Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Chuyện về các bà mẹ Việt Nam anh hùng
09:38 AM 22/07/2022
(LĐXH) - Chiến tranh đã lùi xa hơn 4 thập kỷ, xong vết thương chiến tranh còn dai dẳng, đọng lại, nhất là với gia đình người có công (NCC) như mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), thương, bệnh binh…

Đại tá Bùi Văn Sỹ, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai tặng quà của Bộ Quốc phòng và Bộ CHQS tỉnh, tri ân mẹ VNAH Nguyễn Thị Mao, xã Tây Hòa H.Trảng Bom

Mỗi bà mẹ VNAH là một hoặc nhiều câu chuyện kể xúc động về người chồng và những đứa con yêu. Từng câu chuyện đó, nếu được chọn lại, các mẹ vẫn nén nước mắt động viên dâng hiến chồng và những người con yêu dấu cho sự nghiệp giải phóng quê hương, cho sự trường sinh của dân tộc. 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (TBLS), chúng tôi có dịp được tiếp xúc, nghe về những câu chuyện như thế!

Tự tay lập ban thờ con

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Mao, năm nay đã 98 tuổi (ngụ xã Tây Hòa) nhưng khi nhắc về người chồng liệt sĩ Phạm Văn Nên và cô con gái yêu liệt sĩ Phạm Thị Mỹ, mẹ vẫn nhớ như sự kiện vừa mới xảy ra. Mẹ kể, quê mẹ ở Trảng Bàng (Tây Ninh), một trong những vùng đất bị cày xới tan hoang bởi chiến tranh, bom đạn kẻ thù. Những năm cuối 60 đầu 70 của thế kỷ XX, nghe theo tiếng gọi quê hương, người con gái yêu dấu Phạm Thị Mỹ của mẹ mới 17 tuổi đã xung phong vào du kích địa phương để có cơ hội tham gia chiến trường tìm cha.

Chồng của mẹ là Phạm Văn Nên tham gia kháng chiến ngay khi đế quốc Mỹ lập chốt, chặn làng với chính sách thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam. Mãi không thấy chồng về, mẹ chỉ nghe đồn đoán là ông đã bị kẻ thù giết hại cho tới tận cuối năm 1967, giấy báo tử của ông nhà mới về với mẹ. Nén nỗi đau, mẹ tự tay lập ban thờ để thờ chồng. Người con gái Phạm Thị Mỹ cứ nằng nặc đòi ra mặt trận để “trả thù” cho cha.

Đại tá Bùi Văn Sỹ, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai tặng quà của Bộ Quốc phòng và Bộ CHQS tỉnh, tri ân mẹ VNAH Nguyễn Thị Mao, xã Tây Hòa H.Trảng Bom

Mẹ Mao kể: “Sợ mẹ buồn không cho theo cách mạng, Mỹ đã phải tranh thủ chờ mẹ ngủ khuya rồi lén ra nhập lực lượng du kích xã cho đến một ngày cuối năm 1971, mẹ nhận giấy báo tử liệt sĩ Phạm Thị Mỹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Lặng người! Mẹ chỉ biết tự tay lập bàn thờ nữa thờ con gái! Chiến tranh là thế!”.

Dấu lặng nặng trên mi mắt người mẹ già nhưng nắm chặt tay của các đồng chí trong đoàn đến thăm tặng quà dịp kỷ niệm 75 năm Ngày TBLS, mẹ Mao bảo: “Bây giờ, các con đều là con của mẹ; là đồng đội của chồng và con gái mẹ nên mẹ vui lắm, các con về như con gái mẹ trở về vậy!”.

Trường hợp mẹ Lê Thị Cơ, ngụ TT.Trảng Bom có chồng và hai con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Đó là liệt sĩ Lục Văn Đon (chồng) hy sinh năm 1965; liệt sĩ Lục Văn Quân, hy sinh năm 1966 và Lục Thị Vân, hy sinh năm 1970. Nước mắt người mẹ già không còn để khóc mẹ bảo: Chiến tranh là mất mát, đau thương nhưng mẹ vẫn động viên chồng, con lên đường bảo vệ Tổ quốc.

“Lúc Cụ Hồ và Đảng ta khổ vậy mà còn mang được độc lập cho dân, làm cho dân từ thân phận nô lệ thành người tự do thì ngày nay dù có phải hy sinh tất cả phải cố gắng giữ vững nền độc lập ấy”, người mẹ già lẩm nhẩm nói.

Quan tâm mọi mặt

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Trưởng phòng NCC (Sở LĐ-TBXH) cho biết, qua các cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, tỉnh Đồng Nai hiện đang quản lý hồ sơ 1.141 mẹ VNAH. Đến nay chỉ còn 34 mẹ còn sống ở các địa phương trong tỉnh. Trong đó, các địa bàn H.Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Thống Nhất, TP.Long Khánh, TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom nhiều nhất.

Đảng ủy, Ban CHQS H.Trảng Bom tặng quà của Bộ CHQS tỉnh và huyện cho mẹ VNAH Lê Thị Cơ TT.Trảng Bom

“Quan tâm đời sống NCC nói chung, các mẹ VNAH theo phương châm có mức sống tốt hơn hoặc bằng mức sống dân cư cùng khu vực sinh sống. Trong đó, 34/34 mẹ VNAH còn sống đều được các đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời. Đồng thời, với Pháp lệnh ưu đãi số 02, chế độ cho người chăm sóc, phụng dưỡng mẹ VNAH, NCC tiếp tục được cải thiện là thuận lợi để NCC nói chung, mẹ VNAH tiếp tục có cuộc sống tốt hơn về mọi mặt”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay.

Chủ tịch UBND H.Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu nhìn nhận, chăm lo cho NCC, gia đình cách mạng, mẹ VNAH là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của thế hệ đang sống. Nỗ lực để NCC có cuộc sống tốt cả về vật chất, tinh thần cũng là điều mà cấp ủy, chính quyền các cấp ở Trảng Bom luôn quan tâm thời gian qua.

“Đặc biệt với các mẹ VNAH còn sống, bên cạnh việc được các cơ quan, đơn vị phụng dưỡng, Huyện ủy, UBND huyện còn chỉ đạo các ngành chức năng, tổ chức đoàn thể địa phương quan tâm thăm hỏi, nắm bắt nhu cầu các mẹ để kịp thời chăm sóc nên các mẹ đều an vui lúc tuổi gia”, đồng chí Vũ Thị Minh Châu khẳng định.

Nguyệt Hà

TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Đẩy mạnh Phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Triển khai đồng bộ các giải pháp giúp người dân thoát nghèo tại huyện Sơn Động
Bắc Giang: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, giúp người dân thoát nghèo
Huyện Bình Đại triển khai có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững
Hà Nội gặp mặt, tri ân người có công tham gia giải phóng Thủ đô
Hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em bị ảnh hưởng do bão lũ tại miền Bắc
Vũng Liêm tích cực giải bài toán giảm nghèo bền vững
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân Mỏ Cày Bắc giảm nghèo bền vững
Chương trình của Vinamilk hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vùng bão lũ qua Trung ương đoàn