Đà Nẵng: Triển khai hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội và giảm nghèo bền vững
(LĐXH) - Thành phố Đà Nẵng được chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 1997. Thành phố có diện tích 1.256 km2, với 6 quận và 2 huyện, 56 xã, phường, dân số trên 1 triệu người.
Bên cạnh lợi thế về mặt địa lý nằm ở trung độ của cả nước có đường sắt, đường bộ, cảng biển, cảng hàng không quốc tế, nằm giữa vùng kế cận năm di sản văn hoá và di sản thiên nhiên thế giới, có nhiều bãi biển, danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng là cơ hội để Đà Nẵng thu hút khách du lịch nghỉ ngơi tại thành phố. Trong những năm qua, bên cạnh việc phát triển kinh tế xã hội, thành phố cũng đặc biệt quan tâm thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và giảm nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Trẻ khuyết tật sinh hoạt tại Câu lạc bộ “Sống độc lập”, một mô hình thuộc đề tài “Hỗ trợ trẻ khuyết tật trí tuệ sống độc lập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.
Thành phố đã xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá thực hiện Chương trình an sinh xã hội giai đoạn 2017-2020; xây dựng được phần mềm phục vụ cho việc quản lý và thực hiện chính sách như: Hộ nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người có công, cơ sở dữ liệu cung cầu lao động, cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT... Hàng năm thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành trên các lĩnh vực về bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, xã hội, xây dựng, vệ sinh môi trường để đánh giá các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện nội dung của Nghị quyết. Bên cạnh đó, công tác tự kiểm tra giám sát ở các đơn vị, địa phương cũng được triển khai định kỳ hàng năm, giữa kỳ và cuối kỳ qua đó kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Để đảm bảo đủ nguồn lực cho các chương trình, dự án liên quan đến chính sách xã hội, thành phố huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc bằng các nguồn từ ngân sách địa phương; huy động các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước, sự đóng góp của nhân dân; nguồn lực vận động từ các quỹ “Vì người nghèo", “Đền ơn đáp nghĩa”, “Quỹ Khuyến học, Quỹ chăm sóc sức khỏe các cấp”... để bổ sung nguồn lực thực hiện các chương trình.
Tặng quà cho hộ nghèo trên địa bàn thành phố
Trên cơ sở Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, năm 2017, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết số 134/2017/NQ-HĐND ngày 7/12/2017 về nâng mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội và mở rộng đối tượng, hệ số hưởng bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố. Theo đó, mức chuẩn trợ cấp tăng lên 30% so với quy định của Trung ương, mở rộng các nhóm đối tượng và điều kiện được hưởng đến các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, thành phố còn ban hành các chính sách đặc thù như: Chính sách trợ cấp cho Bộ đội xuất ngũ bị bệnh tâm thần chưa được hưởng chế độ đối với người có công, chế độ đối với quân nhân ở các chiến trường BCK...); chính sách hỗ trợ người bị cắt mất sức lao động đã hết tuổi lao động có hoàn cảnh khó khăn có thời gian công tác đủ và dưới 15 năm; chính sách trợ cấp hàng tháng cho người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo thuộc hộ nghèo; chính sách trợ cấp cho hộ đặc biệt nghèo, cho đối tượng chính sách mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn... Song song đó, lồng ghép vào các chương trình, dự án do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, hỗ trợ sinh kế, học bổng, mổ tim, phục hồi chức năng cho người khuyết tật, người tâm thần… nhằm hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho các đối tượng trong cuộc sống.
Đối với các chính sách trợ cấp đột xuất thực hiện theo hệ số quy định của Chính phủ, mức chuẩn theo quy định của thành phố đối với người bị chết, mất tích do thiên tai 7,0 triệu đồng; nhà sập, trôi, cháy, hỏng nặng hoặc di dời do lở đất, lũ quét với mức quy định của thành phố theo từng thời điểm. Mặt khác, hàng năm, bằng nguồn ngân sách của các địa phương chi hỗ trợ khó khăn đột xuất cho các đối tượng bị bệnh hiểm nghèo, gia đình khó khăn hỏa nạn với mức từ 500.000đ đến 3.000.000đ/người. Nhân dịp tết Nguyên đán, hoặc cứu đói giáp hạn, thành phố trích ngân sách mua lương thực trợ cấp cho các đối tượng khó khăn, nghèo, người già, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mỗi khẩu 15 kg gạo, góp phần đảm bảo cho công tác an sinh xã hội của thành phố.
Nhờ sự quan tâm của thành phố, nhiều người khuyết tật đã tìm được việc làm ổn định cuộc sống
Tính đến nay, toàn thành phố có 32.890 đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội thường xuyên tại cộng đồng theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP (NQ 134/2017/NQ-HĐND thành phố), với kinh phí 250 tỷ đồng/năm và có trên 5.000 đối tượng hưởng chính sách đặc thù của thành phố, với kinh phí trên 25 tỷ đồng/năm. Thành phố có 11 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 2 cơ sở công lập và 9 cơ sở ngoài công lập, nuôi dưỡng tập trung 1.260 đối tượng là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, người lang thang xin ăn. Hàng năm, ngân sách thành phố bố trí kinh phí 100% cho hoạt động của các cơ sở công lập. Đối với các cơ sở ngoài công lập, ngân sách thành phố hỗ trợ kinh phí nuôi dưỡng cho các đối tượng đúng theo quy định của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP. Vào dịp tết nguyên đán, thành phố trích kinh phí từ ngân sách hỗ trợ bằng tiền mức từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng cho trên 35.000 lượt hộ, khẩu, với kinh phí gần 15 tỷ đồng/năm và hỗ trợ lương thực (gạo)15kg cho 57.000 khẩu, hộ với kinh phí gần 10 tỷ đồng/năm. Những năm gần đây, thành phố không xảy ra thiên tai, lụt bão lớn nên không có hộ gia đình thiếu đói do thiên tai, hỏa hoạn. Bên cạnh đó, hàng năm, các đơn vị, địa phương sử dụng nguồn kinh phí đảm bảo xã hội đã trợ cấp khó khăn đột xuất cho gần 2.000 người mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn, ốm đau thường xuyên, với kinh phí trên 4 tỷ đồng.
Thực hiện chính sách giảm nghèo, trên cơ sở khung kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững đến năm 2020, thành phố Đà Nẵng đã ban hành 02 Đề án, 01 Kế hoạch giảm nghèo với chuẩn nghèo riêng của thành phố cao hơn mức chuẩn nghèo của Trung ương. Đồng thời, bên cạnh thực hiện đầy đủ các chính sách do Trung ương quy định, thành phố còn có các chính sách đặc thù trợ giúp cho hộ nghèo như: Về chính sách cải thiện nhà ở: Hỗ trợ xây mới từ 25 đến 35 triệu đồng/nhà; sửa chữa từ 10 triệu đến 20 triệu đồng/nhà; Miễn giảm 60% tiền thuê nhà chung cư cho hộ nghèo và 100% hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khi thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; Ưu tiên xem xét bố trí chung cư cho hộ nghèo, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt.
Đối với chính sách về tín dụng, thành phố hỗ trợ cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn sức lao động vay vốn với lãi suất ưu đãi 0%, mức vay tối đa 30 triệu đồng/hộ, hoàn trả vốn vay đúng hạn và thoát nghèo được thành phố hỗ trợ 04 triệu đồng/hộ. Hộ nghèo chuẩn thành phố được vay lãi suất như hộ nghèo chuẩn Trung ương. Thực hiện chính sách về giáo dục, y tế, thành phố Đà Nẵng mở rộng đối tượng là trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có người giám hộ thuộc diện hộ nghèo và thoát nghèo 2 năm theo chuẩn thành phố được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập; Hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với hộ nghèo thoát nghèo 2 năm và hỗ trợ 90% mức đóng BHYT cho hộ cận nghèo. Bằng các chính sách và giải pháp giảm nghèo được triển khai đồng bộ trên phương diện giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ công cộng, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi, khuyến nông - lâm - ngư, phát triển các ngành nghề, mô hình. Tổng nguồn lực huy động đầu tư cho chương trình giảm nghèo gần 3.000 tỷ đồng, tạo thuận lợi cho 43.000 lượt hộ vươn lên thoát nghèo theo chuẩn từng giai đoạn.
Trao tặng xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại trên địa bàn thành phố
Trong 8 năm (2012- 2019), toàn thành phố đã bố trí kinh phí 368 tỷ để mua thẻ BHYT cấp cho người nghèo; miễn giảm học phí cho 88.731 lượt học sinh, với kinh phí 23 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 5.320 nhà ở cho hộ nghèo, với kinh phí trên 84 tỷ đồng; bố trí chung cư cho 1.384 hộ nghèo; hỗ trợ lắp đặt điện nước, công trình vệ sinh, nước sạch, đầu thu truyền hình kỹ thuật số cho 7.694 hộ, với kinh phí trên 6 tỷ đồng; đào tạo nghề miễn phí cho 10.086 lao động và có 26.647 lượt lao động nghèo được giải quyết việc làm; cho 43.293 lượt hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, với kinh phí 874 tỷ đồng… Ngoài các chính sách do Trung ương quy định, thành phố đã chủ động áp dụng một số chính sách đặc thù như: Nâng mức trợ cấp cho tất cả các đối tượng BTXH (cả đối tượng không nằm trong hộ nghèo); trợ cấp hằng tháng cho đối tượng ốm đau thường xuyên thuộc hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trợ cấp hàng tháng cho người mắc bệnh hiểm nghèo cho 23.350 lượt người, với kinh phí trên 67 tỷ đồng. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm từ 2% trở lên.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thành phố Đà Nẵng gặp một số khó khăn nhất định như: Mức trợ cấp xã hội mặc dù đã được nâng lên, song vẫn còn thấp so với tình hình thực tế; chính sách đã ban hành còn những điểm bất cập, chồng chéo. Do nguồn kinh phí vận động trong những năm gần đây bị cắt giảm dẫn đến hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập gặp khó khăn. Đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội tại các địa phương còn hạn chế dẫn đến việc tham mưu triển khai chính sách còn chậm, việc giám sát quản lý đối tượng ở một số địa phương chưa chặt dẫn đến việc cắt giảm chưa kịp thời. Việc di dời giải tỏa, chỉnh trang đô thị trên diện rộng cộng với quá trình đô thị hóa nhanh làm cho số hộ nghèo đô thị gia tăng. Trong khi đó giải pháp giảm nghèo đô thị nhiều địa phương còn lúng túng. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ hộ nghèo nơi ở không ổn định làm cho công tác quản lý, giải quyết các chính sách trợ giúp gặp nhiều khó khăn; Việc làm là giải pháp quan trọng để hộ nghèo thoát nghèo bền vững tuy nhiên vẫn còn không ít lao động trẻ trong các hộ nghèo thiếu định hướng nghề nghiệp, không thiết tha với việc học nghề dẫn đến không tạo được việc làm ổn định; Trên thực tế vẫn còn một bộ phận hộ nghèo có tâm lý ỷ lại, thiếu nỗ lực vươn lên...
Thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện và sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chính sách giúp người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội như: y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội và các chính sách giúp người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập nâng cao mức sống để vươn lên thoát nghèo bền vững; Xây dựng các Đề án dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ, dạy nghề theo phương thức cầm tay chỉ việc, dạy nghề kết hợp với việc hỗ trợ phương tiện làm ăn; dạy nghề gắn với giáo dục định hướng cho người nghèo đi xuất khẩu lao động, dạy nghề để chuyển đổi nghề từ nông nghiệp sang các ngành nghề khác; Xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, mô hình hội đoàn thể giúp hộ nghèo làm kinh tế, hỗ trợ xoá nhà tạm, hỗ trợ cải thiện điều kiện sinh hoạt, hỗ trợ khám chữa bệnh. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 1-1,5% trở lên, Đề án giảm nghèo về đích trước 1-2 năm; năm 2030 nâng mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo thành phố tăng 2 lần giai đoạn 2016-2020./.
Đỗ Thị Phượng
TAG: