An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Cao Bằng: Nỗ lực giảm nghèo bền vững
10:12 AM 25/08/2021
Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Cao Bằng đã giảm 20,46%, từ 42,53% xuống còn 22,07%, bình quân hằng năm giảm 4,12%, với trên 30.000 hộ thoát nghèo, hoàn thành 206% mục tiêu đề ra. Để đạt được kết quả này, tỉnh Cao Bằng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tranh thủ các nguồn lực, phát huy được vai trò tích cực, sáng tạo của địa phương, của bản thân người nghèo, khơi dậy được mối quan hệ, tình đoàn kết, thương yêu nhau trong cộng đồng dân cư để giúp nhau phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo.
Nhờ triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, người dân được hỗ trợ để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Gia đình chị Lầu Thị Sài xóm Tềnh Cà Lừa, xã Quý Quân, huyện Hà Quảng là một trong 6 hộ thoát nghèo của xóm. Trước đó, gia đình chị rất khó khăn, nhà có 5 người chỉ biết trồng ngô, trồng lúa để sinh sống, cái nghèo cứ đeo bám. Chỉ đến khi xã có Chương trình 30a, 135 về việc triển khai mô hình nuôi gà, nuôi lợn, thì gia đình chị được tập huấn về cách chăn nuôi để phát triển kinh tế hộ. Chị đã chịu khó học hỏi, chăm chỉ trồng cỏ voi để nuôi bò, nấu cám nuôi lợn, nấu rượu. Từ đó, kinh tế gia đình chị đã dần ổn định. Chị Lầu Thị Sài cho biết: “Trong năm 2020, gia đình tôi được Nhà nước đầu tư hỗ trợ vốn Chương trình 135, hỗ trợ lợn thương phẩm và hỗ trợ mô hình về chăn nuôi gà, với tổng số gà được hỗ trợ là 68 con. Gia đình có con cháu giúp đỡ làm nhà, làm chuồng trại để chăn nuôi bò, lợn, gà. Vì thế nên kinh tế gia đình phát triển hơn”.
Xác định công tác giảm nghèo nhanh và bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, hằng năm, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu giảm nghèo, chỉ tiêu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đến từng địa phương. Nhờ đó, người nghèo và cận nghèo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội ngày càng đầy đủ hơn. Trong đó, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như giáo dục, y tế, thông tin, nước sạch; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Để thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nghèo, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích, kích cầu hộ nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật; đồng thời vận dụng nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hộ nghèo có thêm điều kiện sản xuất. Bà Nông Thị Đay, Chủ tịch UBND xã Quý Quân, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng cho biết: “Về thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn xã Quý Quân, cấp ủy, chính quyền địa phương đã thành lập Ban xóa đói giảm nghèo, phân công các đồng chí thành viên trong Ban xóa đói giảm nghèo phụ trách các xóm. Trong quá trình triển khai, đã lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình 135, 30a, thực hiện các nguồn vốn của các chương trình đó đã hỗ trợ cho hộ nghèo. Sau khi nhận được nguồn vốn của các chương trình đó thì các hộ đã cố gắng vươn lên thoát nghèo. Năm 2020 đã giảm được 25 hộ nghèo. Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định áp dụng cây, con mũi nhọn cho bà con thực hiện đạt tiêu chí. Vận động bà con mua bò vỗ béo đối với hộ gia đình ở vùng cao, dự kiến cho bà con ở vùng cao trồng cây gừng để có thêm thu nhập; tiếp tục vận động bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt”.
Cao Bằng đã thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo của Trung ương, thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền về công tác giảm nghèo và tập huấn cho cán bộ làm công tác giảm nghèo để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác giảm nghèo. Năm 2020, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức 21 cuộc truyền thông giảm nghèo với gần 2.700 người tham dự; 40 hội nghị tập huấn cho cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp tỉnh, huyện, xã và các trưởng thôn/bản/tổ dân phố; tập huấn về các chế độ chính sách mới về giảm nghèo năm 2020, định hướng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; hướng dẫn thực hiện mô hình nông nghiệp dinh dưỡng cho 7 huyện nghèo; tập huấn Đề án trợ giúp xã hội Việt Nam cho cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội cấp huyện và cấp xã với tổng số trên 6.000 đại biểu tham dự.
Kết quả huy động nguồn lực thực hiện Chương trình giảm nghèo năm 2020 là trên 1.120 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 706 tỷ đồng, vốn huy động vận động Quỹ vì người nghèo 1,6 tỷ đồng, vốn tín dụng 419 tỷ đồng. Qua đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã đầu tư hàng loạt chương trình, dự án cải thiện điều kiện, nâng cao mức sống của người dân vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số ít người. Trọng tâm là Chương trình 30a đã hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng với 148 công trình, bao gồm 82 công trình giao thông, 12 công trình trường học, 9 công trình thủy lợi, 7 công trình cấp nước sinh hoạt. Trong năm 2020, tỉnh đã phê duyệt 301 dự án trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các huyện, thành phố với hơn 30.700 hộ hưởng lợi. Từ những chương trình, dự án, kết cấu hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng đã làm đổi thay bộ mặt nông thôn, đời sống của nhân dân được nâng cao. Toàn tỉnh giảm được 4.956 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,01% đạt 133,6%, vượt kế hoạch đề ra. Theo ông Nông Minh Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng: “Công tác giảm nghèo năm 2020 được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quan tâm và đạt được một số kết quả như toàn tỉnh giảm được 4,1%, đạt 133% kế hoạch. Kết quả này mang lại lợi ích cho xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân. Nét nổi bật là các huyện, thành phố đã thường xuyên quan tâm, đưa vào nghị quyết chỉ đạo, lãnh đạo về công tác giảm nghèo. Chính vì thế, tỷ lệ giảm nghèo đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong thời gian tới, giai đoạn 2021 - 2026, sở sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai về công tác giảm nghèo. Sau khi có Bộ công cụ rà soát hộ nghèo giai đoạn 2021 - 2026, sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu đến huyện, tập huấn công tác giảm nghèo”.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm qua mỗi năm, an sinh xã hội được đảm bảo, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện đã và đang tạo tiền đề, động lực để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, trong đó có mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) bình quân trên 4%/năm. Và, để đạt được mục tiêu này, cùng với nỗ lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo của mỗi gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không thể thiếu sự hỗ trợ, chung tay góp sức nhiều hơn nữa của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội./.
Kim Dung

TAG:
Tin khác
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động
Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Long An
Hiệu quả mô hình “Tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng” ở Đồng Nai
Herbalife Việt Nam đồng hành cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức Cuộc Thi Lan Tỏa Năng Lượng Tích Cực lần thứ năm liên tiếp
Chương trình Đi bộ từ thiện Đinh Thiện Lý: 20 năm những bước chân chia sẻ
TP.HCM: Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH được nhận gộp lương 2 tháng trước Tết
Quảng Ngãi nâng cao năng lực cho tình nguyện viên phòng, chống mua bán người
'Tháp Eiffel bốc cháy': Cách phân biệt tin giả thời AI