Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Đắk Lắk: Phát động Dự án phòng chống đuối nước ở trẻ em năm 2020
08:12 AM 15/08/2020
(LĐXH) - Thực hiện dự án Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em thuộc Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội năm 2020 và Kế hoạch số 754/KH-SLĐTBXH, ngày 22/04/2020 về thực hiện các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ nguồn đảm bảo xã hội ngân sách tỉnh năm 2020, Sở Lao động Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức Lễ phát động Dự án phòng, chống đuối nước ở trẻ em năm 2020, tại Trung tâm Văn hóa huyện Ea Kar. Tham dự buổi Lễ có Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Phạm Phượng cùng lãnh đạo các Sở, ngành, đoàn thể của tỉnh, lãnh đạo huyện Ea Ka và hơn 500 học sinh trên địa bàn huyện

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Đắk Lắk Phạm Phượng phát  biểu tại buổi lễ. 

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk, tai nạn đuối nước là một trong những nguyên hằng đầu gây tử vong ở trẻ em và trẻ vị thành niên. Trung bình mỗi năm, ở Đắk Lắk có khoảng 50 trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước, chủ yếu từ 6 – 15 tuổi, trong đó phần lớn là trẻ em không biết bơi, không có kiến thức về an toàn môi trường nước và không được cha mẹ, người lớn giám sát thường xuyên. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận có 12 vụ tai nạn đuối nước thương tâm làm 21 em tử vong.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều giải pháp để truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước cho trẻ em; tổ chức các lớp học bơi, hướng dẫn kỹ năng an toàn trong môi trường nước; duy trì và phát triển mô hình ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương cắm biển cảnh báo, biển cấm, hàng rào bảo vệ các công trình thủy lợi, công trình dân dụng; xây dựng các điểm vui chơi an toàn, các bể bơi phục vụ nhu cầu bơi lội của nhân dân và trẻ em.

Đông đảo học sinh và phu huynh tham gia lễ phát động phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Từ năm năm 2019, tỉnh Đắk Lắk là một trong 8 tỉnh, thành trên cả nước được chọn triển khai thực hiện dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam” do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Quỹ Từ thiện Bloomberg tổ chức. Mục tiêu của dự án nhằm hướng dẫn cho trên 1.000 trẻ em trong nhóm tuổi tiểu học và trung học cơ sở tại các xã triển khai triển khai dự án được trang bị kiến thức an toàn trong môi trường nước; ít nhất có 700 em, từ 6 – 15 tuổi được học bơi an toàn.

Trong năm 2019, Dự án đã được triển khai ở 8 xã của huyện Ea Kar gồm: Ea K’mút, Ea Sô, Ea Đar, Cư Prông, Ea Pal, Cư Bông, Cư Ni và Cư Huê (tại tỉnh Đắk Lắk). Kết quả, trong một năm, các cấp, các ngành đã tổ chức 40 lớp dạy bơi an toàn cho 800 trẻ em, có 704 em đạt yêu cầu; tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức đuối nước cho 1.200 trẻ em, 400 phụ huynh có con em dưới 6 tuổi và 60 giáo viên mầm non; tập huấn dạy bơi cho 11 huấn luyện viên, 45 giáo viên và cử 10 giáo viên thể dục đi tập huấn chuyên sâu về bơi lội; lắp đặt 32 biển cấm, biển báo tại 12 hồ, suối tại địa bàn huyện. Trong hè năm 2020, Dự án phấn đấu tổ chức được 40 lớp dạy bơi an toàn cho 800 trẻ em tỉnh Đắk Lắk.

Được biết, hiện tỉnh Đắk Lắk có 492.832 trẻ em, chiếm khoảng 26% dân số; 5.647 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm khoảng 1,15% so với tổng số trẻ em; 104.408 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (chiếm 21% so với tổng số trẻ em); 54.216 trẻ em trong hộ gia đình nghèo (chiếm 11% so với tổng số trẻ em); 43.018 trẻ em trong hộ gia đình cận nghèo (chiếm 8,7% so với tổng số trẻ em).

Đắk Lắk tập trung đẩy mạnh công tác dạy học bơi cho trẻ em  trên địa bàn toàn tỉnh để phòng, chống đuối nước 

Thời gian qua, toàn Ngành LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk đã phát huy được vai trò trong việc chủ trì, điều phối trên các mặt công tác, nhất là các hoạt động bảo vệ trẻ em bị xâm hại, bạo lực, triển khai các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em. Hiện có 100% trẻ em thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội (theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP) đã xác lập, hoàn chỉnh hồ sơ được đảm bảo đầy đủ chế độ, 98,6% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, hỗ trợ dưới mọi hình thức. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã triển khai Mô hình kết nối, chuyển gửi, tìm gia đình chăm sóc thay thế cho các đối tượng trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Mô hình Hỗ trợ thực hiện mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Hỗ trợ cán bộ cấp xã thu thập, cập nhật dữ liệu trẻ em vào phần mềm quản lý trẻ em.

Đăng Hải

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24