Giáo dục - Nghề nghiệp
Trang chủ / Giáo dục - Nghề nghiệp / Giáo dục - Nghề nghiệp
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng quá trình xây dựng nông thôn mới ở Nam Định
06:53 AM 25/12/2024
(LĐXH)- Những năm qua, việc thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đáp ứng tốt quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới ở Nam Định.
Lực lượng lao động của tỉnh Nam Định có khoảng 1,1 triệu người. Trong năm 2024, cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 1.067.956 người, trong đó có 311.843 người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 29,2% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 446.299 người, chiếm 41,8%; khu vực dịch vụ 309.814 người, chiếm 29%.
Hàng năm, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành và các địa phương ở Nam Định đặc biệt quan tâm, chú trọng. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tỉnh đã quan tâm xây dựng, sắp xếp tổ chức, kiện toàn mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho phù hợp với điều kiện học nghề của người lao động. Với 26 cơ sở gồm 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 15 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn thường xuyên được quan tâm chú trọng, có trọng tâm, trọng điểm theo đúng quy định pháp luật.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Nam Định, tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm mới hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng có năng suất và hiệu quả hơn đạt trên 85%. Nhiều lao động thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách sau khi được đào tạo nghề đã có việc làm và thu nhập ổn định, giúp gia đình thoát nghèo. Bên cạnh đó, mô hình liên kết “3 nhà” (nhà nông, nhà trường, doanh nghiệp) trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả và khẳng định hướng đi đúng đắn trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, qua đó từng bước xây dựng lực lượng lao động nông nghiệp, nông thôn chuyên nghiệp, lành nghề. 

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở Nam Định đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn

Có thể khẳng định, việc thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đáp ứng tốt quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới ở Nam Định.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn hiện nay còn một số khó khăn, hạn chế như: tỷ lệ chưa đạt chuẩn về kỹ năng nghề còn cao. Chất lượng đào tạo tại một số cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Công tác tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông thôn chưa thường xuyên, liên tục; việc giải quyết việc làm sau đào tạo gặp nhiều khó khăn, nhất là các nghề phi nông nghiệp…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, mới đây, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Nam Định sẽ tập trung đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập của lao động nông thôn. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Tỉnh sẽ chủ động cập nhật nghề, chuần hóa nội dung đào tạo, kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, pháp luật, kinh doanh, khởi nghiệp, các kỹ năng mền và đổi mới sáng tạo cho lao động nông thôn.
Nam Định đặt mục tiêu bình quân mỗi năm, đào tạo nghề (cả 3 cấp trình độ) cho khoảng 30.000 lao động ở khu vực nông thôn. Trong đó, số lao động được hỗ trợ chi phí học nghề (đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng) là 3.000 lao động, gồm: 1.000 người học nghề nông nghiệp và 2.000 người học nghề phi nông nghiệp.
Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp đặc biệt là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tầm quan trọng của kỹ năng lao động và cơ hội có việc làm, thu nhập ổn định sau đào tạo nghề nghiệp; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao dân trí và đời sống của người dân nông thôn.
Bên cạnh đó, huy động sự tham gia của các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và phổ biến các chế độ, chính sách đối với lao động nông thôn học nghề. Xác định rõ nội dung, hình thức tuyên truyền về vai trò, vị trí của công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, qua đó giúp người lao động chủ động và tích cực trong lựa chọn, đăng ký tham gia học nghề và tìm kiếm cơ hội việc làm.
Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, thực hiện tốt việc phân luồng, tăng tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT ở khu vực nông thôn học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, thu hút trên 50% học sinh tốt nghiệp THCS, THPT ở khu vực nông thôn vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người sử dụng lao động ở khu vực nông thôn. Khuyến khích các doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề, đào tạo kỹ năng nghề tại nơi làm việc…

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
VRG vinh danh nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc tại Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ
240 thí sinh tham dự Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su lần thứ XIV
Yên Bái không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Yên Bái vượt kế hoạch tuyển sinh đào tạo nghề năm 2024
Yên Bái đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo nghề
Hơn 59% lao động tại tỉnh Sóc Trăng đã qua đào tạo nghề
Sóc Trăng: Tập trung hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số
Yên Bái nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ở Yên Bái