Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành đồng bộ, thống nhất nhiều văn bản, quy định đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, doanh nghiệp tái chế, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn cần phải tăng cường nghiên cứu, triển khai công nghệ tiên tiến để tái chế chất thải trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường. “Với chức năng tham gia xây dựng chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về mặt kỹ thuật, môi trường trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải. Đồng thời tăng cường tình pháp chế và thực hiện hiệu lực quản lý của nhà nước trong bảo vệ môi trường. Nhận thức được vai trò và trách nhiệm của các tổ chức công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động đã thường xuyên có văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, các kiến thức về bảo vệ môi trường”, ông Phan Văn Anh cho biết.
Cùng với đó, các cấp công đoàn phát động các phong trào thi đua trong cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đơn cử như phong trào “Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động”; “Phong trào xanh – sạch – đẹp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”…
Để đạt mục tiêu chuyển đổi tăng trưởng xanh và hướng tới mục tiêu Net Zero "Phát thải ròng bằng 0" là trách nhiệm của toàn xã hội. Trong đó, tiên phong của doanh nghiệp trong việc đầu tư và khai thác năng lượng sạch như điện mặt trời, điện gió không chỉ giúp giảm lượng khí thải mà còn tăng tính tự chủ năng lượng và giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Tại “Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường” do Báo Lao động tổ chức, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng cần tăng cường vai trò của tổ chức công đoàn và người lao động trong hoạt động giám sát việc tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường không chỉ là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, mà còn nêu cao, tôn vinh vai trò của lực lượng công nhân, người lao động bảo vệ môi trường, mà còn khẳng định cam kết chung của chúng ta đối với công tác bảo vệ môi trường, góp phần cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
Để đạt mục tiêu giảm phát thải, cần tập trung vào việc kiểm soát chặt chẽ các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch, thân thiện môi trường; áp dụng công nghệ xanh, công nghệ tốt nhất hiện có, công nghệ không phát sinh khí thải gây hiệu ứng nhà kính. “Chất thải không phải là “gánh nặng”, mà chính là một nguồn tài nguyên quý giá nếu chúng ta biết cách khai thác. Để biến chất thải thành tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế của đất nước thì việc làm tiên quyết, cần phải đẩy mạnh công tác phân loại chất thải, xây dựng các nhà máy tái chế hiện đại và khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý rác tiên tiến là những hướng đi cần thiết. Công tác giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của mỗi cá nhân trong việc giảm phát thải cũng cần được đẩy mạnh. Việc truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và người dân về bảo vệ môi trường cần phải triển khai rộng khắp, thường xuyên, lâu dài”, ông Lê Công Thành cho biết.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), công nhân, người lao động là lực lượng sản xuất cơ bản của xã hội, tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, tạo ra của cải vật chất và tinh thần, thúc đẩy sự phát triển của khoa học - công nghệ. Trong công tác bảo vệ môi trường, người lao động có vai trò rất quan trọng trong việc thực thi các biện pháp bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi ô nhiễm môi trường đồng thời là lực lượng chủ chốt thực hiện hoạt động giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường tại nơi sản xuất.
Khánh Linh