Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Chuyện về người thương binh làm giàu từ ao cá
02:03 PM 14/11/2023
(LĐXH)- Là thương binh nặng hạng 4/4, lại mang trong mình chất độc mầu da cam/dioxin, nhưng ông Nguyễn Tiến Được, bản Tà Niết, xã Chiềng Hắc (huyện Mộc Châu-tỉnh Sơn La) được biết đến như một tấm gương sáng trong lao động sản xuất, biết làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Ông cũng là một trong những cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Mộc Châu.
Sinh ra ở miền quê nghèo huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội), nghe theo tiếng gọi tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”, người thanh niên Nguyễn Tiến Được đã  xung phong lên đường nhập ngũ và chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. 
Năm 1972, sau lần bị thương nặng, ông Nguyễn Tiến Được đã xuất ngũ và về quê  xây dựng gia đình. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, lại thêm vết thương cũ thường xuyên tái phát, đau nhức lúc trái gió trở trời, đã có lúc ông thấy chán nản và muốn từ bỏ tất cả.
Song những lúc như thế, ông luôn tâm niệm, trong chiến đấu người chiến sĩ không khuất phục trước kẻ thù thì về địa phương cũng không thể nhìn cảnh vợ con nheo nhóc, cái đói cái nghèo đeo bám được. Người lính trên trận mạc, kiên gan trên mặt trận chống quân thù bao nhiêu thì càng phải anh dũng trong cuộc chiến chống lại đói nghèo, lạc hậu bấy nhiêu.
Noi gương ông Nguyễn Tiến Được, nhiều hộ dân ở bản Tà Niết phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho năng suất cao (ảnh Tư liệu)
Với ý chí quyết tâm của người lính “cụ Hồ” như thế, ông xác định mình là trụ cột gia đình, không thể để vợ con đói khổ mãi được. Do đó, năm 1988, ông quyết định đưa vợ con cùng với 19 gia đình khác ở huyện Thường Tín lên Tây Bắc xây dựng kinh tế mới và gắn bó với bản Tà Niết, huyện Mộc Châu từ đó tới nay.
Xóm mới Tà Niết trước kia điều kiện sống vô cùng khó khăn, đi lại xa xôi, “rừng thiêng nước độc”, thiếu thốn trăm bề. Những hộ gia đình mới chuyển đến như ông đều không phải dân gốc bản địa, còn “lạ nước lạ cái”, con còn bé, sống xa quê nên phải tự mình làm chủ vươn lên. Bắt đầu cuộc sống mới nơi “đất khách, quê người” gia đình ông cũng gặp vô vàn khó khăn, vất vả; sản xuất chỉ độc canh cây ngô, cây lúa. Thời tiết thuận hoà thì đủ ăn, khi nắng hạn, mưa lũ cả gia đình luôn phải đối mặt với khó khăn, túng thiếu.
Để tháo gỡ khó khăn, từng bước thoát nghèo, thương binh Nguyễn Tiến Được nhận thấy không thể quẩn quanh với cây ngô, cây lúa được mà phát có sự bứt phá. Do đó, ông đã cùng vợ con cải tạo 2.500m2 ruộng của gia đình để làm ao thả cá. Ông chia diện tích làm 3 ngăn vừa để nuôi cá giống bán cho bà con trong vùng, vừa nuôi cá thương phẩm cung cấp cho thị trường. Với cách làm này mỗi năm gia đình ông thu hoạch 1,5 tấn cá, trừ chi phí đầu tư cho thu trên 50 triệu đồng.
Không chỉ là người đầu tiên đưa nuôi cá vào địa phương, ông Được còn là người đầu tiên đưa nghề trồng rau xanh lên phát triển ở đây. Nhận thấy điều kiện đất đai khí hậu thuận lợi, nhu cầu về rau xanh của huyện Mộc Châu lại rất cao, trong khi đó nguồn cung chủ yếu là từ dưới xuôi. Sẵn trong tay có nghề trồng rau của người nông dân ngoại thành Hà Nội, ông đã mạnh dạn mua các loại giống rau lên trồng thử nghiệm.
Đất không phụ công người, nhiều loại rau xanh ông trồng cho năng suất cao và được thị trường chấp nhận. Việc trồng rau ngày càng thuận lợi, ông đã tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau xanh lên 3.500m2. Nguồn thu từ rau xanh đã mang về cho gia đình ông cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, ông còn hỗ trợ, phổ biến kiến thức và kinh nghiệm cho bà con trong bản cùng làm theo. Đến nay toàn bản Tà Niết có trên 70 hộ gia đình trồng rau mầu với diện tích trên 35ha. Sản phẩm rau của các hộ trong bản  hiện nay không chỉ cung cấp rau sạch cho thị trường 2 huyện Mộc Châu và Yên Châu mà còn cung cấp cho nhiều siêu thị tại Hà Nội. Trồng rau sạch trở thành nghề làm giầu cho gia đình thương binh Nguyễn Tiến Được cũng như người dân bản Tà Niết.
Không chỉ năng động phát triển kinh tế gia đình, thương binh Nguyễn Tiến Được còn luôn nhiệt tình, trách nhiệm với công việc của thôn xóm, địa phương, đặc biệt ông luôn hết lòng giúp đỡ anh em đồng đội tìm hướng thoát nghèo. Hơn 30 năm vượt lên trên thương tật với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, ở tuổi 68, người thương binh Nguyễn Tiến Được đã trở thành một trong những hội viên cựu chiến binh sản xuất kinh giỏi cấp huyện, một tấm gương điển hình và vô cùng thân thiết với bà con bản Tà Niết, xã Chiềng Hắc.
Giờ đây, người thương binh nhiễm chất độc da cam Nguyễn Tiến Được đã coi Tà Niết như quê hương thứ hai của mình. Những người con của ông bà đã phương trưởng, có kinh tế ổn định. Ông bà luôn răn dạy con cháu sống sao cho xứng đáng với những gì thế hệ cha anh đã cống hiến cho Tổ quốc. Nghị lực vượt khó vươn lên của ông là tấm gương sáng trong thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Thương binh tàn nhưng không phế”./.
Hà Anh
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương