Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong các cơ sở trợ giúp ở Quảng Bình
11:30 AM 10/03/2022
(LĐXH)- Toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 03 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 01 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và 02 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập đang nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung cho 298 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Theo báo cáo ngày 9/3/2022 về kết quả, rà soát, kiểm tra, thanh tra việc chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ trẻ em của các cơ sở trợ giúp xã hội của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Bình, tỉnh hiện có 207.708 trẻ em dưới 16 tuổi. Thời gian qua, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên địa bàn luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể và sự chung tay, góp sức tích cực của các tổ chức, cá nhân, gia đình và xã hội. Chính vì vậy, đời sống vật chất, tinh thần của trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng ngày được nâng lên, các em được tiếp cận các dịch vụ xã hội, vươn lên hòa nhập cuộc sống cộng đồng; tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, tai nạn thương tích, bỏ học năm sau luôn giảm hơn năm trước...

Tặng quà Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cho trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Bình

Tuy nhiên, Quảng Bình là tỉnh có điểm xuất phát về kinh tế thấp; thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện địa lý không thuận lợi; đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bảo dân tộc thiểu số còn rất khó khăn. Đặc biệt, hiện nay với sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, sản xuất và đời sống nhân dân, doanh nghiệp. Do đó ngân sách Nhà nước dành cho công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em chưa đáp ứng được yêu cầu, việc triển khai các hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng có thời điểm chưa kịp thời, sâu rộng.
Khó khăn là vậy, song cùng với việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, chăm lo giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, tỉnh Quảng Bình còn thường xuyên quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và công tác chăm sóc trẻ em trong các cơ sở nuôi dưỡng chăm sóc trẻ em tập trung nói riêng. Đến nay, công tác chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn hòa nhập với cuộc sống cộng đồng được quan tâm và đạt kết quả ghi nhận…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 03 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 01 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và 02 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập đang nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung cho 298 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Cụ thể, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình) đang chăm sóc, nuôi dưỡng 39 cháu là trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ, trẻ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại đang hưởng trợ cấp xã hội, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em vô thừa nhận, trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng không có người nuôi dưỡng. Trong đó, số trẻ từ 0 đến 4 tuổi là 01 cháu, từ 4 tuổi đến dưới 16 tuổi là 26 cháu; từ 17 tuổi đến 23 tuổi đang theo học tại các Trường THPT, Trung cấp, Cao đẳng, Đại học là 12 cháu.  
Làng trẻ em SOS Đồng Hới (cơ sở ngoài công lập) là đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không có người có nghĩa vụ chăm sóc hoặc mất khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng của tỉnh Quảng Bình và các tỉnh lân cận. Năm 2021, Làng nuôi dưỡng 92 trẻ ở trong Làng, bao gồm: trẻ dưới 03 tuổi 01 trẻ, mầm non 08 trẻ, tiểu học 27 trẻ, THCS 37 trẻ, THPT 19 trẻ; số trẻ đi học ngoài là 24 trẻ (15 trẻ học đại học, 08 trẻ học cao đẳng và 01 trẻ học trung cấp); số trẻ đang hưởng chế độ tìm việc là 02 trẻ; số trẻ đang hưởng chế độ bán tự lập 36 trẻ.
Mái ấm hy vọng VINCENTE (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) do Cộng đoàn mến thánh giá Hướng Phương thành lập. Đây là loại hình cơ sở tự nguyện do Công giáo thành lập theo hình thức vận động cộng đồng công giáo để nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ bỏ rơi và trẻ khuyết tật của các gia đình không có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng mong muốn nhờ Nhà thờ trợ giúp. Hiện tại, Mái ấm đang nuôi dưỡng 105 trẻ em là trẻ khuyết tật, thiểu năng; kinh phí phục vụ chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu chủ yếu dựa vào nguồn lực vận động của cơ sở tôn giáo và các nhà hảo tâm trong tỉnh, trong nước, không có nguồn thu ổn định.
Thời gian tới, nhằm tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong các cơ sở trợ giúp xã hội, tỉnh Quảng Bình sẽ đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp huyện, cấp xã, cán bộ giáo viên tại các cơ sở bảo trợ xã hội về công tác trẻ em; trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với công tác trẻ em.
Bên cạnh đó, tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác trẻ em, trong đó có nguồn lực từ ngân sách địa phương theo phân cấp, nguồn lực xã hội hóa từ cộng đồng. Đồng thời, thực hiện tốt, kịp thời các chính sách của Nhà nước đối với trẻ em trong các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập theo hướng dẫn tại Thông tư số 76/2021/TT-BTC ngày 15/9/2021 hướng dẫn khoản 1 và khoản 2 Điều 31 Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công
Thái Nguyên: Phát huy hiệu quả nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa
Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần, phân biệt đối xử với trẻ em và trẻ em khuyết tật
Vĩnh Long: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo