Cộng đồng vào cuộc trong phòng ngừa, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục
LĐXH - Ngày 10/12/2016, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Mạng Bảo vệ Quyền trẻ em tổ chức Diễn đàn “Phát huy vai trò của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và Mạng quyền trẻ em trong phòng ngừa, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục”.
Đến dự và chủ trì Diễn đàn, có bà Trần Thị Thanh Thanh, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban BVCSTE, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; bà Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Tạ Văn Hạ, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Thời gian qua, thực hiện chức năng, nhiệm vụ phối hợp tham gia giám sát, vận động chính sách khuyến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về các chủ trương, chính sách liên quan đếnviệc thực hiện quyền trẻ em theo quy định của pháp luật, Hội BVQTE và các tổ chức xã hội đã có những đóng góp tích cực trong công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em dưới nhiều hình thức. “Chúng ta có thể có các quy định luật pháp, ban hành các chương trình tốt, điều đó là quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là năng lực thực thi luật pháp, là việc thực hiện có hiệu quả chương trình, là sự tham gia tích cực của tất cả các đối tác trong xã hội, gia đình, cộng đồng, các tổ chức xã hội đối với việc phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em bị xâm hại tình dục, trong đó có vai trò giám sát thực hiện quyền trẻ em của Hội BVQTE”, Thứ trưởng Đào Hồng Lan đã nhấn mạnh.
Được biết, trong ngày hôm qua, ngày 9/12, Hội BVQTE đã có 2 cuộc họp về vai trò của các tổ chức xã hội, các luật sư trong việc bảo vệ trẻ em. Việc chọn chủ đề cho diễn đàn năm 2017: phòng ngừa, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục, đã khẳng định nhận thức, định hướng của các cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội về công tác trẻ em rất giống nhau, cùng mục tiêu bảo vệ trẻ em tốt hơn.
Trong Diễn đàn này, Chủ tịch Hội BVQTE Trần Thị Thanh Thanh cũng đề nghị các đại biểu đến từ các các bộ/ ngành; đại diện đến từ các tổ chức xã hội, các tổ chức hoạt động vì quyền trẻ em sẽ tìm được các giải pháp, đánh giá về tình hình thực hiện các văn bản pháp luật trong thực tiễn. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, những thuận lợi hoặc khó khăn, thách thức trong việc phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em bị xâm hại tình dục, qua đó đề xuất các giải pháp khắc phục để phát huy hơn nữa vai trò của các Bộ, ngành, các tổ chức xã hội trong việc phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp cho trẻ em bị xâm hại nói chung, trẻ em bị xâm hại tình dục nói riêng, bảo đảm quyền của các em.
Đăng Doanh
TAG: