Chuyện về một nghệ nhân, thương binh làm kinh tế giỏi ở Xuân Trường
(LĐXH)- Mặc dù vẫn mang thương tật sau những năm tháng chiến đấu kiên cường bảo vệ Tổ quốc, thương binh Phan Trọng Điền ở xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, Nam Định vẫn phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nỗ lực phấn đấu trở thành tấm gương sáng trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương.
Tâm sự với chúng tôi, ông Phan Trọng Điền nhớ lại: Sau 3 năm làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào, ông bị thương với tỷ lệ thương tật 4/4. Cuối năm 1987, ông xuất ngũ trở về quê hương.
Khi về quê, ông làm việc tại Công ty Cổ phần Bia ong Xuân Thủy, huyện Xuân Trường. Trong thời gian làm việc ở đây, ông tìm hiểu quá trình sử dụng sáp ong tạo hoa văn trên các sản phẩm đồ đồng. Càng tìm hiểu càng đam mê, đến năm 1990, ông quyết định bỏ việc để mở lò đúc đồng tại gia đình.
Sinh ra trong gia đình có nghề đúc đồng truyền thống, lại ham học hỏi nên ông Điền sớm nắm vững những kỹ thuật đơn giản như sản xuất đồ gia dụng: mâm, bát, xoong, nồi… Sau quá trình học hỏi và đúc rút kinh nghiệm, ông đã dần phát triển lên đúc đỉnh, lư, hạc, chuông, tượng và đồ thờ các loại.
Theo ông Điền, thời gian đầu ông mới “khởi nghiệp”, làm nghề đúc đồng vô cùng khó khăn. Làm ra sản phẩm đã khó, việc tiêu thụ sản phẩm còn khó gấp nhiều lần. Ông phải mang sản phẩm của gia đình đi các địa phương như Thanh Hóa, Hải Phòng, Bắc Ninh, gõ cửa từng đền, điện, chùa giới thiệu.
Trong quá trình gây dựng hoạt động sản xuất kinh doanh, ông vừa tìm kiếm bạn hàng, vừa nghiên cứu, học hỏi các kỹ thuật chế tác, hoa văn cổ để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Nhờ đó, sản phẩm của gia đình ông dần tìm được đầu mối tiêu thụ ổn định. Nhiều cơ sở kinh doanh mặt hàng đồng đã tìm về đặt hàng.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của gia đình ngày một khởi sắc, năm 2010, ông thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đúc đồng Nam Thiên với diện tích nhà xưởng trên 2.000m2. Sản phẩm chủ yếu là chuông, tượng, tranh đồng, đồ thờ các loại. Với việc đi theo hướng đúc đồng truyền thống, các họa tiết được chế tác tinh xảo, tỉ mỉ, sản phẩm đồng của công ty ông được khách hàng đánh giá cao.
Ông Điền được biết đến là một nghệ nhân đúc đồng “khó tính” bởi với ông, mỗi một sản phẩm đúc ra là một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng bao công sức, tâm huyết của người làm. Sản phẩm nào ra đời ông cũng phải cân nhắc kỹ càng, hoàn thiện chỉn chu và không bị lỗi. Ngoài những chiếc chuông, khánh và những sản phẩm đồ thờ, xưởng đúc của gia đình ông Điền còn đúc tượng các vị anh hùng dân tộc, các công trình lớn. Để đúc được những bức tượng có “hồn”, ông còn cẩn thận tìm hiểu về quê hương, gia đình, những câu chuyện về nhân vật để tạo “hồn” cho nhân vật.
Bên cạnh sản xuất các sản phẩm đồng, công ty của ông còn tham gia phục dựng, tu sửa các công trình tiêu biểu như công trình đúc đồng chùa Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh), đền Quốc Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ), tượng Bác Hồ, đại hồng chung, trống Đại Pháp cổ... tại đền Chung Sơn thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An)…
Nhiều năm gần đây, công nghệ dát vàng, mạ vàng được ưa chuộng, nhiều khách hàng muốn đồ đồng được dát vàng, ông Điền lại tiếp tục học hỏi để bắt kịp nhu cầu thị trường. Ông luôn tâm niệm, phải giữ nghề cha ông, đưa các sản phẩm đồ đồng gia truyền tinh xảo, đặc sắc đến nhiều khách hàng hơn nữa.
Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, đến nay, Công ty đúc đồng Nam Thiên là địa chỉ được nhiều đơn vị đặt hàng và tin tưởng được lựa chọn thực hiện tu bổ và phục dựng các công trình văn hóa di tích lịch sử đền, chùa… Công ty TNHH một thành viên Đúc đồng Nam Thiên do doanh nhân, nghệ nhân, thương binh Phan Trọng Điền là giám đốc đã thi công thành công nhiều công trình tiêu biểu như: tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông ở Am Ngọa Vân tại Chùa Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh; tượng đồng Bác Hồ, chuông đồng… ở nhà thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An… Ngoài việc phát triển công ty, ông còn thường xuyên quan tâm đào tạo truyền nghề cho thế hệ trẻ. Với doanh thu khoảng 10 tỷ đồng/năm, Công ty của ông Điền đang tạo việc làm cho khoảng 60 lao động với thu nhập từ 5-10 triệu đồng/người/tháng.
Song song với việc phát triển kinh tế gia đình, cựu chiến binh Phan Trọng Điền còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, đóng góp xây dựng quê hương như: tu sửa Nghĩa trang Liệt sỹ, ủng hộ Quỹ Khuyến học, Quỹ Vì người nghèo, vận động hội viên cựu chiến binh ủng hộ sửa chữa nhà cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài xã.
Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Nam Định Bùi Văn Tuất đánh giá ông Phan Trọng Điền là một trong những cựu chiến binh, thương binh tiêu biểu của địa phương trong phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ trong thời bình.
Không chỉ khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu mà các cựu chiến binh, thương binh như ông Điền còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, có nhiều đóng góp thiết thực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, khuyến học khuyến tài, an sinh xã hội ở địa phương./.
Thảo Lan