Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Còn khoảng cách lớn về giới giữa nhóm dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh
02:47 PM 21/11/2017
(LĐXH)- Khoảng cách giới giữa các nhóm dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh còn lớn và tồn tại dai dẳng trong nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội và phụ nữ dân tộc thiểu số còn là nhóm bị thiệt thòi và dễ bị tổn thương.
Sáng 21/11 tại Hà Nội, Ủy Ban dân tộc (UNDT), Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam và Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã công bố kết quả phân tích số liệu về phụ nữ và nam giới của các dân tộc Việt Nam dựa trên kết quả khảo sát quốc gia năm 2015 về tình hình kinh tế xã hội của 53 dân tộc tại Việt Nam thông qua lăng kính giới.
Các đại biểu tham gia buổi công bố
Cho đến nay, điều tra kinh tế- xã hội 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam năm 2015 là khảo sát lớn nhất của quốc gia về các nhóm dân tộc thiểu số do Tổng cục Thống kê thực hiện. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) chiếm gần ba phần tư diện tích tự nhiên của cả nước, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và là địa bàn cư trú chủ yếu của 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với 13,38 triệu người, chiếm 14,52% dân số cả nước.
Tuy nhiên, vùng DTTS&MN vẫn là vùng khó khăn nhất, địa hình hiểm trở, chia cắt phức tạp, thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, tỷ lệ đói nghèo cao hơn nhiều lần so với bình quân chung cả nước. Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển vùng DTTS&MN trên nhiều lĩnh vực và địa bàn, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng xu thế phát triển và việc thực hiện chính sách còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế.
Kết quả phân tích số liệu từ cuộc kết quả khảo sát quốc gia năm 2015 về tình hình kinh tế - xã hội của 53 dân tộc tại Việt Nam cho thấy, khoảng cách giới trong các nhóm DTTS và giữa các nhóm DTTS với dân tộc Kinh còn lớn và tồn tại dai dẳng trong nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội và phụ nữ DTTS còn là nhóm bị thiệt thòi và dễ bị tổn thương.
Các nhóm DTTS bị bất lợi so với nhóm dân đa số về giáo dục và việc làm, khả năng chuyển đổi nơi ở, chỗ làm, tiếp cận các dịch vụ tài chính, các nguồn lực sản xuất như đất đai, tiếp cận thị trường do bị gắn với khuôn mẫu cũng như các rào cản văn hóa khác. Tuy nhiên, trong thực tế, các vấn đề giới trong vùng dân tộc thiểu số chưa được phân tích một cách hệ thống, điều này gây cản trở cho việc xây dựng, thực hiện, giám sát các chính sách, chương trình phát triển vùng DTTS&MN một cách bền vững, đáp ứng được như cầu phát triển thực sự của phụ nữ và nam giới các dân tộc Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Elisa Fernandez, Trưởng văn phòng UN Women Việt Nam cho biết: “Việc lồng ghép phát triển dân tộc thiểu số trong hoạch định chiến lược quốc gia không thể thực hiện nếu không có sự hiểu biết rõ ràng về các vấn đề giới ở các vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Đáp ứng được các nhu cầu giới phải được xem là một phần quan trọng của chính sách dân tộc. Để làm được điều này, các cơ quan Chính phủ, bao gồm Uỷ ban Dân tộc, cần tăng cường các nguồn lực và thông qua mục tiêu cụ thể có trách nhiệm giới, thiết kế các giải pháp và hành động sáng tạo; xây dựng một hệ thống số liệu phân tách giới tính theo nhóm tuổi và dân tộc nhằm xác định nhu cầu và tình trạng kinh tế xã hội của phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số hiệu quả hơn”./.
PV
TAG:
Tin khác
Dữ liệu giám sát hành trình ôtô sẽ do Cục CSGT quản lý
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng gặp mặt cán bộ hưu trí phía Nam mừng Xuân Ất Tỵ
Hội đồng hương Nghệ An tại TP.HCM trao 500 triệu đồng ủng hộ người nghèo tỉnh Nghệ An đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Công viên 3.500 tỷ đồng tại Hà Nội thành hình
Năm 2024: Cục Bảo trợ xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
Herbalife Việt Nam tài trợ Chương trình “Chào Năm Mới 2025” tại Hà Nội để khuyến khích lối sống năng động lành mạnh
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả