An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Đắk Nông: Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện nghèo
07:41 PM 22/09/2024
(LĐXH) - Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Đắk Nông đang tập trung triển khai Dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Đến nay, nhiều công trình được đầu tư xây dựng đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đoàn giám sát HĐND huyện kiểm tra giám sát đầu tư cơ sở hạ tầng Chương trình MTQG giảm nghèo tại các xã
Để chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, Tỉnh ủy Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND về quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025… Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu là giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo  và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo; cải thiện tốt nhất đời sống vật chất - tinh thần cho mọi người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững nhằm hướng đến và góp phần đạt mục tiêu  Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII đã đề ra, đưa Đắk Nông “trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030  của vùng Tây Nguyên”.
Thực hiện Dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện  nghèo, các xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, trong đó đối với Tiểu dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo,   xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, tổng vốn bố trí 03 năm (2022 – 2024) là 368,8 tỷ đồng (huyện Tuy Đức 183,1 tỷ đồng; huyện Đắk Glong 185,7 tỷ đồng) để hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội với tổng số 56 công trình đã được khởi công (24 công trình giao thông, 15 công trình giáo dục, 02 công trình thủy lợi, 02 công trình văn hóa; 13 công trình duy tu bảo dưỡng). Tính đến tháng 7/2024 đã giải ngân được 273,5/368,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 74,15% vốn giao 03 năm. Trong đó, năm 2022 giải ngân đạt tỷ lệ 91,21%; năm 2023 giải ngân đạt tỷ lệ 95,04%; năm 2024 giải ngân đạt tỷ lệ 36,88%. Đối với nguồn vốn các năm 2022, 2023 đã làm thủ tục kéo dài thời gian thực hiện qua năm 2024 và ước thực hiện 09 tháng đạt 95% và cả năm 2024 đạt 100%. Đối với nguồn vốn năm 2024, ước thực hiện 09 tháng đạt 80% và cả năm 2024  đạt 90%.
Đơn cử tại huyện Tuy Đức, từ nguồn vốn hỗ trợ, huyện đang triển khai xây dựng công trình: đường vào xã Đắk Ngo (giai đoạn 2), ước thực hiện giải ngân 100% kế hoạch vốn trong năm 2024; công trình hồ Đắk R'Tan, xã Đắk R'Tih, ước thực hiện giải ngân đến hết năm 2024 đạt 58,64% kế hoạch vốn; công trình đường giao thông liên xã Đắk Bukso - Đắk R'Tih (đoạn từ trường Lý Tự Trọng đi Bon Me Ra, xã Đắk R'tih); dự kiến giải ngân hết vào 31/12/2024; dự án ổn định dân cư tự do cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn xã Quảng Tân; dự án ổn định dân cư tự do cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn xã Quảng Tâm; công trình nâng cấp, mở rộng tuyến đường giao thông liên xã ĐắkR'Tih và xã Quảng Tân; công trình nâng cấp, mở rộng Trụ sở làm việc HĐND-UBND huyện Tuy Đức…
Bên cạnh đó, thực hiện Tiểu dự án 2: Triển khai Đề án hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Đắk Nông có huyện nghèo Đắk Glong đăng ký kế hoạch thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Tổng vốn giao thực hiện Tiểu dự án trong 02 năm (2023-2024) là 105,6 tỷ đồng, với tổng số 03 công trình giao thông đã được khởi công. Đến tháng 7/2024 đã giải ngân đạt tỷ lệ 26,91% kế hoạch vốn giao.
Sở Lao động – TBXH tỉnh Đắk Nông cho biết: Xác định cơ sở hạ tầng thiết yếu giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện phối hợp với các xã tiến hành rà soát, đánh giá tình hình thực tiễn tại cơ sở, từ đó tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện. Các công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nhà văn hóa… được ưu tiên đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa. Từ đó, đã củng cố lòng tin của nhân dân và sự ổn định chính trị-xã hội địa phương.
Tuy nhiên, tỉnh cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Hiện nay, một số công trình triển khai chưa đạt tiến độ đề ra do chồng lấn với quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bô xít. Đây là các vướng mắc do cơ chế Trung ương quy định, các sở, ngành có  liên quan đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị nhiều lần với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng chưa được hướng dẫn, giải quyết đến kết quả cuối cùng.
Trong năm 2025, tỉnh Đắk Nông sẽ tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, thiết  yếu trên địa bàn huyện nghèo phục vụ dân sinh,  sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: Các công trình giao thông, cầu, hạ tầng điện phục vụ dân sinh, sản xuất; Các công trình giáo dục đạt chuẩn quốc gia; Công trình thủy lợi phục vụ sản xuất; Các công trình phục vụ nhu cầu về hoạt động văn hóa thể thao; Các loại công trình xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội khác do cộng đồng người nghèo trên địa bàn huyện nghèo đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa, dân tộc, nhu cầu của cộng đồng, phù hợp với mục tiêu và quy định của pháp luật; ưu tiên công trình cho các cộng đồng nghèo, công trình có nhiều người nghèo, phụ nữ hưởng lợi. Công trình đầu tư phải đảm bảo tính kết nối về giao thông, kinh tế, xã hội để hỗ  trợ phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa và dịch vụ, cải thiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản liên xã, giữa xã với huyện hoặc kết nối huyện với các khu vực trung tâm, vùng động lực phát triển. Đồng thời phải phục vụ trực tiếp cho sản xuất và dân sinh, đáp ứng nhu cầu của người dân hưởng lợi, ưu tiên các công trình có nhiều người hưởng lợi là người  thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, dân tộc thiểu số, phụ nữ./.

Thu Hương
 
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương