Những ngày đầu đông, khi cái giá lạnh bắt đầu tràn về khẽ khàng len lỏi qua từng con phố, lùa vào cổ áo người đi đường, chúng tôi có dịp trở lại Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội. Nơi mà ai đã từng đến đây sẽ cảm nhận được sự ấm áp, sẻ chia về cuộc sống, nỗi vất vả nhưng đong đầy tình người của cả những người chăm sóc cũng như người mắc bệnh tâm thần trong “gia đình” khá đặc biệt này…
Kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người tâm thầnTiền thân là Trại nuôi dưỡng người tâm thần (năm 1984), rồi Khu điều trị người tâm thân (năm 1994), đến nay, Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội (trực thuộc Sở Lao động – TBXH Hà Nội) đóng trên địa bàn xã Thụy An, huyện Ba Vì đang quản lý 579 bệnh nhân tâm thần phân liệt diện khuyết tật đặc biệt nặng (534 bệnh nhân hưởng chế độ, 45 bệnh nhân dịch vụ tự nguyện). Sau hàng chục năm nỗ lực, phấn đấu và trải qua muôn vàn khó khăn, Trung tâm đã trở thành nơi khơi niềm cảm thông, chia sẻ, chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho những người mắc bệnh tâm thần phân liệt của thành phố Hà Nội.
Trong các lĩnh vực công tác xã hội thì lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người bệnh tâm thần phân liệt là một trong những lĩnh vực đặc biệt vất vả, khó khăn gặp nhiều trở ngại nhất. Theo ước tính, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay có khoảng gần 8.000 người đang mắc các thể bệnh tâm thần, nhưng công tác xã hội nhằm đến đối tượng này chưa thực sự được quan tâm triển khai đồng bộ, hiệu quả. Trong những năm gần đây, nghề công tác xã hội và hoạt động công tác xã hội tại Việt Nam mới thực sự được quan tâm, đặc biệt là Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020 (Đề án 32) và Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020 (Đề án 1215) đã tạo ra nhiều kết quả khả quan bước đầu trong xây dựng chính sách, củng cố đội ngũ và mạng lưới, xây dựng giáo trình, tăng cường truyền thông cũng như hợp tác quốc tế.
Lao động trị liệu giúp người tâm thần nhanh chóng hòa nhập cộng đồngÔng Phạm Quang Thịnh, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thân Hà Nội, trao đổi: Các đối tượng được tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng tại Trung tâm hầu hết thuộc đối tượng khuyết tật nặng, gồm các loại bệnh tâm thần phân liệt hoặc rối loạn tâm thần đã được cơ quan y tế chuyên khoa chữa trị nhiều lần nhưng chưa thuyên giảm. Với đặc điểm của bệnh tâm thần mãn tính là chữa không khỏi, thường xuyên có cơn kích động tái phát, bệnh nhân phải uống thuốc chuyên khoa tâm thần duy trì hàng ngày đến hết đời. Khi chữa trị phục hồi, họ thường từ chối uống thuốc, la hét đập phá, trốn chạy, công kích người xung quanh, không tự chủ trong sinh hoạt và vệ sinh cá nhân, không kiểm soát được hành vi, tự hủy hoại bản thân, tự sát gây nguy hiểm cho bản thân, gia đình, người xung quanh và xã hội. Bên cạnh đó, những đợt cấp tính tái phát, các biểu hiện của bệnh lại rất đa dạng và phức tạp, mỗi người bệnh có những dấu hiệu khác nhau, có người nói chửi vô cớ, tấn công lại người chăm sóc, lo sợ người khác hại mình, lầm lì không hoạt động, không ngủ, từ chối ăn uống… Nhận thấy tầm quan trọng của công tác xã hội trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần, trong 3 năm trở lại đấy, đơn vị đã nghiên cứu vận dụng và tiến hành triển khai đồng bộ các mô hình, giải pháp nâng cao chất lượng nuôi dưỡng kết hợp với điều trị duy trì và hoạt động công tác xã hội để can thiệp, hỗ trợ phục hồi toàn diện cho người bệnh tâm thần phân liệt tại Trung tâm.
Bữa ăn hàng ngày của bệnh nhân tâm thần tại Trung tâmĐiển hình trong đó phải kể đến mô hình trợ giúp nhóm phục hồi thể lực, trí lực cho người người bệnh với nhiều hoạt động đa dạng thu hút nhiều bệnh nhân tham gia. Từ việc sàng lọc, phân loại bệnh nhân, xác định đối tượng nhân viên công tác xã hội tiến hành các hoạt động trợ giúp phù hợp. Để hoạt động rèn luyện thể lực thành hoạt động thường xuyên, nhân viên công tác xã hội lựa chọn bài tập thể dục phù hợp với sức khỏe bệnh nhân, do số lượng bệnh nhân đông, quản lý ở 10 tổ riêng biệt nên việc tổ chức hướng dẫn tập luyện phải thực hiện cho từng nhóm bệnh nhân có khả năng tiếp thu nhanh, khi bệnh nhân thành thục lấy đó làm lòng cốt để hướng dẫn các bệnh nhân khác tại các tổ chăm sóc. Sau 3 tháng triển khai đến nay, toàn bộ bệnh nhân đã tập luyện thành thục bài tập thể dục và duy trì bài tập trở thành chế độ thể dục buổi sáng sau khi báo thức. Bên cạnh đó, nhân viên công tác xã hội xây dựng kế hoạch duy trì thường xuyên hoạt động sinh hoạt nhóm khuyến khích bệnh nhân chia sẻ thông tin, sở thích cá nhân từ đó lựa chọn tổ chức các trò chơi trị liệu tâm lý, hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao; tổ chức hội thi văn nghệ, thi tìm hiểu kiến thức xã hội…
Mô hình thí điểm quản lý trường hợp đối với bệnh nhân dịch vụ tự nguyện được triển khai từ đầu năm 2017 đối với 50 bệnh nhân cũng được đánh giá khá hiệu quả. Trung tâm thành lập tổ quản lý trường hợp gồm 15 cán bộ, nhân viên các phòng Nghiệp vụ công tác xã hội, phòng Y tế và 2 phòng chăm sóc bệnh nhân do 01 đồng chí Phó Giám đốc trực tiếp chỉ đạo. Tổ quản lý trường hợp có nhiệm vụ khai thác hồ sơ, khảo sát, xác định nhu cầu của gia đình bệnh nhân qua đó xây dựng kế hoạch quản lý đối với từng trường hợp. Thời gian thực hiện quản lý trường hợp duy trì theo thời gian ký kết hợp đồng dịch vụ đối với từng bệnh nhân, quá trình quản lý trường hợp được thực hiện thành 6 bước như: nhân viên công tác xã hội khai thác thông tin bệnh nhân và xác định nhu cầu; nhân viên y tế khai thác tình trạng bệnh lý và tình hình sức khỏe bệnh nhân; nhân viên các phòng chăm sóc căn cứ kế hoạch triển khai thực hiện, nhân viên phòng Nghiệp vụ công tác xã hội phối hợp đánh giá 01 lần/tháng theo bảng rà soát và giám sát thực hiện kế hoạch hỗ trợ…
Cán bộ, y, bác sỹ Trung tâm thường xuyên động viên người bệnhĐặc biệt, mô hình tạo việc làm và lao động trị liệu được triển khai từ tháng 3/2017, sau khi sàng lọc sức khỏe, lựa chọn 20 bệnh nhân và hướng dẫn nghề làm vàng mã đã tạo được sự hăng say đối với thành quả lao động của người bệnh. Học nghề với người bình thường đã khó, học nghề với bệnh nhân tâm thần còn khó hơn rất nhiều lần. Việc học nghề của các “học trò khó tính” là một hành trình đầy khó khăn và thử thách với nhiều kỷ niệm thật khó quên vì cái sự nhớ nhớ quên quên của bệnh nhân. Nhiều cán bộ Trung tâm liên tục hướng dẫn họ, nhưng rồi lại như chẳng nhớ gì, còn một số thì hướng dẫn một đằng lại làm một kiểu, cũng có khi làm được rồi nhưng họ lại tự làm hỏng… Ấy vậy mà mỗi ngày trôi qua, những khó khăn đó đã dần được thay thế bằng sự hăng say, niềm vui trong công việc của người bệnh khi tự mình có thể làm ra được những “sản phẩm” bằng sự quyết tâm, yêu nghề và đôi bàn tay khéo léo. Đến nay, Kết quả, đến nay đã có 8/10 tổ chăm sóc, điều trị tổ chức cho bệnh nhân tham gia học và làm nghề vàng mã; có 6.623 sản phẩm được làm ra, tương đương với số tiền hơn 21 triệu đồng đồng. Số tiền trên được Ban Giám đốc đơn vị quyết định chi trả toàn bộ vào sổ lương bệnh nhân để người bệnh chi tiêu phục vụ cho các nhu cầu cá nhân hàng tháng.
Mô hình dạy nghề làm vàng mã đang phát huy hiệu quả tại Trung tâmCũng theo Giám đốc Phạm Quang Thịnh để thực hiện tốt Đề án 32 và Đề án 1215 của Chính phủ và nhiệm vụ của đơn vị thì mỗi cán bộ, y, bác sĩ ở Trung tâm hàng ngày luôn phải đóng nhiều vai khác nhau, lúc là anh cảnh sát, lúc lại là thầy thuốc điều trị, khi lại là một cô giáo, khi thì như một người mẹ hiền và trong mỗi người đều phải luôn giữ được ngọn lửa yêu thương và chữ tâm trong lòng. Cụ thể, hàng ngày anh và các đồng nghiệp thường xuyên nhắc nhở những người bệnh dọn dẹp, vệ sinh buồng bệnh sạch sẽ. Với những bệnh nhân đặc biệt nặng, cán bộ Trung tâm tận tay dìu họ đi lại, nâng đỡ hoặc giúp họ vệ sinh thân thể như cắt tóc, gội đầu, tắm rửa, cắt móng tay móng chân, giặt giũ quần áo để họ được sạch sẽ, tránh mắc các bệnh lây nhiễm. Những đêm đông giá lạnh, cán bộ, công nhân viên Trung tâm có thể sẵn sàng thức suốt đêm để đắp chăn cho bệnh nhân bởi các đối tượng tâm thần thường không có giác nóng lạnh hoặc có thể bị rơi xuống khỏi giường. Những lúc người bệnh nhớ nhà, có những hành động kích động, các nhân viên lại vỗ về an ủi, động viên lựa theo tính nết của họ, để họ bình tâm trở lại và sẻ chia tâm tư, nguyện vọng. Đặc biệt, khi nhìn thấy những bệnh nhân trong niềm vui tươi, hồ hởi khi mỗi ngày tỉnh giấc lại có một công việc mới đang chờ mình để bắt đầu, chúng tôi càng thêm hiểu về niềm tin về sự phục hồi trở lại nhân cách đã mất của một con người đang dần trở lại bình thường.
Chí Tâm