Còn nhiều vi phạm về pháp luật ATVSLĐ trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn, huấn luyện ATVSLĐ
(LĐXH) - Nhằm tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ về an toàn lao động, vệ sinh lao động, từ ngày 10/10/2016 đến ngày 28/10/2016, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Cục An toàn lao động và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các địa phương, tiến hành thanh tra 14 tổ chức dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn và huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động khu vực phía nam.
14 tổ chức được thanh tra gồm 06 tổ chức dịch vụ huấn luyện, 03 tổ chức dịch vụ kiểm định và 05 tổ chức hoạt động cả 2 loại dịch vụ. Qua Thanh tra, Đoàn thanh tra đã phát hiện 41 lỗi (trung bình 3 lỗi/tổ chức), Chánh Thanh tra Bộ đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 02 tổ chức với tổng số tiền là 136.500.000 đồng.
Các vi phạm trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn: 01 tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn khi chưa công bố đủ điều kiện và chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định; 2/8 tổ chức sử dụng thiết bị phục vụ công tác kiểm định kỹ thuật an toàn nhưng chưa hiệu chuẩn hoặc đã hết hạn phải hiệu chuẩn lại; Các tổ chức dịch vụ đã ban hành quy chế giám sát chất lượng đối với hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động theo quy định, tuy nhiên việc tổ chức giám sát chưa được thể hiện trên hồ sơ lưu; Tại bản ghi chép hiện trường, hầu hết các tổ chức ghi không đầy đủ, hoặc không cụ thể thông tin kết kết quả kiểm tra thử nghiệm tại hiện trường khi thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn; 02 tổ chức không thực hiện báo cáo định kỳ kết quả kiểm định với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương và cơ quan đầu mối.
Các vi phạm trong hoạt động huấn luyện ATVSLĐ: 11/11 tổ chức dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động nhưng chỉ 04 đơn vị sự nghiệp công lập (gồm 2 Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn và 2 Trường Cao đẳng nghề) có đủ giáo viên cơ hữu thực sự là lao động của tổ chức; các tổ chức còn lại ký hợp đồng với từ 05 người huấn luyện trở lên, ghi thời hạn trên hợp đồng là 12 tháng nhưng thực chất là người huấn luyện thỉnh giảng (sử dụng người đã nghỉ hưu hoặc làm việc tại các tổ chức khác để làm việc theo vụ việc, trả tiền thù lao giảng dạy theo buổi giảng thực tế nhưng để coi đó là người huấn luyện cơ hữu; có người huấn luyện cơ hữu không giảng dạy một buổi giảng thực tế nào, có người lao động là người huấn luyện cơ hữu giảng dạy tại nhiều tổ chức khác nhau).
Hầu hết các tổ chức lưu hồ sơ các khóa huấn luyện không đầy đủ chương trình của từng khóa học và danh sách phân công người huấn luyện tương ứng với từng nội dung trong chương trình, nên không thể hiện rõ việc xây dựng chương trình, bố trí người huấn luyện phù hợp với chuyên ngành và đối tượng huấn luyện theo quy định tại chương III, Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ; 9/11 tổ chức thực hiện huấn luyện cấp chứng chỉ (hoặc giấy chứng nhận) huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động nhưng nội dung huấn luyện thiếu phần kỹ thuật sơ cứu tai nạn lao động theo chương trình khung quy định tại Điều 18 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ khi tổ chức huấn luyện và cấp chứng chỉ an toàn, vệ sinh lao động; Các đơn vị ký hợp đồng thuê xưởng thực hành từ khi xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện huấn luyện, nhưng không đơn vị nào phát sinh hoạt động thực hành tại nơi thuê. Các tổ chức dịch vụ báo cáo việc thực hành tại cơ sở sản xuất nhưng hồ sơ lưu không thể hiện sự phối hợp với cán bộ kỹ thuật hoặc người huấn luyện tại cơ sở khi hướng dẫn thực hành; Một số đơn vị tổ chức huấn luyện gộp nhiều đối tượng nhóm 3 học chung nhưng thời gian không đổi, nên không đảm bảo thời gian thực hành phần kiến thức chuyên ngành; Các tổ chức xuất trình tài liệu gốc (biên soạn khi lập hồ sơ xin cấp chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ huấn luyện) hầu hết không cập nhật kịp thời văn bản mới; Giáo trình, bài giảng kiến thức chuyên ngành do người huấn luyện soạn chủ yếu là nguyên tắc chung về an toàn, hoặc có chia theo các lĩnh vực chuyên ngành như làm việc trên cao, làm việc trong không gian kín, an toàn cơ khí, điện, thiết bị chịu áp lực…, nhưng thiếu chỉ dẫn thực hành gắn với tên, mã hiệu, hình ảnh thiết bị hoặc quy trình làm việc, biện pháp an toàn cụ thể đối với công việc của các đối tượng được huấn luyện. Không tổ chức nào tiến hành khảo sát đánh giá nguy cơ thực tế tại cơ sở sản xuất trước khi tổ thực hiện huấn luyện./.
Cảnh Minh
TAG: