An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Cục Bảo trợ xã hội tổng kết công tác năm 2019
08:56 PM 30/12/2019
LĐXH) - Chiều ngày 30/12/2019, tại Hà Nội, Cục Bảo trợ xã hội đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020. Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Lê Tấn Dũng đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ; các hội, hiệp hội, các chuyên gia cùng toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Cục Bảo trợ xã hội.
Báo cáo kết quả công tác năm 2019 của Cục Bảo trợ xã hội cho thấy, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019 trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn song tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức Cục Bảo trợ xã hội đã nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Cục Bảo trợ xã hội đã chủ trì tham mưu, trình Bộ ban hành nhiều văn bản quan trọng trong lĩnh vực bảo trợ, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách theo hướng toàn diện hơn, bao trùm các nhu cầu cơ bản của đối tượng, từng bước được mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng mức trợ cấp.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Thực hiện công tác trợ giúp đột xuất, hỗ trợ sau thiên tai, Cục đã tham mưu trình lãnh đạo Bộ ban hành Công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở LĐTBXH và các Sở, ban, ngành rà soát, thống kê tình hình thiệt hại trên địa bàn do ảnh hưởng của mưa, bão, nhất là các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số để hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiếu đói.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có công văn chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá tình hình đời sống nhân dân, tổng hợp số hộ, số khẩu có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm 2019. Tính đến ngày 28/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 06 Quyết định, hỗ trợ 7.805,310 tấn gạo cho 166.282 hộ/520.354 nhân khẩu của 14 tỉnh để thực hiện cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán. Công tác hỗ trợ Tết, giáp hạt cho các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo được quan tâm chỉ đạo. Uớc tính kinh phí trợ giúp Tết Kỷ Hợi 2019 của 63 tỉnh, thành khoảng 2.355 tỷ đồng. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cứu đói giáp hạt cho 13 tỉnh với tổng số 6.869,410 tấn gạo.
TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu làm rõ những thành tựu và những vấn đề đặt ra trong công tác BTXH
Đối với công tác trợ giúp thường xuyên, đến nay cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho 3.041.731 người với tổng kinh phí 17,150 nghìn tỷ đồng. Một số địa phương đã chủ động giải quyết chính sách đối với một số nhóm đối tượng đặc thù; chủ động nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn mức chuẩn quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP. Công tác chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội thông qua cơ quan Bưu điện đã được triển khai tại 59 tỉnh, thành phố.
Các chính sách đối với người cao tuổi, người khuyết tật cũng có nhiều chuyển biến. Bộ LĐTBXH đã chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện chế độ chính sách kịp thời đối với đối tượng.
Lĩnh vực CTXH đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Để tăng cường tính chuyên nghiệp hóa, hoàn thiện chính sách chế độ ưu đãi đối với đội ngũ làm việc tại cơ sở trợ giúp xã hội, Cục đang phối hợp với các Trường Đại học Lao động Xã hội, Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức tập huấn công tác xã hội cho đội ngũ cán bộ quản lý cấp cao; tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ các loại hình viên chức công tác xã hội. Thực hiện Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ, cả nước đã thành lập được 425 cơ sở trợ giúp xã hội (191 cơ sở công lập và 234 cơ sở ngoài công lập). Trong đó, có 86 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 67 cơ sở chăm sóc người khuyết tật. Ngoài ra, còn có hàng trăm cơ sở tổng hợp chăm sóc, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật với công suất phục vụ khoảng 20.000 đối tượng.
TS. Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội báo cáo kết quả công tác của Cục năm 2019
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, cũng theo Cục Bảo trợ xã hội, việc thực hiện chính sách còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Mức trợ cấp xã hội tuy đã được nâng lên theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ nhưng vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu của người dân. Nhiều địa phương chưa bố trí kinh phí thực hiện một số quy định của Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật như khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở đối với người cao tuổi; khó khăn trong việc thực hiện chính sách giảm giá vé thăm quan, di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tại các cơ sở do tư nhân đầu tư quản lý. Cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp còn thiếu thốn, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nhất là trang thiết bị y tế phục hồi chức năng cho người khuyết tật, thiếu các dịch vụ trị liệu tâm lý. Công tác xã hội hóa trong trợ giúp xã hội còn bất cập, nhất là cơ chế khuyến khích về miễn giảm thuế, thuê đất, cấp đất, khung giá dịch vụ để khu vực tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội…
Toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị trong Bộ, các hội, chuyên gia đề nghị Cục Bảo trợ xã hội cần đẩy mạnh công tác phối hợp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tích hợp các chính sách trợ giúp tránh chồng chéo, quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội, tiếp tục thể chế hóa cơ chế chính sách lĩnh vực bảo trợ xã hội, đưa vấn đề an sinh xã hội vào Nghị quyết trung ương trở thành một chương trình quốc gia, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Lê Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức,viên chức Cục Bảo trợ xã hội trong thực hiện nhiệm vụ. Những kết quả mà Cục đạt được góp phần quan trọng cùng toàn ngành Lao động – TBXH hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng, Chính phủ giao cho. Thứ trưởng cũng lưu ý, năm 2020 là một năm hết sức đặc biệt, có nhiều dấu mốc quan trọng, Cục Bảo trợ xã hội cần phải có một tầm nhìn xa về công tác trợ giúp xã hội để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo. Trên cơ sở đó, Cục cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như: Ưu tiên hàng đầu cho công tác thể chế, xây dựng văn bản chính sách thành kế hoạch, chương trình, đề án; Rà soát quy hoạch hệ thống chính sách bảo trợ xã hội; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, thực hiện phương thức chi trả trợ cấp xã hội qua đơn vị cung cấp dịch vụ bưu điện; Rà soát tổ chức bộ máy tham mưu cho lãnh đạo Bộ, kiện toàn đội ngũ cán bộ, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc, xây dựng đơn vị đoàn kết, vững mạnh; Phối hợp tốt với các đơn vị trong và ngoài Bộ, các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được giao./.
Hồng Phượng
TAG:
Tin khác
Chăm lo chu đáo cho người có công trên mảnh đất Hà Tĩnh
Huyện Trực Ninh: Lan tỏa các hoạt động đền ơn đáp nghĩa
Hà Tĩnh với công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công
Huyện Cầu Kè: Sâu nặng nghĩa tình với người có công
Huyện Đức Thọ: Không ngừng nâng cao đời sống người có công
Nghệ An chăm lo chu đáo đối với người có công
Thành phố Bắc Giang: Thực hiện tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa
Bắc Giang: Chung tay hỗ trợ nhà ở cho người có công
Bắc Giang: Thiết thực tri ân người có công