Số liệu từ Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam do Tổng cục thống kê và Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố năm 2010 cho thấy: 58% phụ nữ cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Khoảng 50% nạn nhân chưa từng nói với ai về tình trạng bạo lực mà họ phải chịu đựng. 87% nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ gây ảnh hưởng về mặt thể xác, tinh thần cho nạn nhân, mà còn dẫn tới thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội. Theo kết quả nghiên cứu “Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình gây ra với phụ nữ tại Việt Nam” của Liên hợp quốc, những chi phí và thiệt hại về kinh tế do bạo lực gây ra chiếm gần 1,5% GDP năm 2012 của Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí xã hội còn cao hơn do bạo lực đối với phụ nữ ảnh hưởng đáng kể đối với sự gắn kết xã hội và khả năng phục hồi của cộng đồng. Bạo lực dẫn tới kìm hãm tăng trưởng kinh tế và gia tăng đói nghèo của quốc gia.
Việt Nam đã dần từng bước xây dựng khung pháp lý giúp giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình, cũng như tăng cường thực thi pháp luật nhằm từng bước thu hẹp bất bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn khoảng cách giữa luật pháp, chính sách và thực thi pháp luật liên quan đến bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình.
Ngày 2/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020, trong đó giao Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11 đến 15/12 hàng năm. Tháng hành động năm nay sẽ có chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”
Một chuỗi các sự kiện với nhiều hình thức sẽ được tổ chức từ ngày 15/11 đến ngày 15/12/2016 như Đối thoại chính sách với giới trẻ; Công bố kết quả nghiên cứu về thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái; Ngày hội bóng đá - Giao lưu văn nghệ với chủ đề bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; Ngày hội Howabnormal - Chung tay xóa bỏ định kiến giới; Chia sẻ kết quả của dự án Nam giới tiên phong tình nguyện trong chuyển đổi các chuẩn mực nam tính nhằm phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ; Hành trình xe bus và tranh biện dành cho thanh niên về không gian công cộng an toàn và thân thiện; nghiệm thu chương trình can thiệp Thành phố an toàn; Tuần lễ No more - Hành động để chấm dứt bạo lực tình dục; cung cấp kiến thức về Bình đẳng giới và kỹ năng hỗ trợ em gái an toàn khi đi lại bằng xe buýt tại Hà Nội cho khoảng 200 lái xe, phụ xe của các công ty xe buýt tại Hà Nội…Các sự kiện trong Chiến dịch cũng sẽ được tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội.