Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề
LĐXH - Nhằm tranh thủ thời cơ dân số vàng và đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao góp phần nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề. Tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, tạo sự chuyển biến mạnh về quy mô, chất lượng và hiệu quả hướng tới mục tiêu người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, khởi nghiệp, ngoại ngữ... để thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động. Làm tốt công tác dự báo, đồng thời xây dựng và cập nhật dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo, nhất là những ngành nghề, kỹ năng mới và cập nhật dữ liệu theo định kỳ.
Tổ chức rà soát, sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp và nhanh chóng ổn định tổ chức, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; thúc đẩy và ưu tiên phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp có năng lực tự chủ.
Chú trọng gắn kết chặt chẽ 3 “Nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề; tuyển dụng, sử dụng người lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp như: liên kết đào tạo; nghiên cứu khoa học; trao đổi học thuật... Tạo môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài mở cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao.
Đưa các nội dung phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề vào các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển của ngành, địa phương; ưu tiên phân bổ ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp; chủ động thu hút và ưu tiên sử dụng các nguồn vốn để đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là các trường chất lượng cao theo quy hoạch và các ngành, nghề trọng điểm đã được phê duyệt.
Trong Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và đề xuất ban hành hệ thống quản lý, đánh giá kỹ năng nghề; xây dựng đề án chuyển đổi số và dạy học trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp, đề án phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lao động.
Tăng cường năng lực hệ thống đánh giá, công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; thúc đẩy phong trào thi kỹ năng nghề ở các cấp; nghiên cứu, thí điểm thành lập hội đồng kỹ năng ngành hoặc nghề. Đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; tiếp tục triển khai các chương trình chuyển giao từ nước ngoài có hiệu quả để nhân rộng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp...
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho một số Bộ, ngành và địa phương trong triển khai thực hiện Chỉ thị này./.
Nguyễn Trường An
TAG: