Đánh giá tác động của Luật Nghề công tác xã hội hướng tới xây dựng Luật khung
(LĐXH) Trong 2 ngày 25-26/1, tại Đồ Sơn, Hải Phòng, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – TBXH) đã tổ chức Hội thảo Đánh giá tác động của Luật Nghề công tác xã hội nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng và ban hành Luật Nghề CTXH tại Việt Nam.
Tham dự Hội thảo, có ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế; lãnh đạo một số Sở Lao động- TBXH, phòng Bảo trợ xã hội, Trung tâm Công tác xã hội, đại diện một số trường đại học có đào tạo ngành Công tác xã hội, một số bệnh viện có khoa công tác xã hội và các tổ chức quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của Tổ nghiên cứu xây dựng Luật Nghề công tác xã hội, đã khẩn trương nghiên cứu xây dựng Đề cương chi tiết của Luật, đồng thời cũng ghi nhận sự hỗ trợ hợp tác của các tổ chức quốc tế về chuyên môn, kỹ thuật và rà soát đánh giá thực trạng hệ thống pháp luật liên quan đến công tác xã hội...
Đồng thời, Cục trưởng cũng cho rằng, trên cơ sở thực tiễn ở Việt Nam và kinh nghiệm của các nước trên thế giới, ở nước ta cần thiết phải có một Luật chung, khung để điều chỉnh về nghề CTXH và Luật chuyên ngành quy định nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm hoặc thẩm quyền của cán bộ, nhân viên công tác xã hội trong các luật cụ thể... Trong đó, Luật khung về nghề CTXH cần quy định cụ thể về khung pháp lý chuẩn hóa nghề CTXH; có những chính sách quy định ở tầm luật liên quan đến vị trí, chức năng nhiệm vụ và hoạt động của các Trung tâm CTXH, trình tự thủ tục cung cấp dịch vụ CTXH và những quy định về thẩm quyền của cán bộ, nhân viên CTXH trong việc giải quyết các vụ việc. Đây là những yếu tố quy định khung đối với nghề CTXH, thể hiện vai trò, nhiệm vụ của CTXH trong việc giải quyết những vấn đề của xã hội. Việc xây dựng Luật Nghề CTXH là chính sách lớn nhưng không bảo đảm gia tăng về ngân sách và biên chế. Cục Bảo trợ xã hội hy vọng nhận được những ý kiến tham gia góp ý của các đại biểu để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện bước đầu Đề cương chi tiết Luật Nghề CTXH, nhất là việc thống nhất sự cần thiết phải ban hành Luật, tên gọi của Luật và các nội dung mà Đề cương chi tiết Luật đưa ra.
Báo cáo đánh giá tác động của Luật Nghề CTXH, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động- TBXH) đưa ra 4 nhóm chính sách mà Luật Nghề CTXH cần thể hiện là chính sách về đội ngũ cán bộ người làm CTXH chuyên nghiệp; Các lĩnh vực, hình thức, nội dung hoạt động CTXH; Việc thiết lập, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ CTXH và chính sách về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động CTXH. Trong mỗi nhóm chính sách cần phải đánh giá tác động của chính sách và cụ thể hóa vào điều luật.
Theo bà Vũ Thị Lệ Thanh, Cán bộ Tổ chức UNICEF tại Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế về khung pháp lý nghề CTXH cho thấy, Luật khung CTXH được ban hành ở một số quốc gia nhằm tạo một hành lang pháp lý cho thực hành CTXH để bảo vệ người tiêu dùng (xã hội). Các mục tiêu cơ bản của Luật khung hướng tới là: Xác định ai là người hành nghề CTXH (Thiết lập chức danh và tiêu chuẩn chuyên môn tối thiểu của người hành nghề CTXH); Xác định cơ chế đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ và cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc cung cấp dịch vụ phù hợp với quy định pháp luật; Xác định các phương thức công bằng và khách quan trong quan hệ giữa người hành nghề CTXH và khách hàng.
Trong Dự thảo Đề cương chi tiết Luật Nghề CTXH, có một số nội dung rất chi tiết có thể đưa vào các luật chuyên ngành, nghị định. Ví dụ “quy trình và tiêu chuẩn cung cấp dịch vụ”. Bên cạnh đó, Dự thảo quy định rất chi tiết hoạt động cho ngành Lao động - TBXH nhưng tóm tắt cho các ngành khác, đồng thời thiếu quy định về hình thức hành nghề CTXH. Ví dụ hành nghề theo cá nhân và hành nghề theo hợp đồng; hành nghề trong cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH chuyên biệt và hành nghề CTXH trong các cơ sở cung cấp dịch vụ khác (bệnh viện, trường học, tòa án; hành nghề trong lĩnh vực tư nhân hay công lập…). Thiếu định nghĩa và nhiệm vụ cho các chức danh khác nhau của nhân viên CTXH. Thiếu quy định về hỗ trợ, giám sát trong thực hành CTXH. Thiếu các điều khoản quy định hình phạt và khiển trách các hành vi vi phạm Luật…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị Tổ nghiên cứu xây dựng Luật, Cục Bảo trợ xã hội, trong Đề cương chi tiết Luật cần làm rõ các nội dung như: Khái niệm CTXH; Bổ sung các chính sách của Nhà nước đối với nghề CTXH như bố trí nguồn lực, đào tạo nhân lực và hoạt động xã hội hóa; Chính sách phát triển hệ thống dịch vụ CTXH; Quyền của người được hưởng dịch vụ; Sư thống nhất giữa các Luật khác (Luật NKT, Luật Người cao tuổi, Luật Bình đẳng giới…). Ngoài ra, trong Báo cáo Đánh giá tác động cũng cần bổ sung thêm các vấn đề như: Tiến bộ công bằng xã hội tốt hơn; Đảm bảo an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội; Quyền con người; Nghề hóa việc làm; Chuyên dụng hóa được trang thiết bị.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện một số đơn vị, tổ chức chia sẻ mô hình thực hành CTXH tại bệnh viện, Trung tâm công tác xã hội; Dự thảo Đề cương chi tiết Luật Nghề CTXH. Trên cơ sở đó, thảo luận, góp ý Đề cương chi tiết Luật Nghề CTXH./.
Hồng Phượng
TAG: