Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Nghệ An
11:01 AM 08/10/2020
(LĐXH)- Nhiều năm qua, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Nghệ An đạt được những kết quả tích cực, qua đó đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - TBXH, thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 225.858 lao động nông thôn. Riêng 9 tháng năm 2020, có 34.200 lượt lao động nông thôn được đào tạo nghề, trong đó có 6.470 người được hỗ trợ  học  nghề theo chính sách Quyết định 1956/QĐ-TTg, đạt  50,1% so với kế hoạch. Qua đó góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của cả tỉnh từ 48% (năm 2015) lên 55% (năm 2020).
Điều đáng ghi nhận chất lượng đào tạo nghề được nâng cao rõ rệt. Hàng năm, tỉ lệ học viên trung cấp nghề tốt nghiệp đạt trên 95%, trong đó loại khá giỏi chiếm 30%; tỉ lệ lao động sau khi học nghề biết nghề là 100%; thạo nghề là 65%; giỏi nghề là 15%. 70 - 80% lao động sau đào tạo nghề đều có việc làm và đảm bảo thu nhập bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có 65 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 9 trường cao đẳng, 14 trường trung cấp, 20 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 22 cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó có 03 trường chất lượng cao, 16 trường nghề trọng điểm với 13 nghề cấp độ Quốc tế, 9 nghề cấp độ Khu vực Asean, 36 nghề cấp độ Quốc gia.
Nhiều sản phẩm của lao động nông thôn ở Nghệ An được sản xuất theo hướng hàng hóa
Qua đánh giá, công tác giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh và chủ động hơn; gắn kết với doanh nghiệp được thực hiện có hiệu quả; một số trường đã tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm, cam kết giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp, gắn với tìm kiếm thị trường lao động. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ lao động có việc làm đạt 78,2%.
Thông qua công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã xuất hiện nhiều mô hình dạy nghề có hiệu quả như: Yên Thành với nghề trồng nấm, may công nghiệp; Quỳnh Lưu với nghề mây tre đan, may công nghiệp; Diễn Châu với mô hình may công nghiệp, chế biến nước mắm sạch; Nghĩa Đàn với nghề nuôi ong, nuôi gà, trồng cây ăn quả; Con Cuông với nghề trồng cam, trồng chè, dệt thổ cẩm... Điển hình, một số lao động sau khi học nghề đã thành lập trang trại, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ với thu nhập cao, như: ông Ngô Văn Tứ (xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn) với mô hình chăn nuôi gà, thu nhập 400 triệu đồng/năm; bà Nguyễn Thị Vân (xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp) với mô hình chăn nuôi lợn, thu nhập 400 triệu đồng/năm; ông Nguyễn Phùng Khởi (xã Trung Sơn, huyện Đô Lương) với mô hình trồng dưa lưới, thu nhập 250 triệu đồng/năm…
Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích phát triển dạy nghề được mở rộng đến các cơ sở dạy nghề ngoài công lập, các doanh nghiệp, làng nghề... Thông qua công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã xây dựng và công nhận thêm được 26 làng nghề (đạt 100% so với chỉ tiêu quy hoạch). Tính đến nay, toàn tỉnh có 165 làng nghề. Các làng nghề đã tạo việc làm cho 19.835 lao động, đảm bảo thu nhập bình quân 40,6 triệu đồng/người/năm. 
Có thể nói, những kết quả đạt được đã góp phần nâng cao chất lượng lao động nông thôn ở Nghệ An, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề theo Đề án đào tạo nghề cho người lao động gắn với giải quyết việc làm và phát triển tiểu thủ công nghiệp - làng nghề tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2020 vẫn còn một số hạn chế như công tác lựa chọn nghề đào tạo gắn với nhu cầu thị trường chưa thật sự rõ nét, công tác xã hội hóa trong thực hiện đào tạo nghề còn thấp. 
Để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thích ứng với những biến đổi của thị trường lao động, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Nghệ An cần có sự chuyển hướng mạnh mẽ từ năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu của người lao động và yêu cầu của thị trường lao động. Gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng, từng ngành và từng địa phương nhằm đảm bảo phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có.
Đặc biệt, để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cơ quan, địa phương cần huy động các nguồn lực địa phương, liên doanh liên kết, nguồn lực của doanh nghiệp. Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề phát triển tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề đảm bảo phù hợp với thực tế, qua đó tạo điều kiện cho người lao động khu vực nông thôn học nghề gắn với giải quyết việc làm ổn định tại chỗ; Quan tâm tham mưu bổ sung kinh phí và định mức dự toán kinh phí sự nghiệp đào tạo nghề. Liên quan đến vấn đề tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nông thôn, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, doanh nghiệp... để làm đầu mối cung ứng dịch vụ, vật tư nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó tạo cơ sở ổn định thu hút, giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo. 

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Nghề Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính Trường Cao đẳng nghề TP.HCM đã đạt chuẩn kiểm định
Khởi động Chương trình INTENSE:  Cơ hội học tập việc làm cho sinh viên Việt Nam
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
Huyện Ngọc Hiển: Tạo sinh kế bền vững cho lao động vùng nghèo, vùng khó khăn
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ kỷ niệm 20 năm thành lập
Trường Đại học LĐ-XH CSII tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM: Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gửi thư chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Hành trình 3 thập kỷ: Trường Phổ thông Dân lập Hermann Gmeiner Hà Nội – Mái ấm yêu thương, chắp cánh ước mơ