Đẩy mạnh phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội
(LĐXH) - Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH đã được hình thành nhiều nhất ở ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, tiếp đến là ở các ngành Y tế, Giáo dục, các hội, đoàn thể chính trị - xã hội... Đến nay, có rất nhiều mô hình Trung tâm Công tác xã hội đã vận hành hiệu quả, cung cấp dịch vụ trợ giúp cần thiết cho đối tượng.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên CTXH luôn được quan tâm
Thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/03/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, để phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ đã hướng dẫn các địa phương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các mô hình Trung tâm công tác xã hội; Phối hợp với Bộ Tài chính hỗ trợ cho khoảng 40 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình trung tâm công tác xã hội, đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội cho 30% đối tượng. Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH đã được hình thành nhiều nhất ở ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, tiếp theo là ở các ngành Y tế, Giáo dục, các hội, đoàn thể chính trị - xã hội... Các tỉnh, thành phố từng bước tiếp tục phát triển các cơ sở có cung cấp dịch vụ CTXH đối với người già, người tâm thần, bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trên cơ sở bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ và kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở.
Đến nay, có nhiều mô hình Trung tâm Công tác xã hội đã vận hành hiệu quả, như: Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bến Tre, Long An, Thanh Hóa, Hồ Chí Minh… Các Trung tâm này cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho hàng ngàn lượt đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp; người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí, người nhiễm HIV/AIDS, người nghèo, trẻ em, nạn nhân của phân biệt đối xử về giới; người nghiện ma túy, người bán dâm; người sau cai nghiện; cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em cần sự bảo vệ khẩn cấp và các đối tượng khác.
Phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội trong các bệnh viện để hỗ trợ bệnh nhân và gia đình người bệnh.
Các tỉnh, thành phố từng bước chuyển đổi hệ thống các cơ sở bảo trợ xã hội sang hoạt động theo mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với người già, người tâm thần, bảo vệ trẻ em, trợ giúp người khuyết tật phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Cả nước hiện có 45 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trong đó có 27 cơ sở chăm sóc chuyên biệt, 19 cơ sở tổng hợp. Một số tỉnh, thành phố đã xây dựng mô hình tốt về lao động trị liệu và PHCN luân phiên cho người tâm thần nặng như Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La, Thừa Thiên Huế, Hải Dương, Thái Nguyên; Trung tâm điều dưỡng và PHCN người tâm thần Việt Trì. Các trung tâm bước đầu thực hiện mô hình kết hợp tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ công tác xã hội với điều trị y tế để phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí. Các cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và PHCN cho người tâm thần cung cấp các dịch vụ: Tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng tại 45 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần; công suất tiếp nhận, chăm sóc và phục hồi chức năng cho 13.000 đối tượng tại cơ sở.
Song song với đó, mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội được chú trọng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng và ban hành Thông tư số 07/2013/ TT-BLĐTBXH hướng dẫn tiêu chuẩn cộng tác viên công tác xã hội cấp xã/phường, quy định nhiệm vụ chung, cụ thể và các yêu cầu về trình độ, năng lực của cộng tác viên công tác xã hội. Đến nay, đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội hiện có khoảng 235.000 người, trong đó có 35.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập và ngoài công lập, gần 100.000 người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp; trên 100.000 cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng…, tạo thành một mạng lưới cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trợ giúp các đối tượng yếu thế ở các cơ sở và cộng đồng, góp phần trợ giúp cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.
Trong công tác đào tạo nghề công tác xã hội chuyên nghiệp, đội ngũ giảng viên, cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội phát triển cả về số lượng và chất lượng. Sau 10 năm triển khai Đề án 32, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã cùng một số trường đại học, cao đẳng trên cả nước nỗ lực phát triển đào tạo ngành công tác xã hội, từ chỗ năm 2004 cả nước mới chỉ có 1-2 trường đào tạo loại hình nhân viên này, đến nay đã có 55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành công tác xã hội; 4 trường đào tạo thạc sỹ, 2 trường đào tạo tiến sỹ công tác xã hội, đánh dấu một bước phát triển công tác xã hội, mở đường cho việc chuyên nghiệp hóa các cán bộ làm việc trong lĩnh vực công tác xã hội ở nước ta; Phối hợp với Học viện Xã hội Châu Á, UNICEF, FHI và các trường Đại học trong nước nghiên cứu, biên soạn bộ tài liệu đào tạo cán bộ, nhân viên công tác xã hội làm việc trực tiếp với đối tượng, gồm 23 Module; xây dựng 5 cuốn giáo trình công tác xã hội trong lĩnh vực trợ giúp người nghiện; biên soạn chương trình, giáo trình đào tạo trung cấp, cao đẳng nghề công tác xã hội.
Cùng với đó, đào tạo hàng trăm cán bộ, quản lý công tác xã hội cấp cao tại 2 miền Nam-Bắc; đào tạo thạc sỹ công tác xã hội cho đội ngũ cán bộ quản lý công tác xã hội cho 203 cán bộ quản lý đã hoàn thành khóa học thạc sỹ CTXH năm 2016-2017; đào tạo trên 600 giảng viên dạy nghề công tác xã hội cho các trường cao đẳng, trung cấp nghề trong cả nước; đào tạo 3 khóa công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ cho gần 600 cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội; đào tạo quản trị đổi mới cơ sở trợ giúp xã hội; đào tạo công tác xã hội trong lĩnh vực nông thôn, miền núi; đào tạo giảng viên nguồn công tác xã hội cho các trường đại học của Việt Nam; hàng năm hỗ trợ các tỉnh/thành phố bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 10.000 cán bộ, nhân viên công tác xã hội; hỗ trợ các tỉnh, thành phố đào tạo lại cho công chức, viên chức công tác xã hội hệ vừa làm, vừa học với khoảng 3.000 chỉ tiêu/năm./.
Hồng Phượng
TAG: