An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Cơ hội thoát nghèo của bà con các dân tộc Lai Châu từ xuất khẩu lao động
10:27 AM 30/08/2023
(LĐXH)- Thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, công tác xuất khẩu lao động ở tỉnh Lai Châu đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân trong công tác tham gia xuất khẩu lao động từng bước được nâng lên.
Thông tin từ UBND tỉnh Lai Châu cho thấy, giai đoạn 2017 - 2022, toàn tỉnh đã đưa được 673 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, tăng 45,36% so với giai đoạn 2011 - 2016.
Thông qua công tác xuất khẩu lao động đã góp phần giúp tỉnh giảm sức ép về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động; đồng thời tăng thu ngoại tệ cho địa phương. Trung bình mỗi năm lượng kiều hối mà người lao động gửi về trên 30 tỷ đồng. Qua đó, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu tổ chức hội nghị tư vấn về XKLĐ cho người dân địa phương
Phần lớn lao động địa phương được các thị trường tiếp nhận đánh giá là có tố chất cần cù, thông minh, khéo tay, nắm bắt công việc nhanh, ham học hỏi, năng động, sáng tạo, làm việc năng suất, chất lượng, tích cực quảng bá bản sắc văn hóa, hình ảnh con người Lai Châu nói riêng và đất nước nói chung đến bạn bè quốc tế.
Tỉnh Lai Châu có lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chất lượng nguồn lao động trong những năm qua không ngừng được cải thiện nâng cao. Trung bình mỗi năm tỉnh có gần 8.000 người bước vào độ tuổi lao động, đây là lợi thế lớn về nguồn lực lao động phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Năm 2022, dân số trung bình toàn tỉnh là 477.465 người. Tổng số người trong độ tuổi lao động là 304.194 người, trong đó lao động từ 18 - 40 tuổi là 187.079 người, chiếm 61,5% tổng số người trong độ tuổi lao động.
Lực lượng lao động đang tham gia hoạt động kinh tế chiếm khoảng 92,9% trong tổng số người trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật đạt 53,48%. Cơ cấu lao động trong các ngành lần lượt là: Nông - lâm nghiệp là 67,02%; Công nghiệp - Xây dựng là 12,79%; Dịch vụ là 20,19%...
Lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh, để công tác xuất khẩu lao động thời gian tới hiệu quả hơn, thực sự là cơ hội làm giàu, các cấp, ngành, địa phương cần có sự quyết tâm thay đổi cuộc sống của người lao động; tăng cường mở rộng thị trường lao động, số lượng lao động; kết nối mở rộng thêm các thị trường mới có việc làm ổn định, thu nhập cao phù hợp.
Cùng với đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở. Phải xem công tác xuất khẩu lao động là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành và nhân dân; ưu tiên các đơn hàng đi xuất khẩu lao động tại các thị trường có thu nhập cao, tình hình an ninh - chính trị ổn định; lựa chọn các công ty, doanh nghiệp cung ứng lao động uy tín, trách nhiệm.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành lập đường dây nóng, trên trang web, zalo xuất khẩu lao động phải cập nhật thường xuyên các thông tin về xuất khẩu lao động, các hướng dẫn cho người lao động.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nhân cao nhận thức về xuất khẩu lao động
Lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, người dân tại các huyện, thành phố về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xuất khẩu lao động. Lai Châu phấn đấu trong năm 2023, mỗi xã phải có từ 5 lao động trở lên tham gia, sẵn sàng đi xuất khẩu lao động.
Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh đã tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực công tác xuất khẩu lao động và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 cho các huyện.
Theo đó, tháng 7 vừa qua, Sở đã tổ chức tập huấn cho hơn 100 người, là cán bộ chuyên môn phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện, cán bộ xã phụ trách lĩnh vực văn hóa xã hội; trưởng, phó bản và cán bộ đoàn thanh niên bản của 7 xã, thị trấn của huyệnTam Đường.
Trong 2 ngày, các đại biểu được tiếp thu các nội dung: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Thông tư của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Thông tư của Bộ Tài chính quy định về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Giới thiệu về đơn hàng, tiêu chuẩn tuyển chọn, thời gian làm việc, mức thu nhập của từng đơn hàng tuyển lao động; một số chính sách khác về công tác lao động, việc làm. Các Thông tư hướng dẫn của Bộ về việc hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Thông qua tập huấn, giúp cho đội ngũ cán bộ cơ sở hiểu đúng và đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài; các chương trình, dự án dự án, tiểu dự án thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia, từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu và tiếp cận chính sách xuất khẩu lao động, các nguồn hỗ trợ của nhà nước để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững./.
TAG:
Tin khác
Vĩnh Long: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu