Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo tại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng
Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới, dân số trên 53 vạn người, 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 7 huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; có 161 xã, phường, thị trấn, trong đó có 126 xã, 996 thôn xóm đặc biệt khó khăn. Thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Thông tư 01/2022/TT-BXD của Bộ Xây dựng, Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 19/01/2023 về lãnh đạo thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 64/2022/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 về chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2025. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện nghèo rà soát, thẩm định, phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở, từ đó đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025”. Hầu hết nhà ở của hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa bảo đảm về chất lượng, một số nhà có cột kèo gỗ, vách bưng bằng ván, nền đất hoặc láng vữa xi măng, số ít nhà đổ bê tông nền hoặc nhà sàn truyền thống nhưng khung nhà đã bị mối mọt, mái lợp lá hoặc có mái lợp Fibroxi măng đã xuống cấp, dột nát, một số hộ vách nhà quây tạm bằng bạt, tre, nứa,... cần được xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa để đáp ứng nhu cầu ở và sinh hoạt của người dân.
Tổng vốn thực hiện Dự án 5. Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo trong giai đoạn 2021-2024 là 314 tỷ đồng (ngân sách trung ương 270,4 tỷ đồng; ngân sách địa phương 43,5 tỷ đồng). Kinh phí giải ngân đến tháng 6/2024 được 160,5 tỷ đồng, đạt 51% (ngân sách trung ương 144,9 tỷ đồng, ngân sách địa phương 15,6 tỷ đồng). Kết quả đã hỗ trợ được 3.926 nhà, gồm 2.674 nhà làm mới, 1.252 nhà sửa chữa. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã hỗ trợ nhà ở cho 811 hộ nghèo, hộ cận nghèo (590 nhà làm mới, 221 nhà sửa chữa). Kết quả thực hiện chỉ tiêu về chiều thiếu hụt nhà ở, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo có nhu cầu được hỗ trợ nhà ở, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Theo đánh giá, Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi trên tất cả các huyện, thành phố; nhiều cách làm hay, sáng tạo được áp dụng và nhân rộng. Chương trình có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, xóm, đặc biệt quan tâm, hưởng ứng tích cực của đông đảo tầng lớp nhân dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo, thể hiện được tinh thần đoàn kết “lá lành đùm lá rách”, “không ai bị bỏ lại phía sau” của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng.
Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, các các hộ nghèo, cận nghèo đã thực sự quyết tâm ra sức làm nhà và mạnh dạn huy động thêm sự hỗ trợ của người thân, dòng tộc cùng với sự góp sức của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, đã xây mới hoặc sửa chữa được nhà ở đạt 03 tiêu chí “cứng”, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng, đảm bảo bền vững lâu dài, thực sự giúp các hộ nghèo có nhà ở vững chắc, ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất, tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập từ đó tạo động lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Để hoạt động hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần giảm nghèo bền vững, thời gian tới, tỉnh Cao Bằng sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong triển khai thực hiện công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo; Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cụ thể, chi tiết về trình tự, thủ tục, quy trình hỗ trợ nhà ở đến cấp xã, xóm và đối tượng thụ hưởng; Hằng năm, căn cứ nguồn vốn Trung ương giao, thực hiện công tác phân bổ, bố trí nguồn đối ứng theo quy định, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phù hợp với thực tiễn, tổ chức thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả; Tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, không làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai Chương trình./.
Thu Hương