An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội tích cực phối hợp với các Tổ chức Chính trị xã hội triển khai các chương trình tín dụng chính sách
11:56 AM 14/04/2022
(LĐXH) Ngày 13/4/2022, tại trụ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã diễn ra Hội nghị giao ban liên ngành giữa Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với các Tổ chức Chính trị Xã hội (TCCTXH) gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên CSHCM thành phố để đánh giá công tác ủy thác cho vay 3 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Chi nhánh NHCSXH cùng 4 TCCTXH thành phố và cán bộ các phòng chuyên môn nghiệp vụ.
Theo đánh giá của ông Phạm Văn Quyết – Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội: Trong 3 tháng đầu năm 2022,  tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trong đó có hoạt động của NHCSXH và việc tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Hà Nội. Chi nhánh Ngân hàng NHCSXH và các TCCTXH thành phố Hà Nội đã khắc phục khó khăn, tiếp tục phối hợp tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác uỷ thác cho vay nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn.
Đến 31/3/2022, tổng dư nợ ủy thác qua các Tổ chức Chính trị Xã hội 11.637 tỷ đồng, chiếm 97,3% tổng dư nợ; dư nợ ủy thác tăng 22 tỷ đồng, so với đầu năm, với gần 250 ngàn hộ còn dư nợ tại 7.082 Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), dư nợ bình quân đạt 47 triệu đồng/hộ.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, thông qua các chương trình tín dụng chính sách đã giúp cho trên 28 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Hà Nội được vay vốn tại NHCSXH, trong đó có 481 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn, gần 19 ngàn lượt khách hàng vay vốn chương trình cho vay GQVL, góp phần thu hút trên 21 ngàn lao động; cho vay xây dựng mới và cải tạo trên 17.600 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn,…Các chương trình tín dụng chính sách giải ngân qua NHCSXH đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, hỗ trợ kịp thời các hộ gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn khắc phục ảnh hưởng, thiệt hại bởi dịch COVID-19, duy trì và khôi phục chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội tham gia Hội nghị giao ban liên ngành về 
triển khai các chương trình tín dụng chính sách
Dư nợ ủy thác qua các Tổ chức Chính trị Xã hội đều tăng so với đầu năm. Trong đó, Hội Phụ nữ quản lý dư nợ cao nhất với trên 134,5 nghìn hộ vay thuộc 3.705 Tổ TK&VV, dư nợ 6.304 tỷ đồng. Hội Nông dân dư nợ 2.874 tỷ đồng với trên 65 nghìn hộ vay thuộc 1.851 Tổ TK&VV. Hội Cựu chiến binh dư nợ 1.917 tỷ đồng với trên 38 nghìn hộ vay thuộc 1.196 Tổ TK&VV. Đoàn Thanh niên dư nợ 542 tỷ đồng, với trên 11 nghìn hộ vay thuộc 330 Tổ TK&VV.
NHCSXH đã phối hợp với TCCTXH cấp xã xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện phương án phòng, chống dịch tại các điểm giao dịch. NHCSXH và các TCCTXH Thành phố thường xuyên thông tin 2 chiều, trao đổi về những thay đổi trong quy trình nghiệp vụ, chủ trương, chính sách mới, những khó khăn, vướng mắc phát sinh... trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện để thống nhất chỉ đạo theo ngành dọc.
Ngay trong tháng 01/2022, NHCSXH và TCCTXH các cấp đã khẩn trương tập trung việc ký kết Văn bản liên tịch (đối với TCCTXH cấp Thành phố, cấp huyện) và Hợp đồng ủy thác (đối với TCCTXH cấp xã) làm căn cứ tổ chức triển khai thực hiện, Văn bản liên tịch và Hợp đồng ủy thác có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022.
Chỉ đạo các đơn vị cơ sở nắm bắt, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn các chương trình cho vay; phối hợp với TCCTXH các cấp và các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) hoàn thiện hồ sơ, giải ngân kịp thời nguồn vốn thu hồi và vốn tăng trưởng theo chỉ tiêu kế hoạch được Trung ương và UBND thành phố, quận, huyện, thị xã giao.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, chỉ đạo các đơn vị thường xuyên phối hợp củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV thông qua buổi họp giao ban tại xã để tìm giải pháp khắc phục đối với các tổ xếp loại trung bình, yếu.
Trong quý I/2022, NHCSXH và TCCTXH cấp xã đã phối hợp xây dựng kế hoạch và tập trung triển khai thực hiện, kết quả đến 31/03/2022 đã đối chiếu được 217.978 khách hàng vay vốn trên tổng số 254.076 khách hàng phải đối chiếu, tỷ lệ hoàn thành kế hoạch đối chiếu là 86%.
Phát biểu tại hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Hương – Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ thành phố cho biết, trong quý I/2022, Hội phụ nữ thành phố đã tích cực thực hiện công tác kiểm tra giám sát tại các quận, huyện, thị xã. Qua công tác kiểm tra giám sát tại cơ sở, một số nơi còn có tình trạng tổ TK&VV họp tổ không đủ thành phần; còn tâm lý e ngại rủi ro nên bình xét mức cho vay thấp và đều nhau, do đó người vay sử dụng không hiệu quả. Trong thời gian tới, các TCCTXH Thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCCTXH trực thuộc và Hội cấp cơ sở thực hiện tốt công tác tuyên truyền, rà soát đối tượng đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn, tổ chức họp tổ đầy đủ thành phần, bình xét cho vay dân chủ, xét mức cho vay phù hợp với nhu cầu của từng hộ để người vay sử dụng vốn có hiệu quả. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát sau cho vay để phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những sai sót, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện tín dụng chính sách. Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố cho biết, trong tháng 4/2022, Hội LHPN thành phố sẽ phối hợp với Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội tổ chức lớp tập huấn về tín dụng chính sách cho lãnh đạo và cán bộ Tổ chức Chính trị Xã hội cấp huyện. Nội dung tập huấn sẽ tập trung vào các văn bản, chính sách mới và công tác kiểm tra giám sát cơ sở và các giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác ủy thác vay vốn tín dụng chính sách.
Các đại biểu tham dự hội nghị đã thống nhất phương hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022. Chi nhánh NHCSXH và các TCCTXH sẽ tiếp tục tăng cường công tác phối hợp; phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ Tổ chức Chính trị Xã hội nhận ủy thác trong việc theo dõi, quản lý, đôn đốc, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV; đồng thời tăng cường chỉ đạo, kiểm tra giám sát của Tổ chức Chính trị Xã hội các cấp đối với việc thực hiện tại cơ sở; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, tồn tại để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác. Tiếp tục phối hợp thực hiện hoàn thành công tác đối chiếu, phân loại nợ phấn đấu xong trước 30/4/2022. Rà soát các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan để trình cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tập huấn nghiệp vụ tín dụng chính sách và tuyên truyền về Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và các chương trình tín dụng chính sách được Chính phủ giao NHCSXH thực hiện tại Nghị quyết để mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn đều hiểu, nắm bắt và tiếp cận nguồn vốn vay nếu có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn; nâng cao chất lượng công tác bình xét cho vay và tăng cường sự tham gia kiểm tra giám sát của Chính quyền tại cơ sở, của  trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố để nguồn vốn cho vay đúng đối tượng, an toàn và sử dụng có hiệu quả. Phối hợp tham mưu UBND các cấp tổ chức Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác tại các quận, huyện, thị xã và Thành phố; đề xuất khen thưởng các cá nhân, đơn vị thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách.
Thảo Lan
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương