Chuyện về người thương binh Thủ đô làm kinh tế giỏi, hết mình vì cộng đồng
(LĐXH)-Trải qua cuộc chiến chống Mỹ cứu nước khốc liệt, thương binh Nguyễn Hồng Phong (thôn Phù Yên, xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) mang trong mình vết thương chiến tranh, nhưng bản lĩnh người lính cụ Hồ luôn nhắc và thôi thúc ông sống gương mẫu ở địa phương, làm trụ cột xây dựng gia đình phát triển kinh tế, hòa thuận ấm êm, giúp đỡ lao động địa phương có việc làm, ổn định cuộc sống.
Tìm đến thôn Phù Yên, xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) hỏi thăm nhà thương binh Nguyễn Hồng Phong không ai là không biết. Người dân nơi đây vẫn thường gọi ông là “Thương làm kinh tế giỏi”. Ông Nguyễn Hồng Phong là một thương binh, tuy vậy ông vẫn luôn lạc quan, nỗ lực vượt khó, tích cực lao động sản xuất kinh doanh hiệu quả, không những đảm bảo cuộc sống gia đình, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế địa phương.
Sinh năm 1954 ở một làng quê nghèo huyện ngoại thành Hà Nội, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng trai trẻ Nguyễn Hồng Phong hăng hái xung phong lên đường tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm ấy là năm 1971, anh lính Nguyễn Hồng Phong nhập ngũ tại đơn vị Trung đoàn E12 của tỉnh Hà Tây (cũ) rồi được điều động vào chiến trường Quân khu 5 và trực tiếp tham gia chiến đấu vào năm 1974.
Trong những lần làm nhiệm vụ chiến đấu với Mỹ ngụy, ông Phong và đồng đội từng nhiều lần cận kề với hiểm nguy, vào sinh ra tử. Nhưng rồi, may mắn hơn nhiều đồng đội phải nằm lại chiến trường, ông chỉ bị thương và được đơn vị chuyển đi chữa trị tại Viện C17 của Quân khu 5.
Sau thời gian điều trị vết thương, tháng 10/1975, ông Phong được đơn vị cho xuất ngũ. Chiến tranh đã làm cho sức khỏe ông suy yếu, để lại những vết thương nặng trên cơ thể, đặc biệt là mắt bị mờ. Với thương tật như vậy, ông được xác nhận là thương binh hạng ¼.
Trong chiến tranh cũng như trong thời bình, ông luôn đóng góp hết sức mình cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.
Nghỉ công tác, thương binh Nguyễn Hồng Phong tập trung vào phát triển kinh tế gia đình. Ông Phong cho biết, lập gia đình trong hoàn cảnh đất nước sau chiến tranh, vì vậy, cũng như nhiều hoàn cảnh hàng xóm ở thôn quê, kinh tế gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn, lại thêm thương tật trên cơ thể thường xuyên tái phát, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, lao động và sinh hoạt thường ngày.
Bằng đôi bàn tay và ý chí và quyết tâm vươn lên trong phát triển kinh tế, năm 2004, dùng số tiền ít ỏi của 2 vợ chồng tiết kiệm được, ông đã bàn với vợ thành lập xưởng may. Khi bắt tay vào công việc mới, ông còn nhiều bỡ ngỡ và khó khăn. Không quản ngại khó khăn, ông đã tìm đến những gia đình tại địa phương đã thành công trong nghề may trong thôn, trong xã của ông, thậm chí nghe có ai giới thiệu ở xã khác có mô hình làm tốt, làm hay là ông cũng đích thân sang nhờ cậy họ giúp đỡ. Cứ nhiều lần như thế, ông đã trang bị cho mình được rất nhiều kiến thức chuyên môn, kỹ thuật về may mặc cũng như cách điều hành, quản lý nguyên liệu, mặt hàng, vốn liếng.
Với sự cần cù, chịu khó và năng động, thương binh Nguyễn Hồng Phong đã từng bước gây dựng được xưởng may của mình thành một cơ sở uy tín. Đến nay, mặt hàng đồng phục của các học sinh trên địa bàn huyện Mỹ Đức đều do cơ sở ông sản xuất.
Cơ sở may của ông Phong hiện nay có 7 lao động chuyên may đồng phục phục vụ cho học sinh huyện Mỹ Đức. Những người thợ may được ông rèn rũa, đào tạo cẩn thận từng chút một nên tay nghề rất tốt, đồng phục được may với chất lượng đảm bảo, đường kim, mũi chỉ sắc nét, chắc chắn. Chính vì vậy, xưởng may của ông luôn luôn nhận được nhiều đơn đặt hàng, từ đó người lao động cũng có việc làm ổn định với mức thu nhập khoảng 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Làm ăn uy tín và phát triển, cơ sở của ông còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Đó là, ông tạo điều kiện cho lao động địa phương nhận khoán sản phẩm mang hàng về nhà với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Trong quá trình sản xuất kinh doanh, ông Phong còn mở và đào tạo nhiều lớp dạy nghề may miễn phí cho còn em thương binh, bệnh binh và người khuyết tật. Từ khi thành lập xưởng may đến nay, cơ sở may của ông Phong đã đào tạo nghề may cho 200 lao động địa phương là người khuyết tật, con em của thương - bệnh binh. Đa số các học viên sau khi học nghề đã thành thạo và tham gia làm việc ở các công ty may với mức thu nhập ổn định. Nhiều học viên có vốn đã mở được cửa hàng may riêng.
Chị Hạ Thị Hồng Hạnh - thôn Phù Yên, xã Phúc Lâm cho biết: "Thương binh Nguyễn Hồng Phong là một người giàu lòng nhân ái. Năm 2010, ông Phong đã giúp đỡ tôi bằng cách dạy nghề may miễn phí cho tôi rồi nhận tôi vào làm. Và đến nay, không còn gì tốt hơn là ông Phong đã trang bị cho tôi một chiếc máy may để có thể mang hàng về làm ở nhà.
Nhờ sự giúp đỡ dạy nghề miễn phí của ông Phong mà những lao động nông thôn như chúng tôi đã không bị thất nghiệp. Nhiều lao động trẻ khéo léo, nhanh nhẹn có thể còn đạt mức lương tới 7-8 triệu đồng/tháng".
Không chỉ năng động trong lao động sản xuất, gia đình thương binh ông Nguyễn Hồng Phong còn thường xuyên giúp đỡ bà con trong làm ăn kinh tế cũng như vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Ngoài việc bản thân gương mẫu thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, thương binh Nguyễn Hồng Phong còn tích cực tuyên truyền trong hội viên chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương và khu dân cư.
Nghị lực vượt khó vươn lên của ông là tấm gương sáng thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thương binh tàn nhưng không phế”./.
Mỹ Anh