Cung cấp thông tin về tình hình và định hướng hợp tác ASEAN cho phóng viên
(LĐXH)- Chiều 17/10 tại Hà Nội, Bộ Thông tin – Truyền thông tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin về tình hình và định hướng hợp tác ASEAN cho phóng viên, BTV các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Triệu Minh Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh việc tổ chức Hội nghị tập huấn này là một phần trong kế hoạch công tác năm 2024 của Bộ, với mục tiêu không chỉ cung cấp thông tin định hướng mà còn làm phong phú thêm nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường hiểu biết cho người dân về hợp tác ASEAN, sự tham gia, đóng góp và hội nhập của Việt Nam và định hướng hợp tác ASEAN trong giai đoạn tiếp theo.Ông Triệu Minh Long khai mạc hội nghị
Hội nghị đã được nghe các bài trình bày về: “Hội nghị cấp cao ASEAN 44,45 ASEAN: Thúc đẩy Kết nối và Tự cường” thành tựu và định hướng ưu tiên của ASEAN trong giai đoạn tới, do ông Trần Đức Bình, Vụ trưởng, Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao trình bày (thuộc trụ cột Cộng đồng Chính trị-An ninh); “Cộng đồng Kinh tế ASEAN sau 2025, cơ hội và triển vọng từ Hiệp định khung Kinh tế Số ASEAN (DEFA)” do bà Nguyễn Việt Chi, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương trình bày (trụ cột Cộng đồng Kinh tế) và “Nỗ lực của ASEAN trong việc hình thành và thiết lập các biện pháp hỗ trợ lao động di cư trong khu vực” do bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng, Vụ HTQT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu (trụ cột Cộng đồng Văn hóa-Xã hội).
Thông tin về Hội nghị cấp cao ASEAN 44,45 và các cấp cao liên quan tại Viêng Chăn – Lào từ ngày 8 – 11/10, ông Trần Đức Bình cho biết: Với lịch hoạt động dày đặc, liên tục trong 4 ngày, các thành viên đoàn đã tham dự hơn 60 hoạt động cả song phương và đa phương, khẳng định hình ảnh chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với các đối tác.
Trong suốt quá trình chuẩn bị cho các Hội nghị, các bộ, ngành của Việt Nam đã tích cực thúc đẩy nhiều ưu tiên hợp tác trong các kênh chuyên ngành, vừa phù hợp với chủ đề ASEAN năm 2024, vừa đáp ứng quan tâm chung của các nước và khu vực.
Đoàn Việt Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ với Chủ tịch Lào và các nước đóng góp chủ động, thiện chí và trách nhiệm vào việc xây dựng các văn kiện Hội nghị, nỗ lực xây dựng đồng thuận chung.
Ông Trần Đức Bình cho biết thêm, trong năm 2025, năm Chủ tịch ASEAN của Malaysia, đây là năm lấy chủ đề Bao trùm và bền vững.
Trong năm 2025, ASEAN tiếp tục chung tay xử lý các thách thức, thúc đẩy thịnh vượng chung, không bỏ lại ai phía sau; củng cố liên kết nội khối; thúc đẩy hội nhập và kết nối các nền kinh tế ASEAN tăng cường thương mại và điện tử; xây dựng ASEAN tự cường ở khía cạnh số…
Trong khi đó, bà Hà Thị Minh Đức thông tin một số vấn đề cần quan tâm như: Hiện nay số lao động không chính thức (không có giấy tờ hoặc đi làm việc ở nước ngoài theo các kênh không chính thống) trong ASEAN vẫn còn cao. Các vấn đề như lao động trẻ em, lao động trên tàu cá cần được quan tâm của Chính phủ các nước.TS. Hà Thị Minh Đức trao đổi với phóng viên
ASEAN đã có một số nghiên cứu và cơ chế kết nối công nhận lẫn nhau về trình độ kỹ năng, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất trong tiêu chuẩn trình độ giữa các quốc gia trong khu vực.
Di cư lao động quốc tế hiện đang đi theo xu hướng chủ sử dụng lao động trả phí. ASEAN hiện đang bắt đầu trao đổi, thảo luận về nội dung này. Việt Nam nói riêng đã có một số bước tiến trong việc này. Nội dung này sẽ tiếp tục được đưa ra trao đổi trong ASEAN trong thời gian tới.
Việc tạo việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho lao động di cư quay trở về để tận dụng được nguồn lực, tài chính và kinh nghiệm có được trong quá trình đi làm việc ở nước ngoài cần được quan tâm hơn. ASEAN chưa có nhiều hoạt động nghiên cứu về nội dung này (Hiện mới có Việt Nam và Indonesia)./.
Hồng Minh