Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Đa dạng hóa hình thức giới thiệu việc làm đáp ứng cung cầu lao động trên địa bàn Hải Dương
11:40 AM 29/05/2018
(LĐXH) - Được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đầu tư xây dựng thành Trung tâm Giới thiệu việc làm trọng điểm khu vực miền Bắc, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hải Dương đang nỗ lực phát triển để thực sự trở thành địa điểm tin cậy, kênh thông tin thị trường lao động chính thức, nơi kết nối việc làm hiệu quả giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Thống kê cho thấy cả tỉnh Hải Dương hiện có hơn 11.000 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng lao động thường xuyên, đa phần là lao động phổ thông. Hơn nữa, Hải Dương là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, nằm ở vị trí có nhiều hướng tác động mang tính liên vùng, cầu nối thủ đô Hà Nội với thành phố Hải Phòng, Hạ Long, Hải Dương đang là điểm đến thu hút đầu tư công nghiệp, dịch vụ và nhu cầu việc làm tương đối lớn.

Theo bà Lê Thị Phương Hoa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hải Dương, một trong những yếu tố để đơn vị này làm tốt công tác giải quyết việc làm, tạo ra nhiều cơ hội cho người lao động, giúp doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động giảm bớt gánh nặng tìm kiếm lao động là thực hiện đa dạng hóa các hình thức giới thiệu việc làm, trong đó sàn giao dịch việc làm đóng vai trò quan trọng.

Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm tại Trung tâm

Tính riêng năm 2017, trung tâm tổ chức được 68 phiên giao dịch việc làm định kỳ và chuyên đề trong đó có 50 phiên giao dịch việc làm định kỳ vào thứ 5 hằng tuần; 7 phiên giao dịch việc làm online kết nối với các tỉnh khu vực Bắc, Trung, Nam và Đồng bằng Sông Cửu Long; 9 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các trường đại học, cao đẳng và trường nghề… Sàn giao dịch việc làm định kỳ và chuyên đề của trung tâm đã thu hút hơn 1.000 đơn vị trực tiếp tham gia các phiên giao dịch; hơn 12.000 lao động được tư vấn tại phiên giao dịch; hơn 4.000 lao động trúng tuyển tại phiên giao dịch... Trung tâm đã mở ra hướng làm mới trong việc tổ chức các sàn giao dịch việc làm chuyên đề như: Phiên giao dịch việc làm cho bộ đội xuất ngũ, phiên giao dịch việc làm cho lao động thất nghiệp, phiên giao dịch việc làm cho người khuyết tật…

“Muốn điều tiết được thị trường lao động thì việc trao đổi thông tin giữa các Trung tâm Dịch vụ việc làm trong khu vực cũng như trong cả nước là xu hướng tích cực, giúp dịch chuyển lao động từ nơi ít doanh nghiệp đến nơi có nhu cầu sử dụng lao động lớn”, bà Phương Hoa nhấn mạnh. Trên thực tế, thời gian qua Trung tâm đã tăng cường kết nối với các Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang trong việc cung cấp thông tin và đưa lao động đến Hải Dương làm việc.

Bên cạnh đó, để công tác giới thiệu việc làm ngày càng hiệu quả, thực chất hơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hải Dương cho rằng, công tác dự báo, phân tích thị trường lao động là rất quan trọng. Muốn tư vấn cho người lao động, các Trung tâm Dịch vụ việc làm bắt buộc phải có những thông tin cần thiết. Hiện nay, một số địa phương đã làm tốt công tác dự báo thị trường lao động như: Hà Nội, Bình Dương, Bình Định… Tương lai, công tác dự báo thị trường lao động phải được làm tốt ở mọi địa phương, để các Trung tâm Dịch vụ việc làm lấy đó làm tiền đề, có phương án kết nối, cũng như triển khai các hoạt động giới thiệu việc làm.

Các doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch việc làm định kỳ

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương khi được hỏi về nhu cầu tuyển dụng lao động vẫn luôn khẳng định, họ đang khát lao động. Từ giữa năm 2017, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành khảo sát nhu cầu về lao động tại 300 doanh nghiệp có số lượng lao động lớn đang hoạt động ở Hải Dương. Một trong những nội dung quan trọng được đề cập đến trong khảo sát là nhu cầu tuyển dụng lao động trong thời gian tới, yêu cầu về trình độ của người lao động, kỹ năng họ cần có để đáp ứng công việc... Kết quả cho thấy, xu hướng mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp trong 1-2 năm tới là rất lớn, tập trung ở các ngành nghề: cơ khí, chế tạo, may mặc, sản xuất và phân phối vật liệu xây dựng, xây dựng, công nghiệp chế biến, hoạt động tài chính và bảo hiểm, thông tin truyền thông và máy tính, vận tải. Các doanh nghiệp dự kiến tuyển dụng thêm khoảng 30.000 lao động. Trong đó chỉ cần khoảng 6.000 lao động qua đào tạo nghề theo các hệ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng. Các doanh nghiệp đều thẳng thắn thừa nhận họ chủ yếu tuyển lao động phổ thông chưa qua đào tạo hoặc đào tạo nghề ngắn hạn. Nhiều cán bộ doanh nghiệp cho biết, có người đã từng đi học nghề nhưng không đáp ứng được thực tiễn sản xuất tại công ty nên vẫn phải đào tạo lại từ đầu cho phù hợp. Không yêu cầu người  lao động phải có tay nghề, từng qua đào tạo nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng người lao động muốn làm tốt công việc cần phải có kiến thức và đặc biệt là các kỹ năng "mềm" như khả năng giao tiếp, hợp tác trong công việc, có ý thức trách nhiệm, nhiệt tình, bảo đảm an toàn trong sản xuất...

Như vậy, cùng với nhu cầu tuyển dụng rất lớn của các doanh nghiệp thì để người lao động nắm bắt và đáp ứng được nhu cầu thực sự của các doanh nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các trung tâm giới thiệu việc làm phải tích cực vào cuộc để làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp và người lao động, định hướng để người lao động trau dồi các kỹ năng, kiến thức cần thiết.

 Trần Huyền

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật