Thời gian qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, hệ thống chính sách an sinh xã hội đã cơ bản bảo đảm công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, khẳng định quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội. Nhìn chung, các đối tượng chính sách đều được hưởng đúng, đủ, kịp thời các chế độ hỗ trợ, đặc biệt là việc chi trả các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách xã hội cơ bản vẫn bằng hình thức trực tiếp, chi trả bằng tiền mặt, dẫn đến chưa bảo đảm tính đồng bộ giữa các địa phương; chưa có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích khu vực ngoài nhà nước tham gia vào cung cấp dịch vụ công. Chậm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành chính sách. Việc theo dõi, quản lý và chi trả cho các đối tượng chưa thống nhất, đồng bộ theo thời gian thực giữa trung ương và địa phương nên việc chi trả cho các đối tượng vẫn còn tình trạng chậm, trùng lĩnh đối tượng.
Hiện nay, cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội đã được triển khai, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý nhóm đối tượng này. Để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, đặc biệt là chi trả không dùng tiền mặt, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Chỉ thị nêu yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực, khẩn trương thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi trả không dùng tiền mặt đối với người lao động, các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước.
Thực hiện chủ trương chung, tỉnh Ninh Thuận đã sớm có các chỉ đạo trong tổ chức thực hiện về chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 238/KH-UBND triển khai thực hiện thí điểm công tác công tác này tại một số xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và huyện Ninh Phước. Kế hoạch đưa ra một số các nội dung đề nghị sự vào cuộc tích cực của các ban ngành, đoàn thể gồm: Xây dựng phương án thanh toán tổng thể và tăng cường mạng lưới chi trả trên địa bàn thí điểm; Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân, nhất là đối tượng về phương thức chi trả không dùng tiền mặt, hoàn thành trong tháng 02/2023; Tổ chức đăng ký phương thức chi trả và rà soát/cập nhật bổ sung thông tin về căn cước công dân, số điện thoại, hoàn thành trong tháng 3/2023; Chuẩn bị hồ sơ mở tài khoản thanh toán cho đối tượng đủ điều kiện; Cập nhật thông tin đối tượng hưởng chế độ trợ giúp xã hội vào hệ thống Cơ sở dữ liệu BTXH (misposasoft); Thực hiện chi trả cho đối tượng kể từ 01/6/2023.
Từ đầu năm 2022, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tiếp tục tăng nhanh. So sánh 06 tháng đầu năm 2022 với cùng kỳ 2021, tổng doanh số thanh toán qua ngân hàng tăng 42,3%. Việc triển khai đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công gồm thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả nhất định cũng, tạo sự chuyển biến tích cực trong thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng. Riêng đối với việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, kết quả triển khai thời gian qua cho thấy, các đối tượng chính sách đều được hưởng đúng, đủ, kịp thời các chế độ hỗ trợ, đảm bảo sự công khai, minh bạch. Chính vì vậy, chủ trương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong chi trả chế độ, hỗ trợ sẽ tiếp tục góp phần để tỉnh Ninh Thuận thực hiện tốt hơn các chính sách an sinh xã hội, phát huy đúng mục tiêu “chuyển đổi số lấy người dân làm trung tâm phục vụ”.
Đăng Doanh