Đẩy mạnh công tác truyền thông về việc làm, quản lý lao động trên báo điện tử trong thời đại công nghệ số 4.0
(LĐXH) Thực tiễn đã khẳng định vai trò rất quan trọng của công tác tuyên truyền nói chung và báo chí cách mạng Việt Nam nói riêng - vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng trong sự nghiệp đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần động viên toàn dân nhất trí cao, tự giác, chủ động thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Có thể thấy, với vai trò đặc biệt của mình, đội ngũ báo chí, trong đó có báo điện tử đã có đóng góp lớn vào công tác giải quyết việc làm và quản lý lao động trong nhiều năm qua.
Có thể khẳng định, trong tình hình hiện nay, sự phát triển của báo điện tử và các trang mạng xã hội đã có tính tương tác với công chúng. Thông tin đa dạng, nhiều chiều với bạn đọc, kịp thời, chính xác… Các báo điện tử cũng đã góp phần đẩy mạnh thông tin về giới thiệu việc làm, quản lý người lao động, bảo hiểm thất nghiệp… từ đó giúp thông tin hữu ích cho người lao động cũng như các nhà quản lý ở các cấp kịp thời điều chỉnh các chế độ, chính sách để tạo công ăn việc làm cho người lao động tốt hơn cũng như việc quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp được kịp thời, chính xác.
Tuy nhiên, các nhóm người lao động rất đa dạng, phong phú với mọi lứa tuổi, hoàn cảnh, giới tính,…. nên nội dung về việc làm, quản lý lao động trên báo điện tử cũng đôi khi chưa đáp ứng được với nhu cầu của từng đối tượng bạn đọc.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước đến thời điểm 1/4/2018 ước tính là 55,1 triệu người, tăng 586,8 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2017. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị là 17,7 triệu người, chiếm 32,2%; khu vực nông thôn là 37,4 triệu người, chiếm 67,8%. Đến thời điểm trên, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ước tính là 48,4 triệu người, tăng 497,3 nghìn người so với cùng thời điểm năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý I/2018 ước tính là 2,2%, trong đó khu vực thành thị là 3,13%; khu vực nông thôn là 1,73%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) quý I/2018 ước tính là 7,25%, trong đó khu vực thành thị là 11,47%; khu vực nông thôn là 5,63%.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I năm nay ước tính là 1,48%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 0,55%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 1,94% (tỷ lệ thiếu việc làm của quý I/2017 tương ứng là 1,82%; 0,83%; 2,31%). Tuy nhiên, từ số liệu trên cũng cho thấy, tỷ lệ lao động ở khu vực nông thôn cao hơn gấp đôi so với khu vực thành thị; nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị (3,13%) lại cao gần gấp đôi so với khu vực nông thôn (1,73%). Điều này cho thấy, phương thức tuyên truyền về việc làm, quản lý lao động trên báo chí, nhất là báo điện tử cần có phương thức phù hợp cho từng đối tượng cụ thể. Có thể thấy, trình độ học vấn của lao động trong khu vực thành thị cũng cao hơn trình độ lao động ở khu vực nông thôn. Do vậy, trong hoạt động tuyên truyền, báo điện tử cần tập trung tuyên truyền sao cho người lao động lựa chọn được công việc phù hợp với ngành nghề đào tạo, có khả năng nâng cao năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, có động cơ trong sáng và có trách nhiệm cao và có tác phong công nghiệp.
Ngoài ra, có một nghịch lý nữa là những năm gần đây, những người được đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp lại có có xu hướng gia tăng. Theo Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), quý III/2017, cả nước có 1.074,8 nghìn lao động trong độ tuổi thất nghiệp, giảm 6,8 nghìn người so với quý II/2017 và 42,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2016, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi giảm còn 2,21%. Nhưng, số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 237 nghìn người, tăng 53,9 nghìn người so với quý II/2017, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này là 4,51%. Ở nhóm trình độ cao đẳng có 84,8 nghìn người thất nghiệp, tăng 1,9 nghìn người so với quý II/2017, tỷ lệ thất nghiệp nhóm này giảm nhẹ xuống còn 4,88% nhưng vẫn ở mức cao nhất. Đối với nhóm trình độ trung cấp có 95,5 nghìn người thất nghiệp, tăng 3,1 nghìn người, tỷ lệ thất nghiệp là 3,77%. Điều này cho thấy, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ đặt ra nhiều thách thức cho việc phát triển nguồn nhân lực, khi áp dụng các công nghệ tự động thì những ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, điện tử… có nguy cơ giảm việc làm rất lớn.
Nguyên nhân là vì các doanh nghiệp nhỏ và vừa tuy có nhu cầu cao về tuyển dụng lao động nhưng họ chưa chú ý liên hệ chặt chẽ với các cơ sở đào tạo nghề của địa phương và khu vực nên dẫn đến chưa thu hút và chưa tạo được nguồn lực lao động cho chính mình. Các doanh nghiệp cũng chưa thực sự bám sát trên các mạng báo điện tử để kịp thời cập nhật thông tin hoặc đăng các thông tin tuyển dụng lao động. Các cơ quan báo chí điện tử cũng chưa liên kết nhiều với các doanh nghiệp để kịp thời thông tin tuyên truyền đẩy mạnh quảng bá trong lĩnh vực tạo việc làm cho người lao động dẫn đến việc quản lý lao động và việc làm chưa được tuyên truyền sâu rộng trên các cơ quan báo chí điện tử.
Bên cạnh đó, thông tin trên báo điện tử cũng khó tới được với người dân các tỉnh vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Đó là bởi những nơi này chưa có mạng, báo điện tử, thông tin chưa kịp thời, họ còn thiếu thốn về cơ sở vật chất khá lớn; các cơ quan hữu quan và chính quyền địa phương có quan tâm nhưng “lực bất tòng tâm” dẫn đến các lực lượng lao động này vẫn chưa có nhiều việc làm khiến cho công tác quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp cho các đối tượng này khó được thực thi.
Để kịp thời khắc phục tình trạng trên, các cơ quan báo điện tử, các cơ quan thuộc bộ, ngành, các cơ sở đào tạo nghề, các hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương cần chú ý thực hiện một số nội dung giải pháp, cùng phối hợp đẩy mạnh nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, quản lý lao động. Đầu tiên, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo điện tử và các cơ quan liên quan thuộc bộ, ban, ngành cần có cơ chế phối hợp hoặc ký kết liên tịch về nội dung đẩy mạnh nâng cao chất lượng hiệu quả công tác truyền thông trên lĩnh vực việc làm nhằm giúp người lao động nắm bắt cơ hội, nhanh chóng tìm việc làm, ổn định cuộc sống. Tăng cường các hội nghị, hội thảo truyền thông để tăng tính tương tác với các đối tượng thuộc mọi tầng lớp, vùng miền, cử các phóng viên theo dõi thường xuyên, kịp thời nắm bắt các chủ trương, chính sách việc làm, quản lý lao động, có nhiều bài viết để định hướng thông tin cũng như quảng bá về công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Đồng thời, bản thân các trang báo điện tử cũng cần tự đổi mới về giao diện, nội dung tin tức để kịp nắm bắt các thay đổi về chính sách, số liệu liên quan tới việc làm và quản lý lao động.Từ tổng biên tập đến phóng viên phải nâng cao trách nhiệm, tổ chức các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về lao động hợp lý.
Hàng năm, cần có sơ kết, tổng kết đánh giá kịp thời của các cơ quan chủ quản báo điện tử cũng như các cơ quan quản lý nhà nước, chú trọng phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trao thưởng các tác phẩm báo chí tuyên truyền có hiệu quả về việc làm, quản lý lao động và thực hiện bảo hiểm thất nghiệp trên các ấn phẩm báo chí ở Việt Nam,…
Minh Ngọc
TAG: