Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về sử dụng dữ liệu hành chính phục vụ công tác thống kê dân số
(LĐXH) - Ngày 30-11, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế sử dụng dữ liệu hành chính phục vụ công tác thống kê dân số”. Qua đó, nâng cao công tác thống kê dân số để nguồn số liệu đầy đủ, chính xác và đáng tin cậy về nguồn vốn con người tại Việt Nam.
Tham dự Hội thảo gồm có bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê; Bà Naomi Kitahara Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam. Cùng với đó, Hội thảo có sự góp mặt của các Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê; hơn 150 đại biểu đến từ Văn phòng Chính phủ, các bộ, ban ngành, đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc Tổng cục Thống kê và các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: “Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng thành công cơ sở dữ liệu quốc gia về dân sự do Bộ Công an quản lý. Đây là nền tảng vững chắc để Tổng cục Thống kê xây dựng các phương án đổi mới tổng điều tra dân số theo hướng vừa hiện đại, vừa tiết kiệm và phù hợp với tinh thần của Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2050. Bà Hương nói thêm: “Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 của Việt Nam là một ví dụ rất điển hình về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các giai đoạn của Tổng điều tra, như đã được chia sẻ nhiều lần tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. Các quốc gia khác cũng đang học hỏi kinh nghiệm tổng điều tra của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cần tiến xa hơn theo hướng ứng dụng chuyển đổi số trong tương lai”.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến nay, Việt Nam đã thực hiện thành công nhiều cuộc Tổng điều tra và Điều tra dân số làm căn cứ để biên soạn các chỉ tiêu thống kê dân số. Tuy nhiên, tất cả các cuộc Tổng điều tra và Điều tra dân số nói trên đều thực hiện theo phương pháp truyền thống. Việt Nam vẫn chưa tận dụng được các nguồn dữ liệu hành chính khác nhau trong tổ chức triển khai điều tra cũng như hỗ trợ biên soạn một số chỉ tiêu thống kê quan trọng, nhằm giảm bớt gánh nặng điều tra.
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã tạo cơ hội tốt cho Việt Nam trong việc số hóa các nguồn dữ liệu hành chính phục vụ công việc quản lý của các bộ ngành. Chính vì vậy, việc nghiên cứu tăng cường sử dụng dữ liệu hành chính hay dữ liệu lớn cho công tác thống kê trong đó có các cuộc Tổng điều tra và Điều tra dân số trở thành ưu tiên chiến lược mới đối với ngành thống kê.
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, bà Naomi Kitahara – Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam đã nhấn mạnh: "Với mức độ đa dạng của các hệ thống đăng ký của Việt Nam, cũng như quy mô dân số và đặc điểm tăng trưởng kinh tế - xã hội đang phát triển nhanh chóng của đất nước, điểm then chốt là Tổng cục Thống kê cần nắm được những kinh nghiệm và bài học từ các quốc gia khác. UNFPA sẵn sàng hỗ trợ Tổng cục Thống kê trong tiến trình này, vì chúng ta có mục tiêu chung là dữ liệu tốt hơn, cuộc sống tươi đẹp hơn cho Việt Nam”.
Hội thảo dành thời gian cho các đại biểu tham dự đặt câu hỏi để trao đổi và thảo luận về các nội dung liên quan đến việc ứng dụng cơ sở dữ liệu hành chính như: Bảo mật thông tin của người dân, vấn đề quản lý hộ khẩu, dữ liệu hộ tịch…..
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế sử dụng dữ liệu hành chính phục vụ công tác thống kê dân số nằm trong khuôn khổ dự án VNM10P04: Hỗ trợ các cơ quan Việt Nam trong việc sản xuất, cung cấp và sử dụng dữ liệu, bằng chứng có chất lượng về dân số phục vụ công tác đánh giá, xây dựng và thực hiện các chính sách chiến lược, chương trình phát triển kinh tế - xã hội và giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam giai đoạn 2022-2026 do Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của UNFPA tại Việt Nam./.
PV