An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Đẩy mạnh công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật
09:58 AM 25/04/2022
(LĐXH) - Chăm sóc sức khỏe đối với người khuyết tật (NKT) có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ đối tượng vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Thống kê hiện nay, cả nước có khoảng 6,2 triệu NKT, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ; 28,3% là trẻ em; gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2021, đã có gần 3 triệu NKT được cấp giấy chứng nhận khuyết tật. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đối với công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có NKT. Việt Nam đã tham gia tích cực và hiệu quả vào Công ước Liên hợp quốc về quyền của NKT, ban hành nhiều chính sách trợ giúp NKT đem lại hiệu quả thiết thực, giúp NKT tự tin vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Chăm sóc sức khỏe cho trẻ khuyết tật
Đặc biệt, trong công tác y tế, chăm sóc sức khỏe, năm 2021, Bộ Y tế tập trung nghiên cứu xây dựng Dự án sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định về Phục hồi chức năng (PHCN) và Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng (PHCNDVCĐ); Sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có mục tiêu tăng phạm vi và độ bao phủ chi trả Bảo hiểm y tế (BHYT) cho NKT năm 2021 đã cấp thẻ BHYT cho trên 1,1 triệu NKT; Ban hành nhiều văn bản hướng dẫn địa phương, cơ sở y tế cơ sở bảo trợ xã hội về phòng chống Covid đối với NKT; ban hành 03 tài liệu: hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 cho NKT; hướng dẫn PHCN cho bệnh nhân Covid-19; đặc biệt đối với NKT về nghe, hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà, trong đó có hướng dẫn riêng đối với NKT, người tâm thần và ứng phó với sang chấn tâm lý; ban hành video hướng dẫn phòng chống dịch có thuyết minh bằng ngôn ngữ ký hiệu; video phục hồi chức năng Covid-19 đối với thể nhẹ, không triệu chứng và sau xuất viện các video đều có ngôn ngữ ký hiệu tiếp cận với NKT.
Công tác PHCN đã được đưa vào Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương về “Phát triển hệ thống khám, chữa bệnh, PHCN hoàn chỉnh ở từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bên cạnh hệ thống bệnh viện thuộc lực lượng vũ trang; tăng cường phối hợp quân - dân y”. Đến nay, Chương trình PHCNDVCĐ đã được triển khai tại 51 tỉnh/ thành phố, tại 5.220 xã/phường, các hoạt động chính bao gồm sàng lọc đánh giá nhu cầu, cung cấp các dịch vụ PHCN tại nhà và tại cơ sở khám chữa bệnh và lập hồ sơ bệnh án cho NKT; 100% bệnh viện trung ương đa khoa đều có khoa PHCN; 90% bệnh viện đa khoa và 40% bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh có khoa PHCN; 70% bệnh viện tuyến huyện có Khoa PHCN riêng biệt hoặc ghép với khoa khác; 95% trạm y tế có phân công cán bộ phụ trách theo dõi công tác PHCN, khoảng 50% trong số đó được đào tạo về PHCN và PHCNDVCĐ.
Thực hiện Dự án chăm sóc sức khỏe PHCN đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2018-2021 đang triển khai ở tại 11 tỉnh/thành phố với 7 đơn vị trực thuộc Bộ Y tế tham gia. Kinh phí năm 2021 là 12 tỷ đồng; đến nay các hoạt động cơ bản hoàn thành đạt hơn 95% theo kế hoạch và chỉ tiêu năm 2021 đề ra.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã tổ chức xông hơi, giải độc, phục hồi chức năng cho 606 NKT là nạn nhân chất độc da cam; Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã hỗ trợ 6.200 người phẫu thuật thay thủy tinh thể, 634 NKT phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng, 230 người phẫu thuật tim, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 58.500 NKT, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 103.000 lượt người; Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam đã khám  và cấp phát thuốc miễn phí cho 3.394 trẻ khuyết tật, điều trị bằng nội khoa châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu cho 2.057 trẻ khuyết tật, phẫu thuật chỉnh hình cho 04 trẻ, phục hồi chức năng cho 330 trẻ.
Nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho NKT, trong thời gian tới, Bộ Y tế đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến NKT tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản quy phạm pháp luật khác về chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng NKT; xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2021 – 2030, định hướng 2050; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo các đơn vị liên quan và địa phương triển khai công tác phòng ngừa khuyết tật bẩm sinh và sơ sinh, Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng và Chương trình phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật, trong đó ưu tiên thực hiện phát hiện sớm, can thiệp sớm và điều trị đối với trẻ tự kỷ tại cộng đồng; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển hệ thống các cơ sở phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe đối với NKT giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt./.
Hồng Phượng
 
TAG:
Tin khác
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công
Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa