thanh tra nhân dân, hoà giải ở cơ sở, 1,1 triệu người cao tuổi tham gia phòng chống tội phạm, trật tự an ninh ở địa bàn, khu dân cư; hơn 95 nghìn người cao tuổi làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; hơn 300 nghìn người cao tuổi làm kinh tế giỏi.
Tặng quà trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt
Thực hiện chính sách an sinh xã hội, đã có gần 3,3 triệu người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng (trong đó có hơn 2,5 triệu người cao tuổi), 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, hơn 1,87 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, khoảng 10 nghìn người cao tuổi đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội. 95% người cao tuổi được cấp thẻ BHYT, 32% người cao tuổi được lập hồ sơ quản lý theo dõi sức khỏe ban đầu.
Thực hiện Quyết định 1190/QĐ-TTg ngày 5/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật, đã phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng kế hoạch tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với người khuyết tật và các chính sách, chương trình trợ giúp người khuyết tật. Đôn đốc các Bộ, ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực thực hiện Quyết định 1190/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030.
Thực hiện Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22/01/2021 ban hành chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 – 2030, Cục Bảo trợ xã hội phối hợp với các cơ quan, Bộ, ngành và đơn vị liên quan ban hành Công văn gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố hướng dẫn thực hiện chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; chương trình phát triển công tác xã hội năm 2022; Ban hành Công văn số 440/BTXH-CTXH ngày 25/7/2022 về việc báo cáo kết quả thực hiện Chương trình công tác xã hội, Chương trình trợ giúp xã hội và PHCN cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng năm 2022. Phối hợp với một số trường đại học đào tạo công tác xã hội và một số chuyên gia, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội một số tỉnh, thành phố tổ chức tập huấn quản lý trường hợp và kỹ năng, nghiệp vụ về công tác xã hội cho đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội tại một số tỉnh, thành phố. Phối hợp với một số trường đại học tổ chức tập huấn nghiệp vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần tại tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng và An Giang cho cán bộ, nhân viên tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Phối hợp với Viện dân số sức khỏe và một số trường đại học nghiên cứu, xây dựng tài liệu bộ công cụ sàng lọc, phát hiện sớm cho người rối nhiễu tâm trí; cho cán bộ, nhân viên tại các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế; cộng tác viên công tác xã hội, y tế; phòng lao động TBXH cấp huyện, Trung tâm y tế.... cộng tác viên công tác xã hội xã, phường, thị trấn.
Công tác quản lý hoạt động cơ sở trợ giúp xã hội được chú trọng. Thực hiện Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ, cả nước đã thành lập được 425 cơ sở trợ giúp xã hội (195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập). Trong đó, có 46 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 73 cơ sở chăm sóc người khuyết tật, 149 cơ sở chăm sóc trẻ em, 102 cơ sở tổng hợp, 32 cơ sở chăm sóc người tâm thần và 23 trung tâm công tác xã hội. Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã cung cấp dịch vụ cho người lớn và trẻ em khuyết tật và tâm thần chiếm tỷ lệ lớn 46,5%, số đối tượng là trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi chiếm một tỷ lệ tương đối 19,3%, người già cô đơn chiếm tỷ lệ 10,3%, trẻ em và người lớn nhiễm HIV/AIDS chiếm tỷ lệ 1,4%. Cho đến nay, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ trợ giúp xã hội 30% đối tượng cần trợ giúp xã hội với các dịch vụ như tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội; tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất, dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội. Các tỉnh, thành phố từng bước chuyển đổi hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội sang hoạt động theo mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với người già, người tâm thần, bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Công tác trợ giúp đột xuất tại các cấp tuy được thực hiện khẩn trương, kịp thời nhưng chưa được đồng bộ. Trong công tác hỗ trợ gạo cứu đói, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội luôn chủ động, kịp thời tổng hợp nhu cầu của các địa phương trình Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên các thủ tục, quy trình cấp xuất gạo từ Trung ương mất nhiều thời gian, thông qua nhiều Bộ, ngành liên quan do đó địa phương không thể chủ động, linh hoạt khi triển khai và mất đi tính kịp thời. Nguồn lực bố trí cho các chương trình, chính sách trợ giúp xã hội còn thấp. Nhiều địa phương chưa bố trí kinh phí thực hiện một số quy định của Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật như khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở đối với người cao tuổi; khó khăn trong việc thực hiện chính sách giảm giá vé thăm quan, di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tại các cơ sở do tư nhân đầu tư quản lý. Cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp còn thiếu thốn, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nhất là trang thiết bị y tế phục hồi chức năng cho người khuyết tật, thiếu các dịch vụ trị liệu tâm lý. Số lượng người cao tuổi, người khuyết tật được chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít. Công tác xã hội hóa trong trợ giúp xã hội còn bất cập, nhất là cơ chế khuyến khích về miễn giảm thuế, thuê đất, cấp đất, khung giá dịch vụ để khu vực tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội.
Mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là bảo đảm 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói; hướng dẫn các địa phương chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai. Bảo đảm 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Bảo đảm 87% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc; 87% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng./.

Đỗ Thị Phượng
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24