Chuyển biến trong công tác giảm nghèo ở huyện Na Rì
Thực hiện công tác giảm nghèo, thời gian qua, huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) đã tập trung đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho nhân dân. Qua rà soát sơ bộ, tính đến thời điểm này, công tác giảm nghèo năm 2018 của huyện Na Rì đã hoàn thành kế hoạch cấp trên giao.
Tập trung chuyển đổi cây trồng giá trị kinh tế cao gắn thị trường tiêu thụ
Với mục tiêu được xác định cụ thể trong thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo, huyện Na Rì đã có nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả từ công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến việc chỉ đạo thực hiện, vận động nhân dân trên toàn huyện nắm rõ chủ trương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo; thống nhất quan điểm chỉ đạo tổ chức hành động đến từng thôn, bản, hộ dân, góp phần làm chuyển biến phát triển kinh tế nông thôn miền núi, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Với mục tiêu được xác định cụ thể trong thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo, huyện Na Rì đã có nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả từ công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến việc chỉ đạo thực hiện, vận động nhân dân trên toàn huyện nắm rõ chủ trương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo; thống nhất quan điểm chỉ đạo tổ chức hành động đến từng thôn, bản, hộ dân, góp phần làm chuyển biến phát triển kinh tế nông thôn miền núi, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Trồng dong riềng và chế biến sản phẩm miến dong đã giúp xã Côn Minh thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo của địa phương
Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng giá trị kinh tế hàng hóa cao, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, huyện Na Rì đã và đang phát huy lợi thế của địa phương để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng việc chuyển đổi cây trồng như: Cây ăn quả, dong riềng và một số loại cây có giá trị kinh tế cao phù hợp với địa phương; việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng ngô cũng tăng đáng kể, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân. Chỉ riêng 3 năm (2016-2018), Na Rì đã chuyển đổi trên trên 1.000 ha đất trồng lúa năng suất thấp sang sản xuất một số loại cây trồng như: Trồng ngô, lúa giống mới, năng suất, hiệu quả kinh tế cao; đậu tương, lạc, thuốc lá, dong riềng, đậu đỗ, cây ăn quả các loại...
Ở Na Rì, việc phát triển cây ăn quả đã và đang được người nông dân sản xuất đầu tư theo quy trình chăm sóc có khoa học, an toàn hữu cơ, thay thế dần vườn ăn quả già cỗi, năng suất thấp, liên kết thành lập hợp tác xã trồng cây ăn quả sản xuất hàng hóa, nâng giá trị kinh tế thu nhập. Huyện đã quy hoạch, cải tạo vùng trồng cam, quýt tại các xã Kim Lư, Lương Hạ, Văn Minh, Cường Lợi, Liêm Thủy...nâng giá trị kinh tế 1 ha đất trung bình đạt trên 100 triệu đồng/ha trở lên; tiếp tục duy trì trồng 500 ha cây dong riềng, phấn đấu đến năm 2020 sản lượng miến dong đạt 500 tấn.
Chủ động, xác định rõ mục tiêu trong thực hiện giảm nghèo
Ngoài sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, nhiều địa phương chuyển biến tích cực trong cả cách lãnh đạo, chỉ đạo của cấp đảng ủy, chính quyền, người dân chủ động vươn lên cải tạo đất, đầu tư sản xuất nhiều mặt hàng nông, lâm sản giá trị kinh tế cao thành hàng hóa, phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình ngày càng được quan tâm, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo. Năm 2018, qua rà soát sơ bộ, nhiều địa phương thực hiện kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt và vượt kế hoạch đề ra, điển hình như: Đi đầu toàn huyện là xã Côn Minh, kế hoạch đầu năm phấn đấu giảm 27 hộ nghèo, đến nay đã có 53 hộ thoát nghèo, vượt 26 hộ so với mục tiêu đề ra; xã Kim Hỷ, kế hoạch giảm 17 hộ nghèo, đến hết tháng 10, địa phương đã có 29 hộ thoát nghèo, vượt 12 hộ so với kế hoạch; xã Hữu Thác phấn đấu 16 hộ thoát nghèo, đến nay đã có 21 hộ thoát nghèo, vượt 5 hộ so với kế hoạch...
Năm 2018, huyện Na Rì tiếp tục hỗ trợ nhân dân thực hiện dự án trồng cam xã đoài, hiệu quả kinh tế cao, mô hình đang phát triển và nhân rộng ở địa phương
Na Rì phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có trên 500 ha cây ăn quả, tiếp tục chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đi đôi với tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, mời gọi đối tác trong và ngoài tỉnh liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm cây ăn quả, miến dong, sản xuất các sản phẩm quy trình nông nghiệp sạch, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" giai đoạn 2017-2020 theo tinh thần Quyết định 899/QĐ-TTg của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp-PTN, huyện phấn đấu xây dựng ngành nông nghiệp phát triển toàn diện theo từng lĩnh vực, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng chất lượng và năng lực cạnh tranh. Phấn đấu tổng diện tích gieo trồng đạt 9.600 ha/năm; cây lương thực duy trì diện tích 6.700 ha/năm, tổng sản lượng lương thực đạt 32.000 tấn/năm, lương thực bình quân đầu người đạt 780 kg/người/năm; đàn gia súc (trâu, bò, ngựa) đạt 12.000 con; phấn đấu có 4 trang trại và trên 100 gia trại; duy trì ổn định 500 ha diện tích trồng dong riềng; ít nhất 10 hợp tác xã về lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp; mỗi xã quy hoạch một diện tích nhất định và tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh...
Có thể nói, công tác giảm nghèo của huyện Na Rì đã và đang tiếp tục có những chuyển biến đáng mừng, góp phần thúc đẩy địa phương phát triển bền vững. Trong những năm tiếp theo, huyện chỉ đạo các xã thực hiện tốt việc quy hoạch phát triển sản xuất, lựa chọn sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực, có lợi thế ưu tiên chỉ đạo phát triển; tiếp tục căn cứ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác giảm nghèo, thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới./.
Tùng Vân
TAG: