Công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần: Hiệu quả và những “nút thắt” cần tháo gỡ
Tâm thần, trầm cảm và hoang tưởng: Xu hướng đang gia tăng
Theo TS. Nguyễn Văn Hồi- Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, hiện nay, tại Việt Nam, số người bị rối nhiễu tâm trí ước tính khoảng 10% dân số, tương đương gần 9 triệu người, trong đó số người tâm thần nặng ước tính 2,5% số người rối nhiễu tâm trí (tương đương 300 ngàn người).
Các dạng bệnh tâm thần và rối nhiễu tâm trí thường gặp như: Tâm thần phân liệt, chứng động kinh, trầm cảm, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật thần kinh, tổn thương não, lạm dụng rượu, nghiện ma túy… đã có hơn 13 triệu người mắc, trong đó khoảng 40% bệnh nhân ở độ tuổi dưới 30. Tuy nhiên, số người bệnh được chữa trị còn rất thấp, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được điều trị.
Điều đáng nói, trong các rối loạn tâm thần, tỷ lệ người bị trầm cảm, hoang tưởng có xu hướng gia tăng ở mức đáng báo động. Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm như: di truyền, ảnh hưởng các bệnh thực tổn, mất cân bằng tâm lý, nghiện rượu… Những người chịu nhiều áp lực, bà mẹ sau sinh căng thẳng trong thời gian dài, mất người thân, hôn nhân không hạnh phúc, sau bệnh tật (chấn thương sọ não, tai biến…), nghiện rượu thời gian dài đều có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Nếu trước đây, phần lớn bệnh trầm cảm bắt nguồn từ các bệnh nội sinh, thì nay có đến 80% bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm lại có nguyên nhân từ các vấn đề xã hội, như: áp lực học hành, căng thẳng trong công việc và cuộc sống, thậm chí nhiều người nghiện Facebook cũng là đối tượng mắc trầm cảm. Theo Bác sĩ.Thạc sĩ Vũ Công Nguyên - Phó viện trưởng, Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển, trên thế giới, Trầm cảm là tình trạng bệnh khá phổ biến; Các nước càng phát triển, tỷ lệ càng cao. Tại US, có khoảng 40 triệu người trưởng thành (>18 tuổi) có mắc trầm cảm, khoảng 18.1% mỗi năm. Tại Việt Nam, chưa có điều tra mẫu đại diện quốc gia, nhưng số liệu từ các nghiên cứu điều tra cắt ngang nhỏ làm tại nhiều địa bàn, nhiều nhóm dân cư cho thấy tỷ lệ trầm cảm tại Việt Nam khoảng từ 8%-15% với các mức độ trầm cảm khác nhau khi sử dụng các thang bảng đánh giá khác nhau.
Nhận thức hạn chế, không quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần - Hậu họa xảy ra
Theo bác sĩ Nguyên, trầm cảm không chỉ ảnh hưởng sức khỏe của người bệnh mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, xã hội do gánh nặng chi phí điều trị và giảm năng lực lao động. Nếu không được phát hiện, điều trị sớm, bệnh trầm cảm sẽ diễn tiến ngày càng trầm trọng và nguy hiểm, có thể dẫn đến những điều đáng tiếc không cứu vãn được, đó là gây tử vong.
Trong thời gian gần đây, báo chí đã nêu rất nhiều vụ tử vong vô cùng oan trái và sót xa do những người mắc chứng tâm thần, trầm cảm, hoang tưởng gây ra. Đó là, vụ giết hại một đứa trẻ của kẻ tâm thần phân liệt Hoàng Nhất Giang, ở phường 5, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại cơ quan điều tra, nghi phạm khai nguyên nhân giết cháu Nam (6 tuổi, ở quận Tân Phú) vì anh ta bị hoang tưởng. Giang khai một tháng nay, anh ta bị ám ảnh lời cháu bé nói anh ta là đồ ăn cắp, độc ác. Ám ảnh vì tiếng chửi cứ vọng về, khiến anh ta càng hậm hực muốn sát hại cháu bé để không nghe tiếng chửi. Trưa 26/11, thanh niên này nằm ngủ ở chốt dân phòng khu phố 2, phường 5, quận 11 và tiếp tục nghe tiếng chửi. Lúc tỉnh dậy, Giang thấy cháu Nam đến tiệm tạp hóa nên lấy con dao xếp gắn lưỡi lam và giấu vào tay. Sau đó nghi phạm đến gần cháu bé và gây án. Hành động xong, Giang về lại chốt trực nằm ngủ như chưa có chuyện gì xảy ra. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện nhưng đã tử vong.
Vậy trách nhiệm này thuộc về ai? Câu hỏi đặt ra là tại sao một cơ quan chính quyền, có trách nhiệm đại diện bảo vệ, quản lý khu dân cư lại quá chủ quan và đơn giản khi đưa một người bị rối nhiễu tâm trí, mắc bệnh tâm thần, hoang tưởng làm nhiệm vụ canh giữ sự yên bình cho khu dân cư? Liệu những người lãnh đạo trong tổ dân phố có biết người bảo vệ này là người mắc bệnh tâm thần? Nhận thức của họ về bệnh tâm thần, tác hại của bệnh và những việc cần làm trong chăm sóc sức khỏe tâm thần đến đâu?
Hay vụ cháu Vũ Việt A (33 ngày tuổi, trú tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội) tử vong bất thường trong chậu nước, nghi phạm gây ra cái chết của cháu Vũ Việt A. chính là mẹ đẻ của cháu, chị Phan Thị Tr (sinh năm 1997). Theo cơ quan CSĐT – CATP Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến vụ án thương tâm này là do Phan Thị Tr mắc bệnh trầm cảm nặng, nên xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực. Đây cũng là căn bệnh mà nhiều bà mẹ sau sinh mắc phải.
Câu chuyện này cho thấy, nếu chị Phan Thị Tr được người thân quan tâm, chăm sóc và được phát hiện sớm về tình trạng tinh thần, sức khỏe thì đứa con trai mà chị rứt ruột đẻ ra liệu có phải chịu chết oan khuất và đau đớn như vậy không?
Nghề công tác xã hội và vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần
Tại Hội thảo "Nâng cao chất lượng truyền thông phát triển nghề công tác xã hội đối với người có vấn đề về sức khỏe tâm thần" do Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) tổ chức, TS.Nguyễn Văn Hồi cho biết: Qua câu chuyện của chị Phan Thị Tr ở Thạch Thất bị trầm cảm và giết chính con ruột của mình vừa đẻ ra một lần nữa chúng ta thấy bệnh tâm thần không chỉ là biểu hiện la hét, chửi bới,... mà xã hội lâu nay định kiến, hình dung. Mà nó là những biểu hiện, triệu chứng xuất hiện bất kỳ trong khoảng thời gian nào đó trong cuộc sống của mỗi người. Chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe tâm thần nói riêng. Phóng viên báo chí cần giúp cho những gia đình và người bệnh tự nhận biết được mình có phải là có vấn đề sức khỏe về tâm thần hay không đã là việc rất lớn lao cho xã hội. Còn khi người ta đã là bệnh trầm trọng và bệnh nặng thì lúc đấy là việc của bác sĩ, của y tế chuẩn đoán. Một lời khuyên của các nhà báo, một đoạn viết hay sẽ ngấm vào nhiều người, nhiều gia đình và nhiều đối tượng. Tự người ta sẽ thoát khỏi tình cảnh stress và rối nhiễu tâm trí trầm trọng.
Về vấn đề nâng cao nhận thức của người dân trong chăm sóc sức khỏe tâm thần, TS. Nhà báo Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ - HNBVN cho rằng nhiều người bệnh trong thời gian điều trị đã xem báo, nghe đài, biết thêm về sức khỏe tâm thần, từ đó, biết cách tự chăm sóc bản thân, tâm lý thoải mái,... Tác động lên dư luận, tạo ra các cơ hội tranh luận cách thức duy trì sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, tạo ra những đáp ứng tình cảm để người dân thay đổi nếp sống tốt cho sức khỏe là rất cần thiết.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, con người ngày càng phải chịu nhiều áp lực từ cuộc sống, quá tải về công việc gia đình và xã hội thì nhu cầu sử dụng các dịch vụ công tác xã hội để giúp bản thân mỗi người tìm hướng cân bằng hơn trong cuộc sống ngày càng cao. Theo TS. Nguyễn Văn Hồi, qua công tác xã hội lâm sàng người ta có thể phát hiện được, chuẩn đoán được vấn đề sức khỏe tâm thần của người bệnh và có thể có những tư vấn, những liệu pháp về mặt tâm lý, về mặt xã hội hết sức phù hợp mà không cần dùng đến thuốc để chữa trị. Sự kết hợp giữa can thiệp bằng thuốc với trị liệu tâm lý và tiếp cận các dịch vụ xã hội là rất hiệu quả. Đơn cử như tại Trung tâm Chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội, mô hình trợ giúp nhóm phục hồi thể lực, trí lực cho người bệnh với nhiều hoạt động đa dạng thu hút nhiều bệnh nhân tham gia là một minh chứng. Dựa vào kết quả sàng lọc, phân loại bệnh nhân, xác định đối tượng, nhân viên công tác xã hội tiến hành các hoạt động trợ giúp phù hợp. Để hoạt động rèn luyện thể lực thành hoạt động thường xuyên, nhân viên công tác xã hội lựa chọn bài tập thể dục phù hợp với sức khỏe bệnh nhân, do số lượng bệnh nhân đông, quản lý ở 10 tổ riêng biệt nên việc tổ chức hướng dẫn tập luyện phải thực hiện cho từng nhóm bệnh nhân có khả năng tiếp thu nhanh, khi bệnh nhân thành thục lấy đó làm lòng cốt để hướng dẫn các bệnh nhân khác tại các tổ chăm sóc. Sau 03 tháng triển khai đến nay toàn bộ bệnh nhân đã tập luyện thành thục bài tập thể dục và duy trì bài tập trở thành chế độ thể dục buổi sáng sau khi báo thức. Bên cạnh đó nhân viên công tác xã hội xây dựng kế hoạch duy trì thường xuyên hoạt động sinh hoạt nhóm khuyến khích bệnh nhân chia sẻ thông tin, sở thích cá nhân từ đó lựa chọn tổ chức các trò chơi trị liệu tâm lý, hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao; tổ chức hội thi văn nghệ, thi tìm hiểu kiến thức xã hội; thành lập thư viện sách thu hút hơn 100 bệnh nhân tham gia; lấy ngày Chủ nhật hàng tuần là ngày văn hóa thể thao khuyến khích bệnh nhân tham gia tự sáng tạo tổ chức các trò chơi cho các bệnh nhân khác…Mô hình hoạt động nhóm đã phát huy hiệu quả, thu hút bệnh nhân tham gia, tạo môi trường sống, sinh hoạt phong phú, đa dạng.
Chính vì vậy, TS. Nguyễn Văn Hồi cho rằng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần tiếp tục tập huấn, xây dựng năng lực cho hệ thống các trung tâm trợ giúp xã hội, trung tâm công tác xã hội để mở các dịch vụ về điều trị cho những người lo âu, stress, phát hiện sớm những đối tượng có vấn đề rỗi nhiễu tâm trí và có những liệu pháp điều trị về mặt công tác xã hội, về mặt tâm lý học, về mặt xã hội cho phù hợp trước khi người bệnh đến với các bệnh viện khi bị phát hiện có bệnh trầm trọng. Sự phối hợp giữa hai ngành Lao động - TBXH và Y tế trong điều trị, chăm sóc sức khỏe tâm thần là hết sức quan trọng và nó ở tất cả các cấp độ, từ cấp xã, trạm y tế của xã, cho đến cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương. Ở cấp trung ương, hai Bộ cũng cần phải có xây dựng một kế hoạch. Đây đúng là một khoảng trống và là một việc còn thiếu. Đề nghị báo chí cần lên tiếng và có tiếng nói để chúng ta hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và tiếp tục đóng góp, đồng hành trong việc phát triển các dịch vụ can thiệp sớm.
Bên cạnh đó, cũng cần đề ra cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư trong nước, đầu tư hút vốn, đầu tư nước ngoài để phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm công tác xã hội có cung cấp các dịch vụ công tác xã hội về chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Còn theo Bác sĩ.Thạc sĩ Vũ Công Nguyên - Phó viện trưởng, Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển, việc phát hiện và can thiệp sớm ở cộng đồng có thể giúp người bệnh có vấn đề về sức khỏe tâm thần và gia đình của họ phòng chống và kiểm soát được những nguy cơ gây tử vong và hạn chế những tiêu cực cho các thành viên khác trong gia đình cũng như cộng đồng xã hội. Sự lồng ghép giữa can thiệp y tế và các kỹ năng can thiệp, trị liệu về tâm lý chuyên sâu cho người bệnh thông qua nhân viên công tác xã hội là rất quan trọng, thậm chí nhờ đó người bệnh không cần dùng thuốc mà vẫn khỏi. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là người dân và gia đình người mắc bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí hay trầm cảm không mấy tin tưởng vào quá trình chữa bệnh của những nhân viên công tác xã hội, họ cho rằng căn bệnh này chỉ có thể chữa được bởi bác sĩ. Để vận động được gia đình và người có vấn đề về sức khỏe tâm thần theo nhân viên công tác xã hội chữa trị là rất khó. Theo bác sĩ Nguyên, rất cần tuyên truyền mạnh về công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần để dần dần người dân, cộng đồng xã hội tin tưởng vào việc hỗ trợ, can thiệp và điều trị của công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần, từ đó sẽ giúp được rất nhiều người khỏi bệnh.
Bác sĩ Nguyên cũng đưa ra khuyến cáo tại hội thảo là các gia đình cần quan tâm, chăm sóc đến người thân của mình, nhất là phụ nữ trong giai đoạn sinh nở cần đặc biệt quan tâm, chăm sóc, để ý đến thái độ, hành vi của những người này. Nếu có dấu hiệu trầm cảm hoặc các bệnh lý khác thì phải có biện pháp điều trị phù hợp, hoặc cách ly với xã hội để tránh những vụ án đau lòng tương tự có thể xảy ra./.
Trần Thị Mỹ Hạnh
TAG: