Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Công tác giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Yên Bái: Kết quả và thách thức
02:59 PM 28/06/2018
(LĐXH)- Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Yên Bái đã huy động được sự tham gia của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, đem lại kết quả khả quan.
Tính đến tháng 3/2018, toàn tỉnh Yên Bái có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 4 trường cao đẳng (Trường Cao đẳng nghề Yên Bái; Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái; Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Yên Bái; Trường Cao đẳng Y dược Pasteur (trường tư thục); 3 trường trung cấp (Trường Trung cấp Dân tộc Nội trú Nghĩa Lộ; Trường Trung cấp Lục Yên; Trường Trung cấp Bách khoa Yên Bái (trường tư thục); 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện tại các huyện Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thành phố Yên Bái. Hệ thống trường công lập là 12 cơ sở (chiếm 86%); ngoài công lập là 2 cơ sở (chiếm 14%).  
Lĩnh vực đào tạo công nghiệp, xây dựng, nông, lâm nghiệp 3 trường; lĩnh vực thương mại, dịch vụ 4 trường; một số cơ sở đào tạo đa ngành nghề trên cả 3 lĩnh vực theo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. 
Mạng lưới giáo dục nghề nghiệp được quan tâm phát triển cơ bản đủ về số lượng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phân bố tương đối hợp lý (huyện, thị nào cũng có từ 1 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trở lên); có đủ cấp độ đào tạo cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng và đủ loại hình công lập và dân lập; quy mô tuyển sinh đào tạo toàn tỉnh có sự tăng dần qua các năm, đặc biệt là loại hình đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng.
Đào tạo nghề điện dân dụng tại huyện Lục Yên
Toàn tỉnh có 631 cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đó số giáo viên, giảng viên trực tiếp tham gia giảng dạy là 530 người (giáo viên giáo dục nghề nghiệp 367 người; giáo viên dạy văn hóa phổ thông 163 người). 
Về trình độ, trên đại học 132 người (chiếm 25%); đại học 364 người (chiếm 69%); trình độ khác gồm: cao đẳng, trung cấp, giáo viên dạy nghề, công nhân kỹ thuật có bằng nghề 34 người (chiếm 6%). Hàng năm, đội ngũ giáo viên được đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ đạt chuẩn về chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ sư phạm để đáp ứng yêu cầu đào tạo.
Cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề đã được đầu tư xây dựng, các công trình phòng học, nhà xưởng, nhà nội trú, nhà công vụ giáo viên cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo hiện tại ở các cơ sở. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tổng diện tích đất hiện có là 440.284 m2
Trong đó đã được đầu tư xây dựng 165 phòng học lý thuyết, diện tích 11.012 m2; 113 nhà xưởng thực hành, thí nghiệm với diện tích 11.299 m2; 8 thư viện, diện tích 1.191 m2; khu nhà hiệu bộ gồm 167 phòng với diện tích 7.007 m2; 166 phòng  ký túc xá, diện tích 8.749 m2. Quy mô đào tạo được cấp phép của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay đạt 6.725 lao động/năm, trong đó đào tạo trình độ cao đẳng 620 lao động/năm; trình độ trung cấp 2.305 lao động/năm; trình độ sơ cấp 3.800 lao động/năm.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đã huy động được sự tham gia của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã trong việc tham gia giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án. Qua kiểm tra, giám sát đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, đồng thời chấn chỉnh những đơn vị yếu kém từ đó đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề. 
Chính sách hỗ trợ cho người lao động được công khai minh bạch, người lao động được hỗ trợ học nghề miễn phí, các đối tượng ưu tiên được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại theo chính sách của Đề án. Việc đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần đem lại năng suất và thu nhập cao hơn, tạo việc làm cho nhiều lao động. 
Chất lượng LĐNT ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, tỷ lệ lao động nông nghiệp của tỉnh giảm từ 69,44% (năm 2015) xuống còn 66,90% (năm 2017), góp phần xóa đói giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Trong 3 năm (2015-2017), đã có 16.103 LĐNT tham gia các lớp đào tạo nghề theo Đề án 1956 của tỉnh, bình quân mỗi năm có hơn 5.300 LĐNT được hỗ trợ học nghề. 
Công tác dạy nghề đã gắn với việc sản xuất kinh doanh của người lao động và bước đầu gắn kết với nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp như nghề may công nghiệp, điện dân dụng, xây dựng, gò, hàn... nhiều lao động sau khi học nghề đã được giới thiệu và đi làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh, một số lao động đã tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong những năm gần đây công tác giáo dục nghề nghiệp vẫn còn những hạn chế: Quy mô đào tạo của các trường thấp do công tác tuyển sinh của các trường gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tuyển sinh hệ trung cấp và cao đẳng. 
Cơ cấu trình độ đào tạo chưa cân đối, đào tạo trung cấp, cao đẳng của các trường chiếm tỷ lệ thấp so với quy mô đào tạo toàn tỉnh; ngành nghề đào tạo chưa đa dạng; hoạt động liên kết, liên thông trong đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh và giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh còn ít; cơ sở vật chất cho đào tạo còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo. Số lượng phòng học, xưởng thực hành chưa đáp ứng đủ so với quy mô đào tạo; trang thiết bị đào tạo thiếu thốn do chưa được bố trí đủ vốn để đầu tư đồng bộ, đặc biệt là những ngành nghề trọng điểm, những ngành nghề thị trường lao động đang có nhu cầu. 
Đối với các trường cao đẳng chuyên nghiệp cơ sở vật chất cũng đã xuống cấp, một số trang thiết bị lạc hậu chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo do nguồn kinh phí đầu tư hạn hẹp; các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên hiện có nhiều giáo viên dạy văn hóa trong khi lại thiếu giáo viên dạy nghề; hầu hết các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên mới tập trung triển khai dạy nghề theo chỉ tiêu đào tạo có ngân sách, chưa năng động, tích cực trong việc tổ chức các lớp dạy nghề có thu học phí từ người học, các lớp liên kết đào tạo để khai thác hiệu quả điều kiện cơ sở vật chất hiện có; sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. 
Các trường, trung tâm chưa thực sự chuyển sang đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động. Đào tạo theo các đơn đặt hàng của doanh nghiệp ít, đa số học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp tự tìm kiếm việc làm mà chưa có sự hỗ trợ thông tin từ phía các trường. Một số trường chưa chủ động nghiên cứu, khảo sát về tình hình việc làm của sinh viên sau khi đào tạo. 
Trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT: việc tuyên truyền về đào tạo nghề cho LĐNT chưa thực sự sâu rộng, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, mặt khác do nhận thức của LĐNT tại một số nơi còn hạn chế, một phần do tâm lý người lao động không muốn đi làm xa, một phần mức kinh phí hỗ trợ thấp, chưa thực sự thu hút người học, lao động trẻ muốn thử sức và mong có thu nhập cao nên đi lao động ngoài tỉnh, do vậy việc tuyển sinh học nghề khó khăn, đặc biệt là tuyển sinh học nghề phi nông nghiệp; sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong triển khai thực hiện Đề án còn chưa cao. 
Kết quả khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề của lao động ở một số địa phương còn chưa sát với thực tế, do đó việc lựa chọn ngành nghề đào tạo chưa phù hợp, tổ chức lớp chưa đúng thời điểm, việc thực hiện kế hoạch đào tạo phải điều chỉnh; số lao động được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956 hàng năm còn ít; cơ cấu đào tạo nghề cho LĐNT chưa đạt theo kế hoạch của tỉnh đề ra. 
Hiệu quả công tác đào tạo nghề chưa tác động nhiều đến sự chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh, chất lượng đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu của thực tiễn sản xuất và nhu cầu của thị trường lao động; ngành nghề đào tạo cho nông dân còn chưa phong phú, thiếu vắng rất nhiều những nghề có cơ hội việc làm như gò hàn, sửa chữa xe máy, chạm khắc đá, thêu thổ cẩm, chăm sóc sắc đẹp, nghiệp vụ du lịch tại gia đình...
Đội ngũ giáo viên dạy nghề cho LĐNT hàng năm chủ yếu là giáo viên thỉnh giảng (chủ yếu là thỉnh giảng với cán bộ của các trung tâm, trạm khuyến nông, thú y..), một số chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác dạy nghề nên khó khăn trong đào tạo; công tác tuyển sinh dạy nghề cho LĐNT bắt đầu gặp khó khăn như: một số LĐNT chưa thực sự tích cực tham gia học nghề; LĐNT có trình độ học vấn, độ tuổi khác nhau nên ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, số lao động học nghề phi nông nghiệp có tỷ lệ tốt nghiệp có việc làm không cao. 
Quá trình thực hiện, một số địa phương chậm triển khai việc đặt hàng đào tạo; việc cấp phát kinh phí đào tạo còn chậm, chưa phù hợp với tiến độ mở lớp dẫn đến cơ sở đào tạo gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện đặc biệt là chi trả vật tư thực tập, hỗ trợ tiền ăn cho học viên.
Những tồn tại, khó khăn đó cũng là thách thức đặt ra đối với công tác giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề cho LĐNT của tỉnh. Để thực hiện tốt hơn công tác giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề cho LĐNT, trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm đến việc thu hút giáo viên dạy nghề vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bố trí kinh phí để hỗ trợ đào tạo chuyển đổi một số giáo viên dạy văn hóa tại các trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện. 
Quan tâm chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp thuộc diện thu hút đầu tư có đào tạo và tuyển dụng nhiều lao động địa phương vào làm việc như các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực may, công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ. Tăng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh để hỗ trợ dạy nghề cho LĐNT nhằm tăng số LĐNT được hỗ trợ học nghề hàng năm, đặc biệt là số LĐNT được đào tạo nghề ở lĩnh vực phi nông nghiệp để tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động./.
Nhật Hạ (Hội đồng nhân dân tỉnh) 
TAG:
Tin khác
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
Thời gian nộp hồ sơ, chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, cấp giá trị sử dụng thẻ BHYT năm 2025
Hơn 2.700 vị trí việc làm tại Ngày hội việc làm lần 2-2024 tại TP.Thủ Đức
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng