Văn hóa
Trang chủ / Văn hóa - Thể thao / Văn hóa
Có một ngôi trường bên chân sóng Tam Giang…
10:32 AM 13/08/2021
(LĐXH) – 45 năm hình thành và phát triển, trường PTTH Tam Giang (Thừa Thiên Huế) nằm giản dị hiền hòa bên chân sóng nơi vùng đầm phá đã từng hun đúc bao ước mơ và sản sinh nhiều tài kiệt. Vượt qua gian nan thử thách, ngôi trường nhỏ với những hoài bão lớn vẫn tồn tại một niềm tin vững chắc rằng sẽ tiếp tục truyền cảm hứng, dệt ước mơ và kiến thức đến các thế hệ trong tương lai…
         Mùa thu đầu tiên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, một việc rất quan trọng mà chính quyền cách mạng đặc biệt quan tâm bên cạnh việc ổn định cuộc sống sau chiến tranh, đó là mở lại trường học để bắt đầu một nền giáo dục mới cho nhân dân.
         Vùng đất Ngũ Điền vốn dĩ có truyền thống hiếu học, việc mở lại trường học các cấp, đặc biệt là cấp phổ thông trung học là một vấn đề có ý nghĩa lớn lao, bởi trước giải phóng, chỉ những ai có điều kiện mới lên thành phố Huế để tiếp tục theo đuổi bậc Trung học đệ nhị cấp (tương ứng bậc Phổ thông trung học bây giờ). Trên nền đất đồn trú của quân đội chính quyền cũ đã hình thành những lớp học mới, dù còn đơn sơ, tạm bợ nhưng đã là nơi quy tụ những đứa con hiếu học của dải đất cát ven biển để bắt đầu cho một nền học vấn tiến bộ, mở ra lịch sử của mái trường bên chân sóng Tam Giang. 
 
Hội đồng sư phạm trường THPT Tam Giang, Ảnh: BH
           Buổi đơn sơ ban đầu, trường gồm một số lớp ghép cấp 2-3, sau đó các lớp cấp 2 được tách ra, trường mang tên trường cấp 3 Phong Điền. Điều đáng nói là cả huyện lúc ấy chỉ có một trường cấp 3, đóng trên địa bàn xã Điền Hải, gánh trọng trách nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài không chỉ cho huyện Phong Điền mà còn cho cả các xã Quảng Ngạn, Quảng Công thuộc Quảng Điền và xã Hải Dương thuộc Hương Trà. Sau khi huyện Hương Điền được thành lập, Trường cấp 3 Phong Điền được đổi tên thành trường Phổ thông trung học số 3 Hương Điền (cùng với trường số 1 ở Hương Trà và số 2 ở Quảng Điền). Những năm chín mươi của thế kỷ 20, số lượng học sinh của trường giảm sút, để duy trì trường lớp, tạo điều kiện cho việc học tập của con em trên địa bàn, ngành giáo dục tỉnh chủ trương cho ghép các lớp cấp 2 của xã Điền Hải với các lớp cấp 3 để trở thành mô hình trường cấp 2-3 với tên gọi trường Phổ thông cấp 2-3 Tam Giang. Năm học 1999-2000, do số lượng học sinh bậc Phổ thông trung học tăng nhanh, trường được phép tách bộ phận cấp 2 ra khỏi cấp 3 để thành lập trường Trung học phổ thông Tam Giang và chuyển đến địa điểm mới trên trục đường Quốc lộ 49B, thuộc địa phận thôn 2 xã Điền Hải, huyện Phong Điền.
          Sau 45 năm trải qua nhiều lần đổi tên và vị trí, mỗi bước đi của ngôi trường đều có những dấu ấn của thăng trầm và thử thách. Đến nay, các thế hệ học trò khi đứng trước một cơ ngơi khang trang, hiện đại đã không khỏi bồi hồi khi nhớ đến những ngày đầu mới thành lập, hình ảnh một ngôi trường nghèo nàn, xuống cấp cùng thế hệ giáo viên còn nhiều thiếu thốn và bí bách, một phản ánh rõ nét và chân thực nhất những khốn khó của lịch sử xã hội những năm sau giải phóng, khi mà cả đất nước chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế. May mắn thay, sau hơn 35 năm đổi mới, ngôi trường giờ đây đã thay đổi vượt bậc, khoác lên một diện mạo mới với diện tích đất gần 20.000 m2, 20 phòng học, các khối phòng phục vụ dạy và học gồm khu hiệu bộ và khu chức năng được thiết kế liên hoàn, trang bị hiện đại, đồng bộ, tin học hóa và điện tử hóa đang trở thành một xu hướng tích cực nơi ngôi trường này. Khu nhà tập thể giáo viên xập xệ năm nào đã được thay bằng những dãy nhà công vụ khang trang, làm ấm lòng những thầy cô giáo phương xa về đây dạy chữ - dạy người. 
Hình ảnh trường những năm còn tên cũ: Trường cấp III Hương Điền
          Với sứ mệnh lịch sử giàu truyền thống của mình, linh hồn của ngôi trường 45 năm tuổi ấy là những thầy cô giáo của bốn thế hệ tiếp nối nhau. Trải qua bốn thế hệ Hiệu trưởng: Thầy giáo Hồ Viết Ảm (1976-1989), thầy giáo Nguyễn Hối (1989-2006), thầy giáo Văn Công Bình (2006-2010), thầy giáo Hoàng Đức Diễn (2010-nay). Người đi trước là thầy của người đi sau (hiểu theo mọi nghĩa của từ thầy), như cha con trao truyền tầm nhìn và sứ mạng hướng về phía trước trong quá trình hình thành và phát triển. Đồng hành với lãnh đạo nhà trường là các thế hệ giáo viên, tựu về từ nhiều vùng miền khác nhau của tổ quốc, họ đến với ngôi trường bằng chính tâm sáng, trí lành, bền bỉ sống và bền bỉ sáng tạo, không một ai nản chí, ngã lòng. Cho đến hôm nay, thế hệ giáo viên đương nhiệm, vẫn có người đến từ các vùng miền của đất nước, cùng nối vòng tay lớn, vượt qua thử thách không kém phần khắc nghiệt của thời buổi kinh tế thị trường với bao hệ lụy của nó, để bình tĩnh sống, bình tĩnh sáng tạo, lai dắt con tàu tri thức tiếp tục băng mình ra biển rộng. Nhiều người đến rồi ở lại với quê hương và mái trường trong sự bén duyên đất lành chim đậu; có những người đến rồi đi nhưng mang theo bên mình hành trang là niềm hạnh phúc đã được đơm hoa kết trái trên mảnh đất tình người này; cũng có người đã vĩnh viễn nằm xuống, im lặng nghe từ lòng đất những hoa thơm quả ngọt mà tay mình đã một thời vun xới, bẵm chăm… 
Kỷ niệm 40 năm thành lập trường – Ảnh: BH
          Truyền thống của nhà trường cơ bản là con nhà nghèo hiếu học, từ trước đến sau, thời nào cũng có nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp bình quân đạt trên 95%, nhiều học sinh đỗ đạt cao, trở thành những nhà khoa học, nhà quản lý tài năng, đức độ, tiêu biểu như GS.TS Cao Ngọc Thành – Nhà giáo nhân dân, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Y dược Huế; Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hối, nguyên Hiệu trưởng nhà trường, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Đăng Huy Trứ, Hương Trà… Đây còn là chiếc nôi đào tạo nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, doanh nhân, nhà thơ, nhà văn…Đặc biệt, dù đi bất cứ nơi đâu, dù làm bất cứ việc gì, những thế hệ học sinh trưởng thành từ mái trường ven phá này cũng tâm niệm và đau đáu hướng về cái vườn ươm nhân tài thời áo trắng của mình. Rất nhiều học sinh sau đó đã trở lại với trường, trở thành thế hệ giáo viên chủ chốt, tiếp nối sự nghiệp của thầy cô đi trước để dựng xây ngôi trường ngày càng khang trang hơn, to đẹp hơn. 
Giáo sư Cao Huy Thuần về thăm và nói chuyện với học sinh trường Tam Giang
          Trưởng thành từ ngôi trường giản đơn, sau 45 năm, trường đã hoàn toàn lột xác với trường lớp xanh sạch đẹp, khang trang, hiện đại, đạt chuẩn quốc gia, đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, đạt nhiều danh hiệu thi đua từ huyện, tỉnh đến chính phủ. Con đường phát triển đi lên không phải lúc nào cũng bằng phẳng, có lúc khó khăn tưởng như không thể tồn tại do phải dời đi nơi khác có điều kiện hơn. Những lúc như thế này mới thấy lòng dân nơi đây khát khao với việc học thế nào. Đến nay, ngôi trường vẫn vững chãi đứng chân trên quê hương hiếu học, thành quả của bốn mươi năm phấn đấu không ngừng.
          Thời gian trôi như một chuyến tốc hành vẫn băng mình phía trước. Ngày ngày, những ngọn sóng vẫn ngân vọng từ khơi xa, vẫn nồng đậm mùi vị tôm cá phá Tam Giang và hương lúa thơm từ cánh đồng quê hương thoảng về theo những cơn gió nồm nam nuôi dưỡng hồn người. Ngôi trường bốn mùa xanh tươi, bình yên đứng giữa bao la đất trời, bao la lòng người; cũng chưa hết những khó khăn, thử thách, nhưng những gì có được trong những năm qua cho các thế thệ thầy cô và học sinh một niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng của mái trường bên chân sóng Tam Giang.
 Hoàng Đức Diễn
                       
TAG:
Tin khác
NSƯT Hồng Liên, Hồ Quỳnh Hương lan toả tinh thần Phật giáo tại đêm nhạc “Sáng Đạo Trong Đời”
Chính thức khai mạc Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2024 tại Hà Nội
Tuần lễ chiếu phim hoạt hình Việt - Pháp miễn phí
Tiếp tục vun đắp truyền thống đoàn kết, giữ vững danh hiệu ấp văn hóa
BIM Group IRONMAN 70.3 Phú Quốc 2024: Sự kiện đẳng cấp cho các vận động viên và cộng đồng tại Việt Nam
Giao lưu văn hóa, du lịch Việt – Trung: Nhịp cầu kết nối nhân dân hai nước
Triển lãm Hương Vị Italia: Cầu nối văn hóa ẩm thực Ý – Việt
Thạc sĩ Vũ Hồng Yến lan toả ý nghĩa sự phát triển Yoga toàn diện tại Ấn Độ
Long An tổ chức Tuần Văn hóa – Thể thao - Du lịch lần 2 năm 2024