Đà Nẵng: Tập trung thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo
(LĐXH) Thời gian qua, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế xã hội, thành phố Đà Nẵng cũng không ngừng quan tâm công tác giảm nghèo, nâng cao mức sống người dân. Bên cạnh chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương, thành phố đã ban hành nhiều chính sách riêng để hỗ trợ hộ nghèo ổn định cuộc sống.
Thành phố Đà Nẵng được chia tách từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 1997. Với diện tích là 1.256,54 km2, có 6 quận và 2 huyện, 56 xã phường, dân số trên 1 triệu dân. Trên cơ sở khung kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững đến năm 2020, thành phố ban hành 02 Đề án, 01 Kế hoạch giảm nghèo với chuẩn nghèo riêng của thành phố cao hơn mức chuẩn nghèo của Trung ương. Đồng thời, bên cạnh thực hiện đầy đủ các chính sách do Trung ương quy định, thành phố còn có các chính sách đặc thù trợ giúp cho hộ nghèo như: Về chính sách cải thiện nhà ở: Hỗ trợ xây mới từ 25 đến 35 triệu đồng/nhà; sửa chữa từ 10 triệu đến 20 triệu đồng/nhà; Miễn giảm 60% tiền thuê nhà chung cư cho hộ nghèo và 100% hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khi thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; Ưu tiên xem xét bố trí chung cư cho hộ nghèo, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt.
Đối với chính sách về tín dụng, thành phố hỗ trợ cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn sức lao động vay vốn với lãi suất ưu đãi 0%, mức vay tối đa 30 triệu đồng/hộ, hoàn trả vốn vay đúng hạn và thoát nghèo được thành phố hỗ trợ 04 triệu đồng/hộ. Hộ nghèo chuẩn thành phố được vay lãi suất như hộ nghèo chuẩn Trung ương. Thực hiện chính sách về giáo dục, y tế, thành phố Đà Nẵng mở rộng đối tượng là trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có người giám hộ thuộc diện hộ nghèo và thoát nghèo 2 năm theo chuẩn thành phố được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập; Hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với hộ nghèo thoát nghèo 2 năm và hỗ trợ 90% mức đóng BHYT cho hộ cận nghèo.
Tặng quà cho hộ nghèo trên địa bàn thành phố
Về chính sách bảo trợ xã hội, thành phố hỗ trợ hàng tháng với mức 500.000 đồng/người/ tháng cho các trường hợp mắc bệnh ung thư, suy thận mãn và tiếp tục hưởng 2 năm sau thoát nghèo; Hỗ trợ hàng tháng thêm 300.000 đồng/ người/tháng đối với đối tượng đang hưởng chính sách BTXH và 500.000 đồng/người/tháng đối với đối tượng ốm đau thường xuyên chưa đủ điều kiện được hưởng chính sách bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt (hộ nghèo chuẩn Trung ương). Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện thành phố đã ban hành 24 Kế hoạch, quyết định, công văn chỉ đạo tăng cường công tác giảm nghèo. Hàng năm, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, định kỳ họp ban chỉ đạo, qua đó kiểm tra, đánh giá kết quả những tồn tại hạn chế và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương.
Bằng các chính sách và giải pháp giảm nghèo được triển khai đồng bộ trên phương diện giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ công cộng, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi, khuyến nông - lâm - ngư, phát triển các ngành nghề, mô hình. Tổng nguồn lực huy động đầu tư cho chương trình giảm nghèo gần 3.000 tỷ đồng, tạo thuận lợi cho 43.000 lượt hộ vươn lên thoát nghèo theo chuẩn từng giai đoạn.
Trong 8 năm (2012- 2019), toàn thành phố đã bố trí kinh phí 368 tỷ để mua thẻ bảo hiểm y tế cấp cho người nghèo; miễn giảm học phí cho 88.731 lượt học sinh, với kinh phí 23 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 5.320 nhà ở cho hộ nghèo, với kinh phí trên 84 tỷ đồng; bố trí chung cư cho 1.384 hộ nghèo; hỗ trợ lắp đặt điện nước, công trình vệ sinh, nước sạch, đầu thu truyền hình kỹ thuật số cho 7.694 hộ, với kinh phí trên 6 tỷ đồng; đào tạo nghề miễn phí cho 10.086 lao động và có 26.647 lượt lao động nghèo được giải quyết việc làm; cho 43.293 lượt hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, với kinh phí 874 tỷ đồng… Ngoài các chính sách do Trung ương quy định, thành phố đã chủ động áp dụng một số chính sách đặc thù như: Nâng mức trợ cấp cho tất cả các đối tượng BTXH (cả đối tượng không nằm trong hộ nghèo); trợ cấp hằng tháng cho đối tượng ốm đau thường xuyên thuộc hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trợ cấp hàng tháng cho người mắc bệnh hiểm nghèo đã có 23.350 lượt người được trợ cấp, với kinh phí trên 67 tỷ đồng. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm giảm từ 2% trở lên.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện chương trình giảm nghèo, thành phố Đà Nẵng gặp một số khó khăn nhất định như: Việc di dời giải tỏa, chỉnh trang đô thị trên diện rộng cộng với quá trình đô thị hóa nhanh làm cho số hộ nghèo đô thị gia tăng. Trong khi đó giải pháp giảm nghèo đô thị nhiều địa phương còn lúng túng. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ hộ nghèo nơi ở không ổn định làm cho công tác quản lý, giải quyết các chính sách trợ giúp gặp nhiều khó khăn; Việc làm là giải pháp quan trọng để hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên vẫn còn không ít lao động trẻ trong các hộ nghèo thiếu định hướng về nghề nghiệp, không thiết tha với việc học nghề dẫn đến không tạo được việc làm ổn định; Trên thực tế vẫn còn một bộ phận hộ nghèo có tâm lý ỷ lại, thiếu nỗ lực vươn lên. Trong khi đó các chính sách trợ giúp vẫn còn mang tính bao cấp, dàn trải chưa tác động mạnh đến sự nỗ lực vươn lên của hộ nghèo; Tình trạng nể nang, ngại va chạm, lợi ích cục bộ vẫn chưa được khắc phục triệt để tại một số đơn vị cơ sở, nhất là trong việc rà soát xác định hộ nghèo và thực thi các chính sách giảm nghèo. Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác giảm nghèo tuy có nhiều tâm huyết, nỗ lực nhưng bố trí công việc không ổn định, chính sách đãi ngộ chưa phù hợp dẫn đến thiếu yên tâm, hạn chế trong việc tham mưu thực hiện.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện và sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chính sách giúp người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội như: y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội và các chính sách giúp người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập nâng cao mức sống để vươn lên thoát nghèo bền vững; Xây dựng các Đề án dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ, dạy nghề theo phương thức cầm tay chỉ việc, dạy nghề kết hợp với việc hỗ trợ phương tiện làm ăn; dạy nghề gắn với giáo dục định hướng cho người nghèo đi xuất khẩu lao động, dạy nghề để chuyển đổi nghề từ nông nghiệp sang các ngành nghề khác; Xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, mô hình hội đoàn thể giúp hộ nghèo làm kinh tế, hỗ trợ xoá nhà tạm, hỗ trợ cải thiện điều kiện sinh hoạt, hỗ trợ khám chữa bệnh. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 1-1,5% trở lên, Đề án giảm nghèo về đích trước 1-2 năm; năm 2030 nâng mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo thành phố tăng 2 lần giai đoạn 2016-2020./.
Hồng Phượng
TAG: