Cơn mưa chiều tháng 5
(LĐXH) - Một chiều lang thang về Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế, nơi được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho một nguồn tài nguyên phong phú với với nhiều danh lam thắng cảnh như Cảnh Dương, Lăng Cô, Bạch Mã… Cảnh vật nơi đây sao mà bình yên đến lạ, thuần khiết và nhẹ nhàng. Tôi tự nhủ sao quê hương mình đẹp quá đỗi, làm lay động lòng người bằng những thứ bình dị và cái tình chân chất của người dân xứ vạn chài…
Xã Lộc Vĩnh, miền quê nghèo đầy nắng gió với tiếng sóng rì rào, dư vị mặn đậm đà của biển, nơi có những con người luôn tất bật với ghe thuyền và cuộc sống khốn khó vất vả quanh năm... Dường như cái nghèo nơi đây làm chôn vùi mất những ước mơ, hoài bão của những mảnh đời vốn đã lam lũ, nay nhuộm luôn cả những tâm hồn trong veo, hằn sâu trong mắt bọn trẻ vô tư chơi đùa trên những bãi cát cháy vì nắng...
Gió từ mé bãi sông thổi lên từng cơn, bên vài ngôi nhà lác đác, lạnh se... Cơn mưa chiều tháng 5 bỗng rả rích một khoảng trời, thời tiết xứ Huế mùa này thật lắm đỏng đảnh. Ngoài kia, những chiếc xuồng, ghe tấp nập rời bến thẳng về hướng Cảnh Dương, nơi có từng tốp thanh niên đang hòa mình vào sóng và cát, hát vang từng điệu nhạc trẻ sôi động trong không gian hoang sơ rì rào sóng vỗ. Từ gian nhà nhỏ, tôi bắt gặp ánh mắt của nó, nhức nhối đến nao lòng... Những hạt mưa nhẹ tênh ngoài kia như lớp sương giăng mắc áo, giăng vào bóng nó cô độc. Hình ảnh đôi mắt lanh lợi, tròn xoe lấp lánh sự tinh anh, nhanh nhạy trong bức hình được treo trên bức tường gần đó, trước mắt tôi giờ là một cô bé tiều tụy mang nhiều nỗi lo toan về một số phận, về trách nhiệm, mà hơn hết chính là nỗi xót xa khi phải từ bỏ ước mơ. Có lẽ sự mặc cảm bệnh tật trong con người nó đã làm thui chột ý chí cần phải nỗ lực vươn lên để bớt đi phần nào sự lo lắng đang ngày một làm nặng thêm đôi vai gầy của mẹ…
14 tuổi nó đã phải từ bỏ ước mơ được đến trường, cú ngã định mệnh đã cướp đi đôi chân, cướp mất tương lai đang rộng mở phía trước, cướp luôn cả những hoài bão mà nó đang khát khao chạm đến. Dường như nó mặc cảm, tự ti ngay với cả những người thân yêu nhất trong gia đình. Ngồi trên chiếc xe lăn, nó trả lời tôi ráo hoảnh, bất cần. Bên vách bếp đơn sơ, nó quay mặt đi không buồn nhìn thẳng, có lẽ nó đọc được trong mắt tôi một cảm xúc xáo trộn vô tình lướt qua khi bất chợt ngấn nước. Rồi nó miên man kể về những tháng ngày khó khăn, kể về giây phút khi nó được làm mẹ, về sự vất vả và suy nghĩ túng quẫn khi phải ngồi bó gối bất lực nhìn đứa con gái bé bỏng đang lớn lên từng ngày. Tôi thật, có trải qua cái cảm giác làm mẹ, có đặt mình vào hoàn cảnh ấy mới thấu hiểu được tâm can của một con người…Tôi ngầm thán phục cái nghị lực phi thường, khâm phục bản năng làm mẹ của nó. Có lẽ, niềm vui xen lẫn nỗi lo lắng thường trực đối với nó giờ là đứa con gái lên ba. Nhìn con bé đang ê a trong góc nhà, khuôn mặt đang tươi vui vì có khách đến thăm của nó lại chợt chùng xuống khi tôi hỏi:
- Hoa này, sinh hoạt hàng ngày của em thế nào? Giọng Huế thẽ thọt, nó từ tốn trả lời:
- Dạ chị, em tự làm vệ sinh trong khả năng có thể. Ngày trước còn có mẹ và mấy đứa em hắn giúp, chừ bọn hắn đi hết, có mỗi mẹ thì cũng đã già, đợt ni thêm cái bệnh đau dạ dày nên bà yếu lắm, toàn em phải tự làm thôi.
- Rứa từ ngày bị bổ (ngã) em có làm thêm cái chi để phụ giúp cho mẹ không?
-Có giúp được chi mô chị!!! Hôm bữa em cũng có học nghề thêu, nhận đồ đem về nhà thêu rồi đưa hàng cho họ, nhưng hàng bán không chạy nên em cũng nản, em bỏ rồi.
- Rứa thì ngày thường em làm chi để giết thời gian?
- Đợt trước còn khỏe, em còn tự lăn xe ra đầu cổng ngắm người qua lại cho đỡ buồn, chỉ có rứa thôi chơ chừ em không làm được việc chi cả, không giúp chi được cho mẹ, cũng không đi mô được, vết thương thì ngày càng lở loét, em đau lắm, không ăn uống chi được, chừ là… được ngày mô hay ngày nớ thôi chị ơi…
Đến đây thì nó làm cổ họng tôi nghẹn lại, tuy không thể dấu được cảm xúc đang ngày một dâng lên trong lòng, tôi vẫn cố tiếp tục câu chuyện:
- Em có buồn không? Nó cười, một nụ cười chua chát…
- Buồn thì cũng có giải quyết được chi mô chị? Em cũng quen rồi. Em chỉ buồn vì không làm chi được cho mẹ, lại phải để mẹ chăm con giúp.
- Rứa chừ em có ý định muốn kiếm việc chi để làm không? Để chị giới thiệu cho? Chị có biết vài Trung tâm ở Huế chuyên tuyển người khuyết tật vô làm việc, ở đó có rất nhiều việc cho em làm, nếu em muốn chị sẽ giúp. Giọng nó ráo hoảnh:
- Nhìn người em chừ toàn da bọc xương, ăn còn ăn không nổi thì lấy mô ra sức mà làm hả chị? Ngày trước còn lăn xe đi ra đi vô, chừ thì ra đến sân cũng khó. Em ngồi xe nhiều em mỏi lắm, khi mô mỏi thì lại lên giường nằm, nằm chán rồi lại ngồi…
Cứ thế, câu chuyện của chúng tôi làm cho nó quên đi sự mặc cảm ban đầu, nó không còn dè chừng người lạ nữa. Rồi nó nói chuyện đời, chuyện người, chuyện cuộc sống vất vả của gia đình gắn liền với ao hồ, biển núi, cá tôm... Tiếng cười đùa của đứa bé vang vọng khắp ngôi nhà vốn đã vắng vẻ giờ làm nó vui hẳn lên. Dường như nó đã quen với niềm ước ao giản đơn là chỉ cần ngồi trên chiếc xe lăn nhìn ngắm dòng người qua lại trên con đường quê mỗi ngày, chỉ vậy thôi mà sao ước mơ với nó xa vời quá… Chẳng ai biết được giờ đây, và kể cả những ngày về sau nó sẽ phải sống như thế nào. Nhìn dáng hình bé nhỏ ngồi lọt thỏm trong chiếc xe lăn, tôi chợt nhận ra đằng sau đôi mắt ấy là cả một trời khát khao được sống. Có lẽ, bao nhiêu hi vọng về một tương lai đẹp đẽ nó đã gửi gắm hết vào đứa con gái bé bỏng, người đã giúp nó giữ được tinh thần lạc quan và vui vẻ đón nhận từng khoảnh khắc quý giá trôi qua mỗi ngày.
Từng đợt gió trái mùa cứ len lỏi khắp các ngõ ngách, len qua bức tường cũ kỹ, cơn mưa phùn cuối tháng 5 bỗng khiến cho bầu không khí nơi làng quê nghèo trở nên lạnh lẽo, hoang vu hơn. Ngoài kia, chiều buông xuống ảm đạm trên từng rặng phi lao nhưng vẫn tràn đầy sức sống, văng vẳng đâu đó tiếng hát từ mái tranh phát ra phía bên kia đường:
Màu mắt Huế buồn rưng rưng
Khiến cho anh suốt đời không quên
Ôi mắt thơ đẹp ai oán
Mà phong ba vẫn luôn đón chờ…
Hà Giang
TIN LIÊN QUAN
TAG: