Ngày 14/6, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp Văn phòng Lao động quốc tế tại Việt Nam (ILO) tổ chức hội thảo vận động chính sách phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trong các chuỗi cung ứng. Đây là hoạt động nhân Ngày thế giới Phòng, chống lao động trẻ em (12/6), chủ đề của năm nay là “Chấm dứt lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng – Trách nhiệm của tất cả chúng ta”. Đến dự và điều hành hội thảo có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp; Giám đốc ILO Chang Hee Lee; Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng; Tham tán kinh tế, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam John Hill...
Theo số liệu thống kê, Việt Nam có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em, chiếm 9,6% dân số. Lao động trẻ em tập trung nhiều ở tuổi từ 15-17 (chiếm 58%), chỉ 15% lao động trẻ em ở mức 5-11 tuổi. Phân theo ngành nghề thì ngành nông nghiệp có gần 1,18 triệu trẻ em, chiếm 67%; lĩnh vực dịch vụ chiếm 16,6% và trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có 276.000 trẻ em.
Trong số những lao động trẻ em, có tơi 52% trẻ em đã thôi học và có tới 2,8% số trẻ em này chưa bao giờ đi học. Một bộ phận đánh kể trẻ em làm việc trong điều kiện lao động ngoài trời, đi lại nhiều dễ gây tai nạn, nguy hiểm, điều kiện lao động quá nóng, lạnh, môi trường có hóa chất gây hại và các tổn thương khác đến sự phát triển thể chất của trẻ. Trẻ em có nguy cơ làm trong các nghề bị cấm sử dụng lao động chưa thành niên.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu tại hội thảo
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết Việt Nam đã tham gia, phê duyệt các điều ước quốc tế nhằm đảm bảo thực hiện quyền trẻ em. Đồng thời ban hành hệ thống pháp luật và chính sách nhằm đảm bảo hiện thực hóa quyền của trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Nhiều dự án mô hình liên quan đến phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em đã được triển khai. Tuy nhiên, Thứ trưởng Diệp cũng khẳng định: phòng ngừa, giảm thiểu và tiến tới chấm dứt lao động trẻ em gặp những thách thức mà trước hết là nhận thức của chính trẻ em, gia đình, cộng đồng và của cả chính người sử dụng lao động. Khi Việt Nam hội nhập kinh tế toàn cầu, tham gia các hiệp định thương mại thì các cam kết về tiêu chuẩn lao động về giảm thiểu và tiến tới chấm dứt sử dụng lao động trẻ em ngày càng quan trọng. “Theo ILO, trong quá trình sản xuất các hàng hóa và dịch vụ có tính toàn cầu có thể nhiều trẻ em phải tham gia vào lao động sản xuất. Lao động trẻ em thường xảy ra nhiều hơn trong các chuỗi sản xuất các sản phẩm hướng tới tiêu thụ trong nước. Lao động trẻ em thường diễn ra ở các xưởng sản xuất nhỏ hoặc tại hộ gia đình khiến cho việc xác định và can thiệp rất khó khăn”- Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho hay.
Đồng quan điểm này với lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cho rằng, chuỗi cung ứng bao gồm những hoạt động từ quy trình sản xuất và phân phối, dịch vụ. Ông Chang Hee Lee cho rằng, với 1,75 triệu lao động trẻ em tại Việt Nam, các chuỗi sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ cung ứng sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ phục vụ hàng triệu người mỗi ngày có nguy cơ tồn tại lao động trẻ em. Tuy nhiên, lao động trẻ em có thể khó phát hiện do lao động trẻ em chủ yếu tồn tại ở khu vực kinh tế nông thôn và phi chính thức, ngoài tầm kiểm soát của thanh tra lao động và ở những nơi công đoàn và các tổ chức của người sử dụng lao động thường rất mỏng hoặc không có. Trong sản xuất hộ gia đình, trẻ em thường rất dễ bị tổn thương do thu nhập của bố mẹ các em không đủ hoặc bởi doanh nghiệp không đủ tiền thuê lao động trưởng thành nên để con em mình lao động không được hưởng lương”.
Các chuyên gia tham gia luận bàn các giải pháp nhằm giảm thiểu lao động trẻ em trong các chuỗi cung ứng
Trên thực tế, ranh giới giữa sử dụng lao động trẻ em và trẻ em tham gia hoạt động kinh tế rất mong manh. Ví dụ đến mùa thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên, thứ 7, chủ nhật các em được nghỉ học theo mẹ đi hái cà phê hay giúp mẹ phơi cà phê khi trời nắng lên. Nếu khẳng định những việc làm đó của các em là lao động trẻ em thì chưa đúng. Hay tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các em gái không biết dệt vải thì không thể lấy chồng. Vì thế 13 tuổi, các em đã phải ngồi vào khung cửi để học dệt, học may, thêu. Đây là truyền nghề không phải là lao động trẻ em. Vậy thế nào là lao động trẻ em và thế nào là trẻ em tham gia hoạt động kinh tế? Chia sẻ tại hội thảo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói: “Thời chúng tôi hầu hết trẻ em đều phải tham gia lao động, tỷ lệ lao động trẻ em lên đến 50-60%. Bác Hồ đã dạy “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình”, các em có thể tham gia phụ giúp bố mẹ nhưng không ảnh hưởng đến thời gian học tập, không ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý cũng như thời gian vui chơi giải trí. Việt Nam mong muốn xóa bỏ mọi hình thức lao động tồi tệ trẻ em càng sơm càng tốt”.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện đang hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng, vấn đề thực hiện các cam kết quốc tế về lao động, trong đó có vấn đề lao động trẻ em trong các chuỗi cung ứng sẽ ngày càng được được quan tâm nhiều hơn. “Sự tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm của tất cả các đối tác trong xã hội sẽ giúp cho luật pháp, chính sách về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em được tuân thủ tốt hơn, quyền của trẻ em được hiện thực hóa trong thực tế và tương lai của các em, xa hơn là tương lai nguồn nhân lực của đất nước được đảm bảo. Chính chúng ta là người quyết định tốc độ và mức giảm quy mô lao động của trẻ em trong các chuỗi cung ứng, chính chúng ta sẽ quyết định tương lai của con em chúng ta”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.
Đăng Doanh