Tiến sĩ Lê Anh Tuấn - Giám đốc Học viện Âm nhạc chia sẻ: “Khi trường Âm nhạc Việt Nam được thành lập thì tất cả xuất phát từ con số 0, với một người tốt nghiệp bên Tiệp trở về thì bằng tâm huyết, bằng tình yêu, bằng sự đam mê của mình, bà đã tự tay biên soạn ra bộ giáo trình để dạy piano. Đây là sách dạy dàn piano đầu tiên. Trong giáo trình này có điểm rất đặc biệt là bà đã đưa đến 60% lượng các bài chuyển thể từ cả làn điệu dân ca, lấy yếu tố dân tộc để đưa vào giảng dạy piano chuyên nghiệp".
Những năm tháng chiến tranh, dù trường phải đi sơ tán nhiều nơi, NSND Thái Thị Liên vừa phải dạy học, vừa phải nuôi con thơ nhưng tiếng đàn piano của bà chưa bao giờ thôi ngân nga. Chính những đêm diễn tấu piano của bà dưới ánh trăng đã gieo mầm cho tình yêu âm nhạc cho các con.
Và từ “mầm âm nhạc” ấy mà Việt Nam đã có được một NSND Đặng Thái Sơn - nghệ sĩ châu Á đầu tiên đoạt giải Nhất Concours Chopin, một GS.NGND.NSND Trần Thu Hà - nguyên Hiệu trưởng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ngoài ra, NSND Thái Thị Liên còn có con trai là TS Trần Thanh Bình từng nhiều năm là Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo).
TS Trần Thanh Bình từng chia sẻ rằng, NSND Thái Thị Liên dạy các con tình yêu nghệ thuật, cả nhà sống trong môi trường âm nhạc. Nhưng bà không áp đặt các con phải làm thế này, thế kia theo ý mình mà tôn trọng ý nguyện của các con. Ai thích âm nhạc, say mê âm nhạc thì học, mà đã học thì phải học thật giỏi, phải say mê đến cùng.
Chia sẻ trên một tờ báo, NSND Đặng Thái Sơn từng bày tỏ: "Trước đây, mẹ tôi đã giúp tôi rất nhiều, nhưng nay mẹ tôi đã ngoài chín mươi tuổi, nên mình phải biết làm nhiều thứ, thế nên tôi cũng biết đi chợ, mua các thức ăn, đồ uống… Mẹ tôi cũng là người rất thích nhạc Chopin, khi còn đi sơ tán trong những đêm yên tĩnh, trong bóng tối, mẹ tôi chơi đàn dưới ngọn đèn dầu, tôi nghe và yêu thích từ đấy. Cho đến Concour Chopin năm 1970, mẹ tôi mới được mời làm khách tham dự, nhờ chuyến đi ấy của mẹ mà tôi mới có sách, có đĩa để học… Hai mẹ con chúng tôi luôn ở bên nhau, trong suốt quãng đời vừa qua của mình, cho đến giờ tôi mới chỉ xa mẹ một lần 3 năm khi tôi ở bên Nga…".
GS Trần Thu Hà cũng chia sẻ: "Đặt tay lên nốt nhạc đầu tiên cũng là người mẹ và cho đến khi trưởng thành được đi học đến khi trở về và cho đến tận bây giờ sau mấy chục năm ngoài những chuyện tình cảm gia đình ra, nhiều vấn đề khác thì một chủ đề rất lớn giữa 2 mẹ con là nghệ thuật và âm nhạc".
4 năm trước, NSND Thái Thị Liên đã về Việt Nam sinh sống. Bà sống riêng, có một người giúp việc. Hàng ngày, GS Trần Thu Hà vẫn về ăn cơm trưa với mẹ. Đặc biệt, dù tuổi đã xấp xỉ 100 nhưng NSND Thái Thị Liên vẫn chưa bao giờ rời xa cây dương cầm. Hàng ngày, bà vẫn dành 2 tiếng để luyện đàn hoặc dạy các cháu học. Với bà đó là cách để rèn luyện trí óc và nuôi dưỡng tâm hồn.
Trong sự kiện kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, NSND Thái Thị Liên đã khiến nhiều người sững sờ khi biểu diễn bản Mazurka (Chopin).
Và sắp tới đây, vào tối 23/11, NSND Thái Thị Liên sẽ cùng hai con là GS Trần Thu Hà và NSND Đặng Thái Sơn cùng các học trò NSƯT Trần Tuyết Minh, NGƯT Hoàng Kim Dung và pianist trẻ Đan Thu Nga biểu diễn trong đêm nhạc “Trăm mùa Thu vàng”. Đây là đêm nhạc vinh danh NSND Thái Thị Liên và mừng bà bước qua tuổi 100. Đặc biệt, trong đêm nhạc này, ngoài việc biểu diễn dương cầm, NSND Đặng Thái Sơn còn phá lệ chia sẻ những câu chuyện đầy kỷ niệm về người mẹ vĩ đại cũng là người thầy cao cả của mình.
Theo Dân trí