An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Đắk Lắk: Triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội
09:59 PM 12/08/2021
(LĐXH) - Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, địa phương, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, góp phần cải thiện đời sống tinh thần, vật chất cho các đối tượng; công tác tiếp nhận, chăm sóc nuôi dưỡng các đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội chu đáo, bảo đảm đúng quy định.
Tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh
Các địa phương trong tỉnh đã chủ động bố trí nguồn lực để trợ giúp đột xuất cho các cá nhân, hộ gia đình bị thiếu đói, bị thiệt hại về người, nhà ở do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác kịp thời, đúng quy định. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh đã thăm, tặng quà Tết Nguyên đán cho trên 134.000 đối tượng bảo trợ xã hội và hộ gia đình. Toàn tỉnh hiện có 51.417 đối tượng được hưởng chính sách trợ giúp xã hội (trong đó có 45.634 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 5.783 đối tượng hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc và nhận nuôi dưỡng chăm sóc tại cộng đồng) theo quy định của Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Ngành Bưu điện phối hợp với các địa phương chi trả đầy đủ, kịp thời cho các đối tượng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, đã chi trả cho 289.904 lượt đối tượng, số tiền trên 118 tỷ đồng. Tỉnh đã thực hiện trợ giúp xã hội đột xuất cho 70 hộ gia đình có người chết, bị thương nặng, nhà bị sập, đỗ, trôi cháy và hư hỏng nặng, tổng kinh phí thực hiện 524,6 triệu đồng; Cứu đói dịp tết Nguyên đán và giáp hạt cho 34.615 hộ, 119.232 khẩu, với 1.755,5150 tấn gạo, tổng kinh phí thực hiện hơn 20 tỷ đồng.
Thực hiện chính sách đối với người cao tuổi và người khuyết tật, tỉnh Đắk Lắk có 21.955 người đang cao tuổi hưởng chính sách bảo trợ xã hội trong đó có 21.742 người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng; 212 người cao tuổi nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng. Đối tượng người cao tuổi được quan tâm chăm sóc về sức khỏe, văn hóa thể thao. Tỉnh có 02 bệnh viện có khoa Lão khoa; 64 phòng điều trị riêng cho người cao tuổi; 291 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi; 58.133 người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, 20.485 lượt người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần/năm và 62.746 người cao tuổi được phổ biến kiến thức về chăm sóc và tự chăm sóc sức khỏe theo quy định. Có 17 tổ chức cung cấp dịch vụ vận tải thực hiện giảm giá vé, phí cho người cao tuổi với 354.458 lượt người cao tuổi được miễn giảm, kinh phí thực hiện 487 triệu đồng. Ban Đại diện Hội người cao tuổi tỉnh lập danh sách 1.160 người cao tuổi 90 tuổi và người cao tuổi 100 tuổi thuộc diện chúc thọ, mừng thọ năm 2021 (trong đó 129 người cao tuổi 100 tuổi; 1.031 người cao tuổi 90 tuổi.
Người cao tuổi trong tỉnh được quan tâm chăm sóc
Về chính sách đối với người khuyết tật, toàn tỉnh có 21.224 người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, kinh phí thực hiện 63.078,3 triệu đồng. Người khuyết tật được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, trợ giúp pháp lý theo quy định.
Song song với đó, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội được chú trọng. Toàn tỉnh 03 cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập đang chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho 533 đối tượng. Trong đó, Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh đang chăm sóc, nuôi dưỡng 444 đối tượng, trong đó có 432 đối tượng thuộc diện Nhà nước nuôi dưỡng (trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt: 113 cháu, người cao tuổi: 18 người, người khuyết tật: 41 người, người tâm thần: 223 người; đối tượng khác: 06 người) và 43 người thuộc diện tự nguyện; trong 6 tháng tiếp nhận 41 đối tượng, giảm 51 đối tượng; kinh phí thực hiện: 1.843,56 triệu đồng. Trung tâm Bảo trợ xã hội Chùa Bửu Thắng II đang chăm sóc, nuôi dưỡng 67 đối tượng (52 trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng, 02 người cao tuổi, 02 người khuyết tật và 11 đối tượng khác); tại Mái ấm 1-6, thành phố Buôn Ma Thuột đang chăm sóc, nuôi dưỡng 22 trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng.
Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội năm 2021 tại 02 huyện Ea Kar và Lắk. Tổ chức 02 lớp tập huấn hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội cho 58 cán bộ làm việc tại cơ sở trợ giúp xã hội và cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội cấp huyện, cấp xã. Tổ chức 06 lớp tập huấn nâng cao nhận thực, năng lực chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật và hướng dẫn thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật năm 2021 cho 163 cán bộ, nhân viên và công tác viên trợ giúp người khuyết tật cấp huyện, cấp xã theo Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 – 2030. Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ bằng tiền mặt và hiện vật, với tổng trị giá 2.940,61 triệu đồng; Hội đã hỗ trợ trên 4.433 lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi nghèo và gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, kinh phí 2.934,94 triệu đồng.
Theo đánh giá của Sở Lao động – TBXH tỉnh Đắk Lắk, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự quyết tâm của các cấp, các ngành và địa phương nên chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng được thực hiện đầy đủ, kịp thời, góp phần cải thiện đời sống tinh thần, vật chất cho các đối tượng; công tác tiếp nhận, chăm sóc nuôi dưỡng các đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội chu đáo, bảo đảm đúng quy định. Các địa phương đã chủ động bố trí nguồn lực để trợ giúp đột xuất cho các cá nhân, hộ gia đình bị thiếu đói, bị thiệt hại về người, nhà ở do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác kịp thời, đúng quy định.
Trong thời gian tới, Sở Lao động – TBXH tỉnh tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện chính sách trợ giúp xã hội được kịp thời, đảm bảo đúng quy định. Nắm chắc tình hình thiếu đói của nhân dân và tình hình thiên tai để xây dựng phương án và tổ chức trợ giúp đột xuất kịp thời, đầy đủ theo quy định. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt như: Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2018 – 2025 và tầm nhìn đến 2030; Kế hoạch về thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 – 2030; Kế hoạch về thực hiện Chương trình TGXH và PHCN cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 -2030; Kế hoạch về việc thực hiện Chương trình phát triển Công tác xã hội giai đoạn 2021 – 2030.../.
Hồng Phượng
TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công