Đắk Lắk: Tập trung thực hiện Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo
(LĐXH) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tính đến tháng 6/2024, tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ thực hiện được tổng số 91 mô hình giảm nghèo, trong đó có 02 mô hình trồng trọt, 88 mô hình chăn nuôi, 01 mô hình phi nông nghiệp, với số hộ tham gia là 1.793 hộ, gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ làm kinh tế giỏi.
Thực hiện Dự án 2. Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; ban hành Quyết định quy định cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật để luân chuyển trong cộng đồng theo từng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND các huyện đã ban hành văn bản, tổ chức tập huấn hướng dẫn triển khai thực hiện Dự án 2 cho cán bộ phụ trách dự án cấp huyện, cấp xã, thôn, buôn, tổ dân phố; tổ chức kiểm tra việc thực hiện Dự án tại huyện Krông Bông, Ea Kar.
Giai đoạn 2022-2023, ngân sách nhà nước đã bố trí 75.721 triệu đồng cho tỉnh để thực hiện Dự án 2 (ngân sách trung ương 72.521 triệu đồng; ngân sách địa phương 3.200 triệu đồng); đối ứng của người dân 6.206 triệu đồng. Tỉnh chung tổng kinh phí để thực hiện Dự án 2 là 81.927 triệu đồng. Kết quả đã giải ngân vốn ngân sách nhà nước 38.667 triệu đồng, đạt 51,07% kế hoạch; đối ứng của người dân 6.206 triệu đồng. Tổng kinh phí đã thực hiện và giải ngân 44.873 triệu đồng. Tỉnh đã hỗ trợ triển khai thực hiện 87 dự án (02 dự án trồng trọt, 84 dự án chăn nuôi, 01 dự án hỗ trợ công cụ sản xuất). Số hộ được hỗ trợ là 1.753 hộ (1.184 hộ nghèo, 421 hộ cận nghèo, 62 hộ mới thoát nghèo, 86 hộ làm kinh tế giỏi; hộ đồng bào DTTS, phụ nữ làm chủ hộ 810 hộ/1.753 hộ). Mức ngân sách nhà nước hỗ trợ bình quân từ 20-40 triệu đồng/hộ.
Trong năm 2024, tỉnh được phân bổ vốn sự nghiệp ngân sách trung ương 61.175 triệu đồng; ngân sách địa phương bố trí 2.165 triệu đồng. Lũy kế thực hiện từ năm 2021 tính đến hết 06 tháng đầu năm 2024: Ngân sách trung ương 134.296 triệu đồng, giải ngân 38.947 triệu đồng; ngân sách địa phương bố trí 4.165 triệu đồng, giải ngân 1.200 triệu đồng; vốn huy động 6.202 triệu đồng, giải ngân 6.202 triệu đồng. Tổng số mô hình giảm nghèo thực hiện là 91 mô hình, trong đó có 02 mô hình trồng trọt, 88 mô hình chăn nuôi, 01 mô hình phi nông nghiệp; số hộ tham gia 1.793 hộ là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ làm kinh tế giỏi.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, tỉnh Đắk Lắk cũng gặp một số khó khăn như: Việc giải ngân vốn sự nghiệp thực hiện Dự án 2. Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo chậm và tỷ lệ giải ngân còn thấp do đặc thù đối tượng thụ hưởng Dự án là hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo nên trình độ, nhận thức, kinh nghiệm sản xuất, khả năng đối ứng còn hạn chế. Các hộ dân về tâm lý thường chọn dự án “dễ, antoàn”, “đơn giản”, “quen thuộc”, chưa mạnh dạn chọn các dự án mang tính đột phá, sáng tạo. Trong quá trình triển khai một số dự án cây trồng tại địa phương, theo đánh giá có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng không có trong danh mục định mức kinh tế kỹ thuật của nhà nước nên không triển khai được như cây hoa hoè, cây sương sâm.
Nguyên nhân là do việc quy định mức hỗ trợ thực hiện một dự án tại Nghị định 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa được rõ ràng, địa phương hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ. Sự chồng chéo văn bản về xác định địa bàn hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo giữa Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh và Quyết định của UBND tỉnh quy định cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật để luân chuyển trong cộng đồng theo từng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Một số huyện không thực hiện và giải ngân nguồn vốn đã được bố trí trong năm 2022-2023 như: Cư Kuin, Cư M’gar, Ea H’leo, Krông Buk, Krông Năng và thành phố Buôn Ma Thuột. Giai đoạn 2021 – 2025, khi thực hiện Dự án 2. Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo chuyển từ hình thức hỗ trợ theo từng hộ sang hỗ trợ theo nhóm cộng đồng, trong nhóm cộng đồng phải có thành viên làm kinh tế giỏi nhưng khi tham gia dự án không được hỗ trợ giống, vật tư, nguyên vật liệu… nếu không thuộc đối tượng người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên địa bàn tỉnh; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo gây lúng túng, khó khăn cho các địa phương, nhất là tại cơ sở.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; tăng cường tuyên truyền các mô hình giảm nghèo hiệu quả để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa. Ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn hoạt động đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện. Tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành và các địa phương triển khai thực hiện hoạt động đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo để nâng cao hiệu quả công tác triển khai thực hiện trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo nhằm phát hiện và đưa ra các kiến nghị đối với các địa phương góp phần khắc phục các mặt hạn chế, khó khăn trong thực hiện hoạt động đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo./.
Hồng Phượng
TAG:
Đắk Lắk. Mô hình