Dấu ấn 5 năm thực hiện giảm nghèo trên quê hương Bảo Lộc (Lâm Đồng)
(LĐXH)-Được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước và sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở, công tác giảm nghèo tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục thu được nhiều thành quả quan trọng. Nhiều chương trình, dự án, đề án đã và đang được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần cùng với cả tỉnh thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội do Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đề ra.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo giai đoạn 2016–2020, Ban Chỉ đạo giảm nghèo thành phố giai đoạn 2016 – 2020 đã ban hành quy chế hoạt động và thường xuyên được kiện toàn. Trên cơ sở số hộ nghèo đầu năm, phân tích thực trạng, nguyên nhân nghèo của hộ nghèo tại các phường, xã và các lĩnh vực có ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo, Ban Chỉ đạo giảm nghèo thành phố đề ra những giải pháp tích cực nhằm phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và tiềm năng lợi thế của địa phương để thực hiện tốt chương trình, kế hoạch giảm nghèo hàng năm đề ra.
Hàng năm, căn cứ mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết HĐND, Kế hoạch của UBND thành phố, Ban Chỉ đạo giảm nghèo giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các phường, xã; thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, chịu trách nhiệm thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu giảm nghèo theo kế hoạch được giao. Đồng thời, chỉ đạo UBND các phường, xã, các cơ quan liên quan thực hiện tốt các chính sách xã hội, đẩy mạnh thực hiện chương trình, kế hoạch giảm nghèo, tạo sự chuyển biến tích cực trong đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân, đặc biệt là xây dựng ý thức tự vươn lên của các hộ gia đình nghèo, người nghèo tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Thành phố và Ban Chỉ đạo giảm nghèo quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo từ thành phố đến các thôn, tổ dân phố. Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào những vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lộc Châu, B’Lao, Lộc Nga. Tích cực tuyên truyền các chính sách về các chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình, dự án, các mô hình điển hình trong công tác giảm nghèo đến cán bộ và nhân dân nhằm thay đổi nhận thức của một bộ phận nhân dân về lao động việc làm; làm tốt công tác vận động và thực hiện có hiệu quả nguồn xã hội hoá công tác giảm nghèo theo hướng nhà nước, cộng đồng xã hội hỗ trợ và bản thân hộ gia đình nghèo, người nghèo tự vươn lên nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững.
Định kỳ hàng năm, BCĐ giảm nghèo thành phố chỉ đạo các phường, xã tổ chức rà soát, bình xét hộ gia đình nghèo, người nghèo và hộ cận nghèo đảm bảo đúng quy trình, quy định. Hàng năm thành phố đều thành lập Đoàn kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác giảm nghèo tại 11 phường, xã trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát kiến nghị với UBND các phường, xã về những vấn đề còn hạn chế trong lĩnh vực giảm nghèo nhất là về công tác rà soát, xét duyệt hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ và thường xuyên; công tác hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; Hiệu quả của việc triển khai nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH thành phố; hoạt động lồng ghép các nguồn vốn thực hiện công tác giảm nghèo; vấn đề xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình; kết quả sau khi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân; vai trò trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo ở phường, xã; công tác kiểm tra, đánh giá tại cơ sở… Và dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và các ngành chức năng của thành phố, các giải pháp giảm nghèo được tập trung thực hiện là giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hôi cơ bản, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ về nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin, vệ sinh môi trường...; thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người nghèo; hỗ trợ cho các hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện các mô hình phát triển sản xuất, mô hình giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới... Bên cạnh sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội cũng đã có nhiều việc làm thiết thực giúp đoàn viên, hội viên nghèo vươn lên trong cuộc sống thông qua thực hiện các mô hình phát triển sản xuất; mô hình giảm nghèo; câu lạc bộ phụ nữ thoát nghèo... qua đó đã giúp đỡ được nhiều hộ gia đình thoát nghèo.
Cụ thể, trong 5 năm qua, thành phố đã thực hiện tốt chính sách miễn, giảm học phí cho 2.174 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền miễn giảm các khoản là trên 1 tỷ đồng; Hỗ trợ tiền điện cho 2.218 lượt hộ nghèo với tổng kinh phí 1.125.640.000 đồng. Tập trung xây dựng và nâng cấp các cơ sở y tế trên địa bàn đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác khám chữa bệnh cho người dân nói chung và người nghèo nói riêng, cấp 6.540 lượt thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, 13.557 lượt thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo. Số lượt người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em được khám chữa bệnh có thẻ BHYT và thẻ khám chữa bệnh miễn phí là 35.200 lượt với số tiền BHYT chi trả cho các đối tượng là 9.500 triệu đồng. Ngoài ra thông qua các tổ chức từ thiện, các tổ chức phi Chính phủ đã có trên 9.000 lượt người được khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Hàng năm thành phố đều tiến hành rà soát thống kê và tiến hành xét cho các đối tượng hưởng bảo trợ xã hội, kịp thời cấp kinh phí trợ cấp giúp họ ổn định cuộc sống. Tính đến thời điểm hiện nay toàn thành phố có 4.370 đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng với tổng số tiền trợ cấp trên 1,8 tỷ đồng/tháng. Bên cạnh đó, thành phố và các phường, xã vận động Quỹ “Vì người nghèo” được 2.941 triệu đồng. Qua đó, thành phố và các phường xã đã triển khai và tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo cụ thể như sau: Hỗ trợ về nhà ở theo quyết định 33/2015/QĐ-TTg cho 33 hộ nghèo với kinh phí hỗ trợ 600 triệu đồng; Xây mới 125 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo với kinh phí hỗ trợ 3.8 tỷ đồng; Hỗ trợ sửa chữa 30 căn nhà ở cho hộ nghèo với kinh phí hỗ trợ 150 triệu đồng. Hỗ trợ đột xuất cho 80 người nghèo khám chữa bệnh với kinh phí hỗ trợ 96 triệu đồng. Hỗ trợ cho 219 học sinh nghèo vượt khó với kinh phí hỗ trợ 68 triệu đồng. Thăm hỏi tặng quà cho hộ nghèo nhân các dịp lễ, Tết với kinh phí hỗ trợ 1 tỷ đồng. Từ đó tạo điều kiện cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở, bị bệnh tật hiểm nghèo, bị thiên tai, dịch bệnh vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Để mọi người dân đều nắm bắt được những tiến bộ về khoa học kỹ thuật nông nghiệp đáp ứng vào thực tế đời sống, thành phố đã tích cực tuyên truyền hướng dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức được 67 lớp tập huấn chuyển giao về khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và trồng trọt cho 4.878 lượt người, hơn 140 buổi hội thảo về chăn nuôi và trồng trọt cho trên 7.000 lượt người. Đồng thời, mở 12 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn và hỗ trợ học nghề cho trên 300 đối tượng người nghèo, lao động nông thôn, người tàn tật, các đối tượng chính sách xã hội theo học nghề với số tiền hỗ trợ 855 triệu đồng. Qua đó, trang bị kiến thức và kỹ năng nghề cho người lao động nghèo có thể tự tạo việc làm hoặc tìm việc ổn định thu nhập.
Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi hộ nghèo, trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã triển khai cho 10.976 lượt hộ vay, với tổng dư nợ là 325,249 triệu đồng. Trong đó cho vay ưu đãi hộ nghèo là 231 lượt hộ; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là 1.777 lượt hộ; cho vay hộ nghèo về nhà ở là 133 lượt hộ; cho vay hộ mới thoát nghèo theo QĐ28 là 3.088 lượt hộ; Cho vay hộ cận nghèo theo QĐ15 là 653 lượt hộ… Nguồn vốn vay đã giúp các hộ gia đình vay vốn chủ động phát triển kinh tế hộ gia đình, làm ăn có hiệu quả, tạo được việc làm cho người lao động, biết cách làm giàu chính đáng góp phần không nhỏ cho công tác giảm nghèo của địa phương. Trong giai đoạn 2016 – 2020, đã có 715 hộ thoát nghèo, không có hộ tái nghèo.
Có thể nói, trong giai đoạn 2016-2020, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thành phố Bảo Lộc đã thường xuyên theo dõi, giám sát và kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo. Các ban ngành đoàn thể, mặt trận và các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện gắn kết các nội dung chương trình giảm nghèo vào chương trình hoạt động của ngành, địa phương mình nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới, phường vững mạnh toàn diện, qua đó đã có tác động tích cực đến các hội viên, tạo ra được phong trào hỗ trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, tiếp cận với các biện pháp khoa học kỹ thuật vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, một số đơn vị không những đã thực hiện tốt công tác giảm nghèo tại địa phương mình mà còn hỗ trợ các đơn vị khác trong công tác giảm nghèo như Phường 1, Phường 2 đã hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo tại xã Lộc Nga, ĐamBri, Lộc Thanh, Lộc Châu với số tiền 830,3 triệu đồng. Kết quả giảm nghèo mà thành phố Bảo Lộc đạt được là giảm từ 604 hộ nghèo đầu năm 2016 xuống còn 273 hộ và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,59% vào cuối năm 2019. Riêng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, số hộ nghèo đã giảm từ 89 hộ (chiếm tỷ lệ 7,33%) năm 2016 xuống còn 26 hộ (tỷ lệ 2,04%) vào cuối năm 2019. Người nghèo từng bước được tiếp cận các dịch vụ xã hôi cơ bản, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ về nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin...; được hưởng các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, vay vốn tín dụng ưu đãi, khuyến nông - lâm, phát triển ngành nghề, có công ăn việc làm ổn định. Diện mạo quê hương, làng bản thay đổi, có nhiều khởi sắc, nhân dân bớt khó khăn, đời sống ngày một ấm no, hạnh phúc./.
Mỹ Hạnh
TAG: