Việc đánh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với lãi tiền gửi tiết kiệm đang trở thành chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm và tranh luận từ nhiều phía. Trong khi UBND TP Cần Thơ ủng hộ việc áp thuế với các khoản lãi lớn, đồng thời miễn thuế cho những khoản tiết kiệm nhỏ nhằm đảm bảo công bằng, UBND tỉnh Ninh Thuận lại kiến nghị giữ nguyên chính sách miễn thuế hiện hành để khuyến khích người dân tích cực gửi tiền vào ngân hàng, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế.
Hiện nay, chỉ có doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ lãi tiền gửi, trong khi cá nhân được miễn hoàn toàn. Trước bối cảnh cần cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đang nghiên cứu mở rộng cơ sở thuế theo xu hướng quốc tế. Tuy nhiên, đề xuất này cũng đặt ra lo ngại về khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến huy động vốn của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng kinh tế.
Để làm rõ hơn vấn đề, phóng viên đã có buổi trao đổi với PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, và Luật sư Hoàng Văn Hà (Công ty Luật ARC Hà Nội). Những ý kiến từ các chuyên gia sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về tính khả thi cũng như tác động của đề xuất này đến đời sống kinh tế - xã hội.

Ông quan điểm thế nào về đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam?

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng không nên đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm. Về lý thuyết, mọi khoản đầu tư sinh lời đều phải chịu thuế. Tuy nhiên, trên thực tế, số tiền lãi từ tiết kiệm thường rất nhỏ, không đáng kể so với chi phí quản lý thuế. Ví dụ, nếu một người gửi 100 triệu đồng với lãi suất 6%/năm, họ chỉ nhận được 6 triệu đồng lãi mỗi năm. Nếu áp thuế, số tiền thu được sẽ không đủ bù đắp chi phí hành chính.
Tiền gửi tiết kiệm là phần dư ra sau khi người lao động đã đóng thuế thu nhập cá nhân hoặc doanh nghiệp đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc đánh thuế thêm một lần nữa sẽ tạo cảm giác bất công.
Thêm vào đó, tiền mất giá nhanh hơn cả lãi suất. Với mức lãi suất 6%, trừ đi lạm phát khoảng 4%, thực chất người gửi tiết kiệm chỉ còn lại 2%. Nhưng tốc độ mất giá của tiền tệ thậm chí còn cao hơn thế. Vì vậy, nhiều người đã ái ngại gửi tiền dài hạn vào ngân hàng. Nếu áp thuế, họ sẽ càng không muốn gửi, dẫn đến thiệt hại kép cho cả người dân, ngân hàng và xã hội.

Luật sư Hoàng Văn Hà: Tiền gửi tiết kiệm là một trong những kênh huy động vốn chính của ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nếu áp thuế lãi tiền gửi, nhiều người có thể giảm gửi tiền vào ngân hàng và chuyển sang nắm giữ USD, vàng hoặc đầu tư vào các kênh khác.
Khi đó, dòng vốn sẽ bị “đóng băng” thay vì luân chuyển vào nền kinh tế. Do đó, cần tính toán rất kỹ trước khi quyết định áp dụng chính sách này.
Việc đánh thuế lãi tiết kiệm sẽ tác động thế nào đến khả năng huy động vốn của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng kinh tế, thưa ông?
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Rõ ràng, nếu áp dụng chính sách đánh thuế lãi tiết kiệm, hệ thống ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Để bù đắp, các ngân hàng có thể buộc phải nâng lãi suất huy động nhằm thu hút người gửi tiền. Điều này dẫn đến một loạt hệ lụy nghiêm trọng đối với nền kinh tế.
Khi lãi suất huy động tăng, chi phí vốn đầu vào của doanh nghiệp cũng tăng theo. Doanh nghiệp sẽ tự động chuyển gánh nặng này vào giá thành sản phẩm, làm tăng mặt bằng giá cả trên thị trường, hiện tượng mà chúng ta gọi là "lạm phát chi phí đẩy".
Ngoài ra, lãi suất cao còn tạo áp lực lớn lên ngân sách nhà nước và hệ thống tài chính. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, lãi suất cao có thể thu hút dòng vốn từ nước ngoài đổ vào để hưởng chênh lệch lãi suất. Điều này không chỉ làm gia tăng cung tiền mà còn gây áp lực lạm phát tiền tệ.
Hậu quả xa hơn là sự đình trệ trong đầu tư xã hội, gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế, thất nghiệp và phá sản doanh nghiệp. Chính sách này, nếu không được cân nhắc kỹ lưỡng, sẽ tạo ra một vòng xoáy tiêu cực, ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.
Luật sư Hoàng Văn Hà: Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của PGS. TS Đinh Trọng Thịnh về những tác động tiêu cực của việc đánh thuế lãi tiết kiệm. Thay vì đánh thuế lãi tiết kiệm, nhà nước nên tập trung cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích người dân gửi tiền vào ngân hàng thông qua các chính sách ưu đãi và minh bạch hóa hệ thống tài chính. Chỉ khi nào người dân cảm thấy an tâm và tin tưởng vào hệ thống ngân hàng, họ mới sẵn sàng tiếp tục gửi tiền. Đây mới là cách bền vững để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nếu áp dụng, mức thuế nào là hợp lý để đảm bảo công bằng mà không ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen tiết kiệm của người dân, thưa ông?
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Nếu buộc phải đánh thuế vào lãi tiền gửi tiết kiệm, thì mức thuế chỉ nên ở mức rất thấp, ví dụ một vài phần trăm, tương tự như cách tính thuế đối với các khoản đầu tư khác như trái phiếu hoặc chứng từ có giá. Gửi tiết kiệm thực chất cũng là một hình thức đầu tư, nhưng nếu áp dụng mức thuế này, số tiền thu được cũng không đáng kể. Ví dụ, với lãi suất 6%/năm, nếu đánh thuế 5%, thì trên 100 triệu đồng gửi tiết kiệm, số thuế thu được chỉ khoảng vài chục nghìn đồng, quá nhỏ để bù đắp chi phí quản lý và vận hành hệ thống thuế.
Luật sư Hoàng Văn Hà: Việc xác định mức thuế hợp lý cần dựa trên nguyên tắc đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích của nhà nước và quyền lợi của người dân. Nếu chính sách này được áp dụng, tôi cho rằng mức thuế không nên vượt quá 2-3% trên tổng số tiền lãi. Đây là mức đủ thấp để không tạo gánh nặng cho người gửi tiền, đồng thời hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến thói quen tiết kiệm.
Việc áp thuế cần đi kèm với các biện pháp hỗ trợ rõ ràng, chẳng hạn như miễn thuế cho các khoản tiết kiệm nhỏ dưới một ngưỡng nhất định (ví dụ 50 triệu đồng) hoặc ưu đãi thuế cho những khoản tiết kiệm dài hạn. Điều này sẽ giúp bảo vệ nhóm người dân có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời khuyến khích họ tiếp tục duy trì thói quen tiết kiệm.
Tuy nhiên, trước khi quyết định áp dụng, cần tổ chức các cuộc khảo sát và lấy ý kiến rộng rãi từ người dân, doanh nghiệp và các chuyên gia để đảm bảo chính sách mang tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.

Theo các chuyên gia, kinh nghiệm từ các quốc gia khác (như Thái Lan, Hàn Quốc) có thể áp dụng vào Việt Nam như thế nào để tránh những hệ lụy không mong muốn?
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Để tránh những tác động tiêu cực khi áp dụng chính sách đánh thuế lãi tiết kiệm, chúng ta cần học hỏi từ kinh nghiệm của các nước phát triển. Trước hết, điều kiện tiên quyết là lạm phát phải ổn định hoặc ở mức thấp. Thứ hai, thu nhập bình quân đầu người của người dân cần đạt mức tương đối cao. Và cuối cùng, chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày chỉ nên chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng thu nhập.
Khi thu nhập của người dân tăng cao, nhu cầu chi tiêu cơ bản giảm đi, họ sẽ có nhiều tiền nhàn rỗi hơn để gửi tiết kiệm hoặc đầu tư vào các kênh tài chính khác. Đây là nguyên tắc quan trọng mà các quốc gia như Thái Lan hay Hàn Quốc đã áp dụng thành công. Nếu Việt Nam chưa đáp ứng được những điều kiện này, việc đánh thuế lãi tiết kiệm sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường.
Luật sư Hoàng Văn Hà: Ở các quốc gia phát triển, ngoài nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng, còn có rất nhiều kênh huy động vốn khác như bảo hiểm nhân thọ, quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ tương hỗ… Tại Việt Nam, các kênh này vẫn chưa phát triển mạnh, vì vậy phần lớn dòng tiền nhàn rỗi của người dân vẫn đổ vào tiết kiệm ngân hàng. Điều này khiến hệ thống ngân hàng trở thành nguồn cung tín dụng chủ lực cho nền kinh tế.
Với mặt bằng lãi suất huy động thấp hiện nay, các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để cho vay với lãi suất hợp lý, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh hiện tại và ít nhất 5 năm tới, chúng ta cần tiếp tục khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm thay vì áp dụng chính sách đánh thuế. Việc làm này không chỉ giúp duy trì nguồn vốn cho ngân hàng mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Hiện nay nhiều khoản thu nhập của người dân đã chịu thuế thu nhập cá nhân, trong khi mức giảm trừ gia cảnh đang lỗi thời và cần được điều chỉnh. Chúng ta không thể “cắt khúc” kinh nghiệm từ các nước phát triển để áp dụng vào Việt Nam. Ví dụ, ở nhiều quốc gia, người dân được khấu trừ thuế cho nhiều khoản chi tiêu như ăn uống, mua sắm, đổ xăng… Trong khi đó, Việt Nam chưa có cơ chế đồng bộ như vậy. Do đó, việc đánh thuế lãi tiết kiệm lúc này là không phù hợp.
Theo tôi, cơ quan thuế nên tập trung vào các lĩnh vực đang bị bỏ ngỏ, chẳng hạn như kinh doanh online và thương mại điện tử. Việc kéo giảm mặt bằng lãi suất huy động về mức khoảng 5%/năm và duy trì dòng tiền nhàn rỗi chảy vào hệ thống ngân hàng đã là một thành công đáng ghi nhận. Chúng ta cần tiếp tục duy trì và cải thiện chính sách này thay vì áp dụng những biện pháp gây tranh cãi như đánh thuế lãi tiết kiệm.
Xin cảm ơn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh và Luật sư Hoàng Văn Hà!