Đà Nẵng khẩn trương triển khai các khoản hỗ trợ đến tay người lao động và các đối tượng bảo trợ xã hội
Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất. Hỗ trợ người dân duy trì cuộc sống, vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh là một trong những quyết sách hàng đầu hiện nay của Chính phủ nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng.
Thành phố chủ động dành nguồn lực cho công tác hỗ trợ
Hiện thực hoá chủ trương này, Chính phủ đã sớm ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trên nguyên tắc hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; đồng thời, hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch.
Theo đó, có 7 nhóm đối tượng chính được hỗ trợ, gồm: người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19; người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6-2020; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1-4-2020; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc; người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31-12-2019.
Bà Phan Thị Thúy Linh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố, cho biết, bên cạnh những đối tượng được hỗ trợ chung theo quy định của Trung ương, Đà Nẵng còn có các nhóm đối tượng đặc thù riêng của thành phố, gồm: thân nhân của người có công cách mạng hưởng trợ cấp thường xuyên theo Nghị quyết của HĐND thành phố; hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thuộc hộ nghèo, cận nghèo; bộ đội phục viên, xuất ngũ bị bệnh tâm thần hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; người ngừng, mất sức lao động có thời gian công tác thực tế dưới 15 năm, hết tuổi lao động, có hoàn cảnh khó khăn đang hưởng trợ cấp hàng tháng; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, trẻ em con hộ nghèo, trẻ em khuyết tật nhẹ, người cao tuổi không có điều kiện sống tại gia đình, có nhu cầu tự nguyện vào sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, do các Hội, cơ sở tự vận động nguồn lực nuôi dưỡng.
Tổng số đối tượng, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố ước tính hơn 113.000 trường hợp. Trong đó, nhóm đối tượng người có công với cách mạng 17.325 người; nhóm bảo trợ xã hội 28.634 người; nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo 16.278 hộ; nhóm người lao động 39.200 người; nhóm hộ kinh doanh cá thể 12.000 hộ.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 vào ngày 10-4, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, dự kiến, kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn trên địa bàn thành phố theo quy định của Trung ương trong thời gian 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6-2020) khoảng 279 tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố đảm bảo 70% là gần 200 tỷ đồng. Đồng thời, Đà Nẵng đã chủ động dành nguồn ngân sách khoảng 30 tỷ đồng để hỗ trợ cho các đối tượng đặc thù khác của thành phố ngoài quy định của Trung ương.
Như vậy, dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố khoảng 307,9 tỷ đồng.
Địa phương tích cực triển khai
Vào phiên họp thường kỳ tháng 4-2020 vừa qua, UBND thành phố đã thông qua tờ trình Đề xuất hỗ trợ cho các đối tượng, hộ gia đình trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng do tác động bởi dịch Covid-19; dự kiến, sẽ trình HĐND thành phố phê duyệt tại kỳ họp lần thứ 14 (kỳ họp bất thường) trong tháng 4-2020.
Song song với đó, hiện nay, UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố đang chỉ đạo UBND các phường, xã triển khai khảo sát, thu thập thông tin về các đối tượng khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, UBND các phường, xã cung cấp tờ khai và tổ chức hướng dẫn cho Tổ trưởng các Tổ dân phố về cách điền tờ khai theo mẫu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; trên cơ sở đó, Tổ trưởng các Tổ dân phố sẽ thực hiện việc phát tờ khai và hướng dẫn khai đến từng hộ dân. Bà Lê Thị Kim Thương, Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, cho biết, địa bàn phường có 103 Tổ dân phố; để đảm bảo phòng, chống dịch, phường không tổ chức tập huấn chung một lần cho tất cả các Tổ trưởng Tổ dân phố, mà chủ động chia làm nhiều đợt với số lượng người tham gia ít, đồng thời, thực hiện tư vấn, hướng dẫn trực tiếp qua điện thoại.
“Những ngày gần đây, tôi thường xuyên nhận các cuộc gọi và trả lời về cách điền tờ khai thông tin từ Tổ trưởng các Tổ dân phố. Trong quá trình khai, người dân thắc mắc đến đâu, chúng tôi tư vấn ngay đến đó, trên tinh thần hỗ trợ tối đa, đảm bảo công tác lấy tờ khai chính xác, đầy đủ thông tin”, Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang chia sẻ. Bà Lê Thị Kim Thương cũng thông tin thêm, bên cạnh 4 mẫu tờ khai thông tin do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cung cấp, UBND phường Thọ Quang đã chủ động xây dựng thêm một mẫu tờ khai thứ 5 dành cho nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ khẩn cấp trên địa bàn phường để đảm bảo không có ai bị thiếu đói trong giai đoạn này.
Tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, bà Bùi Thị Kim Vân, Tổ phó Tổ dân phố 33, cho biết, nhận được mẫu tờ khai thông tin vào sáng 11-4, ngay trong ngày, bà đã đi đến từng hộ gia đình trong khu dân cư mình phụ trách để trao tờ khai, và hướng dẫn khai thông tin. Tính đến ngày 13-4, Tổ dân phố 33 đã hoàn thành việc kê khai để nộp lại thông tin cho UBND phường Hòa Minh, với gần 100 tờ khai.
Theo ông Lê Xuân Tiến, Tổ trưởng Tổ dân phố 83, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, chính sách hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn do dịch bệnh Covid-19 được ban hành thời điểm này là vô cùng kịp thời, có ý nghĩa rất lớn đối với người dân. “Với đặc điểm địa bàn đa số các hộ dân là hộ thu nhập thấp, khó khăn, mỗi ngày tôi liên tục được hỏi về việc bao giờ thì được nhận hỗ trợ. Tâm lý chung của bà con là đang rất mong chờ gói hỗ trợ này”.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Phan Thị Thúy Linh cho biết, trước mắt, ngay khi đề xuất hỗ trợ cho các đối tượng, hộ gia đình trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng do tác động bởi dịch Covid-19 được HĐND thành phố thông qua, thành phố sẽ triển khai hỗ trợ trước 1 tháng (tháng 4-2020) ) cho các đối tượng, hộ gia đình đã có danh sách quản lý và người lao động đã được xét chọn của địa phương, với dự kiến kinh phí khoảng 103 tỷ đồng.
Ngày 10-4 vừa qua, tại phiên họp thường kỳ UBND thành phố tháng 4-2020, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ đã giao các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương các cấp khẩn trương triển khai công tác rà soát, khảo sát thông tin, trên nguyên tắc đầy đủ, chính xác, bảo đảm khách quan, minh bạch, đúng đối tượng; đồng thời, giám sát chặt chẽ việc chi hỗ trợ cho các đối tượng, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Trong tình hình khó khăn chung, số tiền hỗ trợ tuy không nhiều, nhưng là nỗ lực của thành phố nhằm chia sẻ, động viên người dân vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh. Với sự quyết tâm, đồng lòng, chúng ta sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh, đưa người dân trở lại cuộc sống yên bình, doanh nghiệp có môi trường để phát triển”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ bày tỏ./.
Ngô Huyền
TAG: