An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội
10:43 AM 04/04/2024
(LĐXH)- Theo báo cáo từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính từ tháng 01/2023 đến cuối tháng 3/2024, 63/63 tỉnh/thành phố đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1813-QĐ/TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Chỉ thị 21/CT-TTg về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành các văn bản hướng dẫn, phối hợp với Bộ Công an triển khai tại các địa phương.
Theo đó, đối tượng chi trả an sinh xã hội là người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế khác.
Đến nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiến hành rà soát, làm sạch thông tin cá nhân, tích cực tuyên truyền để các đối tượng chi trả an sinh xã hội để chủ động mở tài khoản thanh toán, hỗ trợ các cụ người cao tuổi, già yếu lập tài khoản thanh toán...
Bộ phấn đấu hết năm 2024, tỷ lệ đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có tài khoản đạt tối thiểu 30% trên tổng số đối tượng thuộc địa phương quản lý. Trường hợp đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội không đủ điều kiện mở tài khoản theo quy định và không có người ủy quyền nhận thay thì thực hiện chi trả trực tiếp qua tổ chức dịch vụ chi trả hoặc phương thức khác theo quy định.
Tuyên truyền vận động người dân thực hiện chủ trương chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt
Qua đánh giá, việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt được hầu hết các tỉnh/thành phố quan tâm, chỉ đạo các quan, đơn vị trên địa bàn triển khai thực hiện.
Cụ thể, trong năm 2023, có 63/63 tỉnh/thành phố đã ban hành kế hoạch, văn bản giao nhiệm vụ cụ thể đến từng cơ quan trên địa bàn dễ triển khai chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội. Trong đó, có 29 tỉnh/thành phố đã ban hành Kế hoạch năm 2023.
Năm 2024, 30/63 tỉnh/thành phố đã ban hành kế hoạch, văn bản đôn đốc các cơ quan trên địa bản triển khai chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội. Trong đó, có 05 tỉnh/thành phố đã ban hành Kế hoạch năm 2024.
Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đánh giá tình hình 02 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) ngày 21/12/2023, Công điện số 01/CĐ-LĐTBXH ngày 12/01/2024 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương đã tích cực đẩy mạnh công tác rà soát, cập nhật thông tin tài khoản đối tượng phục vụ công tác chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội đã có tài khoản trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính từ tháng 01/2023 đến cuối tháng 3/2024, 63/63 tỉnh/thành phố đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội.
Tổng số đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý là 5.009.377 người; tổng số đối tượng đã thực hiện rà soát là 4.709.951 người, chiếm tỷ lệ 94,02% trên tổng số đối tượng quản lý.
Tổng số đối tượng an sinh xã hội đã có tài khoản mong muốn chi trả không dùng tiền mặt là 1.805.121 người, chiếm tỷ lệ 36,03% trên tổng số đối tượng quản lý; tổng số đối tượng đã được chi trả qua tài khoản là 1.088.480 người, chiếm tỷ lệ tỷ lệ 60,30% trên tổng số đối tượng đã có tài khoản; tổng kinh phí đã thực hiện chi trả từ tháng 01/2023 đến tháng 3/2024 là hơn 3.456 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và lực lượng Công an gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác chi trả, do đối tượng quản lý khá đặc biệt.
Trong đó, đối tượng là người có công với cách mạng qua nhiều thời kỳ kháng chiến, người cao tuổi thường khó thay đổi quan điểm khi nhận tiền trợ cấp. Hay các đối tượng nhận bảo trợ thường không có điều kiện mua điện thoại thông minh.
Mặt khác, thói quen sử dụng tiền mặt, tâm lý e ngại khi tiếp nhận công nghệ mới, e ngại về an toàn, an ninh khi sử dụng thanh toán trực tuyến cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện.
Việc chọn người ủy quyền để thanh toán qua tài khoản theo ý của đối tượng chính sách xã hội cũng có khó khăn nhất định do tâm lý e ngại người được ủy quyền nhận nhưng không trả lại đối tượng, hoặc người ủy quyền đã nhận tiền nhưng không báo lại đối tượng…
Để đáp ứng yêu cầu chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang tiếp tục có những đề xuất, kiến nghị giải pháp để xử lý theo từng nhóm đối tượng. Những đối tượng nào đủ điều kiện mở tài khoản thì vận động ngay để hưởng dịch vụ chi trả qua tài khoản. 

Chí Tâm

TAG: không dùng
Tin khác
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật